Bức tranh sơn mài Vườn xuân Trung Nam Bắc
là tác phẩm được danh họa Nguyễn Gia Trí tâm huyết thực hiện trong suốt
20 năm (1969 - 1989). Năm 1990, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã mua bức
tranh này, tặng lại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Năm 2013, bức
tranh được công nhận là Bảo vật Quốc gia. Một tác phẩm có giá trị như
vậy lẽ ra phải được bảo vệ, bảo quản nghiêm cẩn, đúng cách. Vậy mà đầu
năm 2019, nhiều du khách đến thăm Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh không
khỏi ngỡ ngàng khi thấy bức tranh có diện mạo khác hẳn, mầu sắc nhạt
nhòa, sự lấp lánh của chất liệu sơn mài tạo nên chiều sâu bức tranh đã
không còn giữ được.
Nguyên nhân là do nơi lưu giữ và trưng bày bức tranh
đã "vệ sinh" tranh. Thay vì cần mời chuyên gia khảo sát, đánh giá thực
trạng xuống cấp của tranh để có biện pháp tu sửa, phục chế thích hợp,
đồng thời quá trình bảo dưỡng phải do người có chuyên môn kiểm tra giám
sát nghiêm ngặt, thì một số người có trách nhiệm đã thực hiện công việc
quan trọng này một cách vô cùng cẩu thả: tìm một thợ sửa sơn mài để
"chọn mặt gửi vàng". Hậu quả là bề mặt bức tranh đã bị can thiệp thô bạo
bằng nước rửa chén, bột chu, giấy ráp 2000 (loại giấy có tác dụng mài
mòn cao) khiến tranh bị hư hỏng nặng.
Lãnh đạo Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh
và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nhận định: "Tác phẩm sơn
mài Vườn xuân Trung Nam Bắc có thể coi là hiện vật chiếm tới 50% thương
hiệu, giá trị và uy tín của Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Bức tranh
quan trọng như vậy đó, vậy mà họ lại không đánh giá đúng và có đầu tư
đúng mực với "báu vật" này, thật là đáng tiếc".
Vụ việc nêu trên chưa hết "nóng" thì mới đây, dư luận lại tiếp tục
xôn xao về sự kiện hai cụm tháp ở Bình Ðịnh là tháp Ðôi (TP Quy Nhơn),
được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1980, cụm tháp Bánh Ít
(Tuy Phước) được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1982, bị xâm
phạm thô bạo bằng cách thức các khung sắt treo biển quảng cáo du lịch
được khoan và bắt vít thẳng vào tường tháp cũng như mặt tháp.
Cho dù
ngày 7/5/2019, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Ðịnh lập tức chỉ đạo
khắc phục, người làm sai sẽ phải chịu trách nhiệm, nhưng chắc chắn những
vết khoan lỗ chỗ trên bề mặt tháp cổ sẽ không thể xóa bỏ để trả lại vẻ
nguyên vẹn đã có. Thiệt hại từ sự cẩu thả, thiếu hiểu biết gây ra cho di
tích sẽ là tổn thất không thể bù đắp.
Thực tế những năm qua, hiện tượng xâm hại các di sản văn hóa đã xảy
ra nhiều lần, cũng nhiều lần một số tổ chức, địa phương, cá nhân phải
rút kinh nghiệm, nhưng xem ra vấn đề này vẫn không hề được chú ý đúng
mức.
Những bất cập trong công tác bảo quản, tôn tạo, phục chế các di sản
vật thể (sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, bao
gồm di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo
vật quốc gia) vẫn chưa được triệt để khắc phục, gây hậu quả nghiêm
trọng, khiến dư luận lo lắng. Mặc dù dư luận nhiều lần cảnh báo song các
sự việc liên tục xảy ra những năm gần đây đã minh chứng cho điều này.
Năm 2010, dự án trùng tu tôn tạo thành nhà Mạc (Tuyên Quang) đã biến một
di tích quốc gia hơn 400 năm tuổi thành "lò gạch một ngày tuổi" như
nhận xét của nhiều người.
Năm 2014, ngay trước lễ công bố quyết định Bảo
vật Quốc gia, bia Sùng Thiện Diên Linh thời Lý, một trong 37 Bảo vật
Quốc gia được công nhận vào năm 2013, đang được lưu giữ tại chùa Long
Ðọi Sơn (huyện Duy Tiên, Hà Nam) đã bị phá hủy nghiêm trọng. Nguyên do
cũng bởi vì muốn "tân trang, vệ sinh" bia, Ban quản lý di tích đã sử
dụng một nhóm thợ xây làm sạch bia cổ bằng bàn chải sắt, đá mài, giấy
ráp... Sự can thiệp phi khoa học đã gột sạch những nét rêu phong, làm
biến dạng dấu tích ngự bút của Hoàng đế Lý Nhân Tông (1066 - 1128) trên
bề mặt của tấm bia.
Cũng trong năm 2014, đình Quang Húc ở xã Ðông Quang
(huyện Ba Vì, Hà Nội) được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia năm
1990, sau ba năm triển khai dự án trùng tu, tôn tạo đã bị biến thành một
ngôi đình hoang phế vì kết cấu cột kèo bị xiêu vẹo, chắp vá, chi tiết
trang trí nhem nhuốc, cẩu thả, không bảo đảm tính mỹ thuật, đình lại
không có người trông coi.
Năm 2016, dự án trùng tu, quét vôi cụm công
trình Bia Quốc học (hay còn gọi là "Ðài tưởng niệm chiến sĩ trận vong")
nằm ở bờ nam sông Hương được UBND thành phố Huế giao Trung tâm Công viên
cây xanh Huế làm chủ đầu tư thực hiện cũng vấp phải sự phản ứng của
cộng đồng. Bởi quá trình trùng tu, nhiều chi tiết vốn là biểu tượng
chung cho văn hóa truyền thống Việt Nam trong hệ thống hoa văn của di
tích đã bị cạo đi, đồng thời lớp sơn mới mầu vàng chói, khác xa nguyên
bản...
Trong khi đó, cũng vì thiếu sự chỉ đạo, tổ chức và giám sát sát sao
trong công tác bảo tồn di tích, nhiều di tích, hiện vật ngày càng bị
xuống cấp nghiêm trọng. Tiêu biểu như: Nhà bia Thủy Môn Ðình (Lạng Sơn)
được giới nghiên cứu ghi nhận là một trong bảy hiện vật, tài liệu, thư
tịch cổ vẫn còn nguyên vẹn, có niên đại từ trước năm 1804 trên đó khắc
ghi chữ "Việt Nam" với ý nghĩa như danh xưng của đất nước và tới năm
2015 nhà bia đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia.
Tuy nhiên, nhiều năm nay, di tích đã bị xuống cấp nghiêm trọng: các cột
kèo bị mối mọt, mái đình hư hỏng nặng...
Tương tự, miếu Hà Phương (Hải
Phòng) được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1993; di tích
Ly cung nhà Hồ (Thanh Hóa) được công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia
năm 1997; di tích khảo cổ học Hang động Lạng Nắc (Lạng Sơn) được xếp
hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 2004; cụm tháp Hòa Lai
(Ninh Thuận, xây dựng từ thế kỷ 9) được xếp hạng Di tích lịch sử cấp
quốc gia đặc biệt năm 2016,... đều đang chịu thảm cảnh xuống cấp, đối
diện trực tiếp với nguy cơ bị lãng quên.
Hai trong ba khẩu thần công Uy
Phúc (Hà Tĩnh) được công nhận là Bảo vật Quốc gia vào năm 2013, mà theo
Luật Di sản văn hóa thì phải "được bảo vệ và bảo quản theo chế độ đặc
biệt" nhưng bị phát hiện trong tình trạng bi đát là nằm lăn lóc trên lối
đi, có thể bị hư hỏng bởi bất cứ lúc nào do tác nhân bên ngoài.
Đã có nhiều ý kiến khác nhau lý giải về tình trạng nêu trên, nhưng
tựu trung đều thống nhất quy về vai trò của những người có trách nhiệm
mà nổi lên là nhận thức, ý thức trách nhiệm, cũng như tri thức và sự
hiểu biết về lĩnh vực được xã hội, chính quyền giao trực tiếp phụ trách.
Sâu xa hơn nữa là tình yêu, sự trân trọng đối với các tài sản văn hóa
quý báu mà cha ông đã trao truyền. Như PGS. TS. Trần Lâm Biền, chuyên gia
nghiên cứu văn hóa Việt Nam, thẳng thắn chỉ rõ: "Những người tu bổ di
tích không hiểu di tích mà họ chỉ làm theo kiểu sửa nhà, nhận thức về di
tích rất kém. Có những người tự nhận mình giỏi về tu bổ nhưng cũng chỉ
là tu bổ liều, làm theo cảm tính... Tôi cho là họ thiếu trách nhiệm, sự
yêu quý với di tích kém cũng như ứng xử với di tích thiếu trí tuệ".
Sự
thẳng thắn trên có thể làm "mất lòng" một số người đang hoạt động trong
lĩnh vực này, tuy nhiên không thể không nhắc lại. Bởi các di sản văn hóa
nói chung và di sản văn hóa vật thể nói riêng là tài sản vô giá của
quốc gia, của dân tộc. Ðó là những tài sản ra đời từ sự kết tinh của trí
tuệ, tài năng, công sức, đồng thời mang chứa các nét văn hóa đặc sắc
của người Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử. Ðặc biệt, đó là những di sản
"độc bản", giá trị tăng lên từ "tuổi lịch sử" của mỗi di sản.
Dù hậu
thế có dụng công tái tạo, chế tác, làm mới như thế nào sẽ không bao giờ
có thể thay thế được. Theo thời gian, vì các nguyên nhân khách quan như
tác động của thiên nhiên, bị chiến tranh tàn phá, thậm chí do quan niệm
của con người trong một thời kỳ lịch sử nhất định... các di tích, hiện
vật này dần bị hư hỏng, xuống cấp, ít được chú ý.
Nếu thật sự trân trọng
di sản của cha ông để lại, chúng ta cần có biện pháp bảo tồn, tu bổ một
cách khoa học, hợp lý để ngăn chặn quá trình xuống cấp của di sản.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia tâm huyết, bên cạnh việc nâng cao ý
thức và trách nhiệm của người dân; chính quyền địa phương đối với di
sản, đã đến lúc các cơ quan chức năng liên quan cần sớm triển khai kiểm
kê di sản, xây dựng một "bản đồ di sản văn hóa, lịch sử" của cả nước, từ
đó khảo sát, đưa vào danh mục cần bảo vệ khẩn cấp những di sản bị hư
hỏng nặng. Ðồng thời trên cơ sở đó lên kế hoạch chi tiết, cụ thể, tham
khảo ý kiến chuyên gia để đưa ra biện pháp bảo dưỡng, phục chế hiệu quả.
Những di sản còn tương đối nguyên vẹn cũng cần có biện pháp bảo quản
hợp lý, đúng quy định pháp luật, tránh làm hư hỏng vì cẩu thả, thiếu
trách nhiệm, thiếu hiểu biết.
Tuyệt đối tránh tình trạng "mạnh ai nấy
làm", thiếu tham vấn về khoa học dẫn đến hậu quả là di sản còn bị hủy
hoại nhanh hơn. Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân được giao trách nhiệm
bảo quản, phục chế di sản phải có đủ trình độ chuyên môn, một số trường
hợp phải có chứng nhận đủ điều kiện hành nghề.
Ðặc biệt, việc bảo dưỡng,
phục chế cần tuân thủ các nguyên tắc: lưu giữ được giá trị nguyên gốc
của di sản, nếu có sự can thiệp phải đủ các điều kiện cần thiết giúp di
tích, hiện vật,... vừa tồn tại như vốn có, vừa thích ứng với đòi hỏi của
cuộc sống.
Tuyệt đối tránh can thiệp thô bạo cũng như bổ sung các yếu
tố mới dẫn đến làm sai lệch giá trị của di sản. Cao hơn tất cả, khi tiến
hành công việc này, các địa phương, các tổ chức, cá nhân cần ý thức
rằng, đó là trách nhiệm để giữ gìn và trao lại "tài sản quốc gia" cho
con cháu mai sau./.