Thứ Tư, 25/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Sáu, 25/3/2011 22:8'(GMT+7)

Hồ sơ “Đờn ca tài tử Nam Bộ” trước ngày trình lên UNESCO

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

PGS.TS Lê Văn Toàn, Phó Giám đốc, Viện trưởng Viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam trao đổi về quá trình xây dựng hồ sơ “Đờn ca tài tử” và tầm quan trọng của loại hình văn hóa nghệ thuật này trong đời sống của cộng đồng cư dân Nam Bộ.

- Xin ông cho biết việc xây dựng hồ sơ “Đờn ca tài tử” bắt đầu thực hiện từ khi nào?

Từ tháng 4-2010, chúng tôi bắt đầu tiến hành những bước đầu tiên để xây dựng đề án này. Tháng 8-2010, Viện âm nhạc được giao nhiệm vụ chủ đề tài và là đơn vị mũi nhọn trong việc xây dựng hồ sơ. Sau một năm thực hiện, đến nay chúng tôi đã hoàn chỉnh và đang chuẩn bị trình lên UNESCO.

- Để hoàn thiện bộ hồ sơ này có công sức của một tập thể làm đề án và của cả cộng đồng thì mới hoàn thiện đúng tiến độ, xin ông cho biết những việc làm cụ thể trong quá trình xây dựng hồ sơ này?

Khi Viện Âm nhạc được giao nhiệm vụ chủ đề tài, chúng tôi đã đến các tỉnh ở Nam Bộ để tìm hiểu về loại hình văn hóa này. Qua đó đã lên danh sách 21 địa phương thường xuyên tổ chức “Đờn ca tài tử”, trong đó một số tỉnh ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như Long An, Bạc Liêu đã xuất hiện hình thức hát “Đờn ca tài tử” từ hàng trăm năm nay. Hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận có số người tham gia hát “Đờn ca tài tử” ít hơn những tỉnh khác nhưng hoạt động này được duy trì đều đặn và được đông đảo người dân hưởng ứng.

Khi đến các vùng, miền ở Nam Bộ để thu thập tư liệu trong quá trình làm hồ sơ, chúng tôi đã được các nghệ nhân và người dân ủng hộ nhiệt tình. Mọi người tỏ ra rất vui mừng khi biết tin loại hình nghệ thuật này sắp được trình lên UNESCO để đề cử công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Để hồ sơ đáp ứng đúng, đủ những tiêu chí mà UNESCO đề ra, chúng tôi đã cùng với các nghệ nhân, trung tâm nghệ thuật “Đờn ca tài tử” thống kê danh sách những địa phương đang sở hữu loại hình nghệ thuật này và mời chuyên gia đầu ngành tham gia vào đề án, trong đó có Giáo sư Trần Văn Khê là cố vấn khoa học cao cấp về xây dựng hồ sơ nghệ thuật này.

- Đờn ca tài tử là một hình thức sinh hoạt văn hóa mang tính cộng đồng, được đông đảo người dân Nam Bộ ưa thích, các câu lạc bộ “Đờn ca tài tử” nằm rải rác ở nhiều tỉnh, thành, xin ông cho biết tầm quan trọng của loại hình văn hóa này đối với cuộc sống của người dân nơi đây?

- Lịch sử của “Đờn ca tài tử” có sự kế thừa nền văn hóa sông nước của người Nam Bộ. Khoảng đầu thế kỷ 20, các vị có chức sắc ở những địa phương này thường tổ chức hát “Đờn ca tài tử” trong những dịp lễ, Tết. Từ đó hình thức sinh hoạt văn hóa trên được đông đảo người dân ưa thích và trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu của cư dân miền sông nước.

Lối hát của nghệ thuật “Đờn ca tài tử” là hình thức hát ngẫu hứng thể hiện chất nghệ sĩ, tài năng sáng tạo tại chỗ của người biểu diễn. Họ lấy nghệ thuật để phục vụ cuộc sống đời thường chứ không lấy nghệ thuật để mưu sinh. Vì thế mà bộ môn này được đông đảo người dân Nam Bộ yêu thích.

- Có ý kiến cho rằng nên chuyển chữ “đờn” thành “đàn” cho phù hợp với ngôn ngữ thông dụng của người dân Việt Nam, ông nghĩ sao về vấn đề này?

- UNESCO đánh cao bản sắc văn hóa từng địa phương, cộng đồng và trong quy định cũng khẳng định rõ nên tôn trọng ngôn ngữ bản địa, đó mới là nét riêng tạo ra sự đa dạng của văn hóa nhân loại. Vì vậy trong quá trình xây dựng hồ sơ này chúng tôi vẫn giữ nguyên chữ “đờn” bởi nếu chuyển thành chữ “đàn” thì đảm bảo độ chuẩn theo từ tiển tiếng Việt nhưng sẽ mất đi bản sắc văn hóa riêng của phương ngữ Nam Bộ. Nghệ thuật “Đờn ca tài tử” có sức sống mạnh và yếu tố “mở” theo sự phát triển của xã hội, đó chính là nét riêng đặc sắc của loại hình nghệ thuật này. Vì thế việc trình lên UNESCO để xét công nhận “Đờn ca tài tử” là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại sẽ góp phần bảo tồn, phát triển loại hình văn hóa này cho muôn đời sau.

(Theo: Khánh Huyền/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất