Chuyến công du châu Á lần thứ hai kể từ sau khi nhậm chức của tổng thống Barack Obama sẽ là một bước đi quan trọng trong việc Mỹ khôi phục ảnh hưởng của mình ở khu vực này.
Kinh tế, khủng bố, thay đổi khí hậu sẽ là những chủ đề chính trong điểm dừng chân tại Indonesia, quốc gia đạo Hồi đông dân nhất thế giới, và Australia, đồng minh chiến lược của Mỹ và cũng là bên ủng hộ quân đội Mỹ ở Afghanistan. Trong một thập kỷ qua, Obama là tổng thống Mỹ đầu tiên đến châu Á không để dự một hội nghị cấp cao nào, theo AP. Một quan chức chính phủ Mỹ nhận xét rằng đây là một động thái phản ánh nỗ lực của tổng thống trong việc thắt chặt quan hệ với những quốc gia nhỏ đang nổi lên.
Trong khi Obama đang chuẩn bị cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong năm, dự kiến vào chủ nhật, giới chức Mỹ đang lên tiếng tỏ thái độ nghi ngại trước những mục tiêu chính sách đối ngoại của ông. Cuộc tranh luận về vấn đề cải cách y tế đã buộc tổng thống Obama phải dời ngày khởi hành lại sau ba ngày để ở lại Washington tham dự cuộc biểu quyết ở hạ viện trước cuối tuần này.Việc thay đổi hành trình cũng đồng nghĩa với việc Đệ nhất phu nhân Michelle Obama cùng hai cô con gái Malia và Sasha sẽ không thể đi cùng tổng thống, dù rằng chuyến đi này đã được lên kế hoạch trùng với kỳ nghỉ xuân của hai cô bé.
Tổng thống sẽ đến Jakarta vào thứ ba tuần tới và có cuộc gặp với tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono. Hai nhà lãnh đạo sẽ bàn luận về nhiều vấn đề trong đó có việc Mỹ có khả năng sẽ tài trợ để Indonesia ngừng đốt rừng, việc làm bị coi là một trong những nguyên nhân làm trái đất nóng lên. Obama cũng sẽ có bài phát biểu ngắn đầu tiên về thế giới đạo Hồi, “nói về một vài tiến bộ đã đạt được và những việc cần làm”, Ben Rhodes, phó ban cố vấn an ninh quốc gia về chiến lược truyền thông, nói với AFP.
Theo VOA, một vài nhóm Hồi giáo ở Indonesia đã lên kế hoạch biểu tình phản đối chuyến thăm của tổng thống Obama và cho rằng chính sách của ông đối với người Hồi giáo chẳng khác mấy so với người tiền nhiệm. Tuy nhiên chính quyền nước chủ nhà dự đoán rằng những cuộc phản đối này khá nhỏ lẻ và không ảnh hưởng đến cuộc gặp gỡ song phương.
Lực lượng an ninh đặc biệt của Indonesia đã được chuẩn bị kỹ càng để phòng chống nguy cơ khủng bố có thể xảy ra trong chuyến thăm này. Mặc dù có lo ngại về vấn đề nhân quyền trong quân đội Indonesia trước đây, nhưng Mỹ dự tính sẽ khôi phục việc huyến luyện lực lượng quân sự đặc biệt cho Indonesia.
Cố vấn ngoại giao của Tổng thống Yudhoyono, Dino Patti Djalal, nói rằng thành quả của chuyến thăm này có lẽ là việc thiết lập lại mối quan hệ ngoại giao giữa hai bên trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau.
Sau đó, tổng thống sẽ đến thăm khu nghỉ mát Bali, tại đây ông sẽ gặp các nhà lãnh đạo hoạt động xã hội và cùng bàn về những tiến bộ dân chủ ở Indonesia trong những năm gần đây trước khi đến Canberra, Australia, nơi chuyến thăm bị cắt ngắn hơn so với dự kiến ban đầu.
Một điểm dừng chân đáng chú ý trong chuyến đi của tổng thống Obama là đảo Guam – nơi ông sẽ có một bài diễn văn trước các binh sĩ Mỹ, trong lúc đợi máy bay tiếp liệu trên đường đến Indonesia.
Hòn đảo nhỏ của Mỹ tại Thái Bình Dương này đang hiện diện trong sự rạn nứt quan hệ giữa Mỹ và Nhật. Theo cam kết sau chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ có khoảng 50.000 quân ở Nhật và đa số đều đóng ở đảo Okinawa. Cả hai quốc gia đã thống nhất sẽ đóng cửa căn cứ không quân của thủy quân lục chiến Mỹ Futenma và đưa 8.000 lính sang đảo Guam.
Trong khi trước đó, giới chức Nhật Bản đã đồng ý xây dựng một nơi thay thế cho Futenma ở phía cực bắc của đảo Okinawa, nơi dân cư thưa thớt, hiện nay chính phủ Nhật vẫn chưa thống nhất được liệu có nên tiếp tục để căn cứ của Mỹ tại nước này nữa hay không. Phía Mỹ cho rằng việc chuyển lính thuỷ đến Guam chưa thể tiến hành được nếu vị trí của căn cứ mới ở Okinawa chưa được xác định.
Minh Phương - VnExpres