“Làm hầm ngầm chứa nước mưa cũng là cách để thoát ngập. Nhưng đây chỉ là giải pháp cuối cùng vì nó rất đắt tiền. Chỉ có nước giầu mới làm, và chỉ làm khi các giải pháp khác đã trở nên muộn. Tại sao không so sánh việc xây hầm ngầm với việc đào sâu thêm các hồ xuống? Ngoài ra, mỗi tòa nhà cao tầng, mỗi hộ gia đình nên có một bể chứa nước mưa, vừa có nước dùng, vừa tránh ngập cho Thủ đô khi có mưa lớn”, PGS. TS Nguyễn Việt Anh, Viện phó Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường nói.
Người ta nói đến chuyện xây hầm ngầm lâu rồi
Có ý kiến cho rằng, chúng ta nên học theo thành phố Kuala Lumpur - Malaysia là xây các hầm ngầm. Khi trời nắng, hầm ngầm sẽ dùng làm bãi đỗ xe, trời mưa đưa xe lên và trút nước xuống? Cái này người ta nói lâu rồi. Chả hiểu sao mấy ngày nay Hà Nội mới xôn xao chuyện này. Nhật Bản, Mỹ, Malaysia... đã làm. Ưu điểm của giải pháp này là chứa và dẫn được lượng nước lớn, có thể giảm đáng kể úng ngập, đồng thời thêm diện tích công cộng để làm đường giao thông, bãi để xe, bãi chứa đồ, là nơi trú ẩn khi có bom đạn chiến tranh, khủng bố, thiên tai...
Nhưng cũng phải nói thẳng rằng, cách làm này cực đắt, đắt hơn nhiều lần làm các hầm chui Kim Liên, Láng - Hòa Lạc. Mà cũng chỉ có nước giầu mới dám làm, và chỉ ở những khu vực xung yếu. Nói chung, làm hầm ngầm chỉ là biện pháp cứng rắn sau cuối, khi có đủ cơ sở thuyết phục hơn các biện pháp khác.
Nghĩa là Việt Nam không nên làm theo cách này?
Làm hầm ngầm thoát nước cũng tương tự giải pháp xây dựng Metro trong cải thiện giao thông, Hà Nội đã nghĩ đến nhưng hiện nay chưa thuyết phục. Vì ngập lụt do ít cống, quy hoạch thoát nước bất cập. Vì thế, để tránh ngập lụt, cần phát triển thêm cống, thêm trạm bơm, cải tạo các hồ đô thị.
Có nhiều giải pháp cần thực hiện đồng bộ. Căn bản nhất là phải xem xét lại quy hoạch thoát nước, làm cơ sở để đưa ra phương án phù hợp nhất cho Hà Nội. Nếu tính toán, cân nhắc đến nơi đến chốn, so sánh các phương án thật cụ thể mà nếu lợi hơn (ít rủi ro, thiệt hại hơn) thì mới làm. Và có làm thì cũng chỉ nên áp dụng cho các quận nội thành.
Lưu ý là những cái hầm đấy lại nằm ở giữa đô thị đông đúc nữa. Ngoài việc xây hầm ở đâu, xây thế nào, to bao nhiêu, chỉ tạm lưu trữ nước hay làm đường dẫn ngầm và bơm thẳng luôn ra sông, … chúng ta còn phải tính đến việc dẫn nước mưa kịp đổ vào hầm như thế nào thì mới giảm được ngập, và việc bơm ra cũng vô cùng tốn kém. Mình không được bàn lùi, nhưng phải tính toán rất thận trọng.
Hãy đào hồ và làm bể chứa tại gia
Thế theo ông có còn giải pháp nào ngoài việc xây đường hầm ngầm?
Hãy thử so sánh thêm một phương án: Đào sâu hẳn các hồ hiện có. 10 quận nội thành của Hà Nội có tổng cộng 111 hồ với tổng diện tích là 1165 ha. Nếu các hồ này có độ sâu 2m, thì dung tích sẽ là 23,3 triệu m3. Tạm lấy sơ bộ dung tích điều hòa là 10 triệu m3.
Nếu thay vì hồ có độ sâu 2 m, ta đào sâu xuống thành 5m, dung tích chứa sẽ là 60 triệu m3, dung tích điều hòa có thể tăng lên 30 triệu m3 hoặc hơn. Như vậy, mưa xuống, nước mưa sẽ tạm chảy xuống hồ, thay vì đổ thẳng ra các cống.
Tất nhiên, còn phải xây dựng thêm cống và một số trạm bơm, kết nối tốt các hồ với mạng lưới thoát nước. Có ý kiến cho rằng, đào sâu sẽ ảnh hưởng tới hệ sinh thái của hồ. Nhưng nói thật, các hồ Hà Nội bây giờ có hồ nào là không bị ô nhiễm đâu.
Nếu chúng ta làm theo kiểu giật cấp, đào sâu giữa hồ, còn khu xung quanh thì đào nông và trồng thực vật thủy sinh. Khi đó, nước hồ sẽ được cải thiện, hệ sinh thái của hồ sẽ phục hồi, chứ không chết dần như bây giờ. Có thể xã hội hóa, huy động các doanh nghiệp tham gia, đổi lại, cho phép họ khai thác không gian đô thị để kinh doanh.
Thế trong khi chúng ta còn chưa tính xong nên đào hồ sâu hay là làm hầm ngầm thì liệu có giải pháp nào cứu nguy cho Hà Nội ngay trong lúc này không?
Mỗi nhà hãy có một bể chứa. Hà Nội hiện có 6,3 triệu dân, tạm tính khu vực nội thành có 3 triệu dân, chia ra có khoảng nửa triệu hộ gia đình. Nếu mỗi hộ gia đình có một bể chứa nước khoảng vài ba khối thì mưa xuống sẽ không ngập.
Nhưng mỗi nhà xây một cái bể thì có vẻ mất mỹ quan, hơn thế cũng chả có đất mà làm?
Chúng ta có thể xây ngầm, hoặc xây trên các sân thượng. Hiện nay một số nước và ngay cả ở Việt Nam cũng đã có bán loại túi chứa nước mưa. Nó giống như một chiếc áo mưa. Khi nào sắp mưa thì xòe ra, hết mưa, không muốn dùng nữa thì gập lại, rất tiện lợi mà lại không đắt. Không chỉ các hộ gia đình, chúng ta nên áp dụng việc xây bể ngầm chứa nước mưa tại các tòa nhà cao tầng, các khu đô thị, các trường học...
Nhưng ông vừa nói là làm hầm ngầm rất tốn kém nay lại bảo là làm các bể chứa ngầm?
Một bể chứa ngầm gắn với tòa nhà rất khác với siêu hầm chứa nước mưa cho đô thị. Tại các tòa nhà đô thị hiện nay, chúng ta vẫn có bể ngầm chứa nước cứu hỏa. Nếu chúng ta thiết kế để nước mưa chảy vào bể này, chẳng phải chúng ta vừa giảm được ngập, vừa có nước để dành cứu hỏa, thậm chí để rửa xe, tưới cây, dội toilet...
Đề tài khoa học của chúng tôi cũng đang xây dựng một hệ thống thu và chứa nước mưa trong trường Đại học Xây dựng, xử lý nước để cung cấp nước uống cho sinh viên và dùng cho các việc khác.
Theo Lan Hoa (Bee)