Sắp tới hồ sơ Quan họ sẽ được gửi tới Unesco để đề cử vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể Đại diện của nhân loại để xem xét công nhận vào tháng 9.2009. Hồ sơ này cần phải được gửi đến Unesco chậm nhất là ngày 30.9.2008. Hiện nay, Viện Văn hoá-Nghệ thuật VN đang cố gắng hoàn thiện hồ sơ để gửi kịp theo hạn định.
Chỉ còn khoảng thời gian ngắn nữa, Hồ sơ khoa học Quan họ sẽ “lên đường” tới Unesco để đề cử vào danh sách Di sản văn hoá phi vật thể Đại diện của nhân loại. Sau đây là cuộc trao đổi với TS Lê Thị Minh Lý, Cục phó Cục Di sản văn hoá (Bộ VH,TT&DL), Thành viên Uỷ ban Liên Chính phủ Công ước của Unesco về bảo vệ DSVH phi vật thể xung quanh hồ sơ này.
PV: Bà có thể cho biết vắn tắt quá trình triển khai xây dựng hồ sơ này?
TS Lê Thị Minh Lý: Việc làm hồ sơ lần này khác với hồ sơ để công nhận Kiệt tác DSVH phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại ở chỗ một số tiêu chí có thay đổi, đặc biệt Unesco quy định “Di sản phải là một tập quán, biểu đạt hoặc biểu hiện cụ thể gắn với một cộng đồng cụ thể mà không phải là một tập hợp các biểu hiện văn hóa có liên quan đến một khu vực địa lý chung chung” . Do vậy, hồ sơ dự kiến “Không gian văn hóa Quan họ Bắc Ninh” phải chuyển đổi thành “Dân ca Quan họ Bắc Ninh” và phải thể hiện được một số nội dung cơ bản.
PV: Bà có thể nói cụ thể hơn?
TS Lê Thị Minh Lý: Thứ nhất, cần chứng minh tính đại diện của di sản, là bản sắc của cộng đồng góp phần vào đa dạng và đối thoại văn hóa. Vì vậy, điều đầu tiên là cần phải làm rõ nguồn gốc, bản chất, giá trị của di sản Quan họ. Đó là hát đối giọng với các bài bản phong phú, ca từ có ý nghĩa sâu sắc, được ứng tác đối đáp một cách tài tình, ý nhị. Cùng với kỹ thuật hát tạo thành đặc trưng riêng có của Quan họ. Ngoài ra, đó còn là các tập quán xã hội mà cộng đồng đã duy trì từ bao đời nay là những nét đẹp trong cuộc sống tạo thành văn hóa của người Quan họ, là môi trường của nghệ thuật trình diễn đó.
Thứ hai, là phần rất quan trọng của hồ sơ cần làm rõ mục tiêu đăng ký di sản sẽ góp phần đảm bảo tầm nhìn chiến lược về di sản. Công nhận để đảm bảo sức sống của di sản và xác định về tầm quan trọng của di sản góp phần vào bức tranh đa dạng văn hóa, sáng tạo của nhân loại. Do đó trong hồ sơ chúng ta cần phải giải thích rõ mục tiêu đề cử di sản Quan họ, tại sao di sản cần phải được đăng ký vào Danh sách Đại diện. Thứ ba là về các biện pháp bảo vệ. Đây là phần khá “hóc búa” vì vừa phải giới thiệu những biện pháp bảo vệ gần đây để chứng minh sức sống của di sản, mặt khác các biện pháp được đề xuất cho chương trình hành động hiện tại phải cụ thể, có tính thực tiễn và đảm bảo phát huy giá trị di sản một cách bền vững. Hơn nữa, phải thể hiện sự cam kết của quốc gia, chính quyền các cấp và sự tham gia của cộng đồng để đảm bảo chương trình hành động khả thi. Vấn đề của Quan họ hiện nay là mục tiêu phục hồi Quan họ cổ (đang mai một) là đúng rồi nhưng làm sao để có thể tiếp nối truyền thống đó trong đời sống hiện nay. Làm thế nào để thế hệ trẻ yêu thích và thực hành Quan họ cổ? Cách tiếp cận đánh giá Quan họ hiện đại như thế nào, hướng tiếp tục ra sao?
Cuối cùng là sự đồng thuận và tham gia của cộng đồng trong quá trình đề cử, nhất là việc nhận diện, kiểm kê di sản. Unesco cũng lưu ý đến việc tôn trọng các tập tục chi phối việc tiếp cận di sản. Việc thể hiện tiêu chí này trong hồ sơ Quan họ không có khó khăn vì Quan họ là loại hình nghệ thuật trình diễn, cộng đồng chủ thể rất cởi mở trong việc giao lưu với các cộng đồng khác và cả hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang rất nhất trí và tích cực trong việc đề cử di sản để công nhận. Tiêu chí cuối cùng là việc kiểm kê di sản. Có nhiều công việc phải làm ở địa phương như: lập danh sách hồ sơ nghệ nhân, xác định giá trị nghệ thuật của Quan họ, các truyền thống văn hóa có liên quan, xây dựng kế hoạch bảo vệ...
PV: Vậy, Hồ sơ đã đáp ứng được bao nhiêu phần trăm so với các tiêu chí trên?
TS Lê Thị Minh Lý: Trong quá trình nghiên cứu, lập dựng hồ sơ quan họ Viện Văn hoá-Nghệ thuật VN và nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cũng như các cơ quan quản lý di sản văn hoá có liên quan đã bỏ ra nhiều công sức, trí tuệ để hoàn thiện hồ sơ một cách tốt nhất. Như tôi đã nói ở trên, gần đến giai đoạn kết thúc, chỉnh sửa thì hồ sơ phải có sự thay đổi theo một số tiêu chí mới của Unesco. Đây là một khó khăn không hề nhỏ. Mặc dù thời gian nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung có hạn hẹp nhưng so với các tiêu chí mới hồ sơ Quan họ đã cơ bản đáp ứng được hầu hết. Nói cách khác, chúng ta đã làm rất sát với “đầu bài” đề ra. Cũng cần phải nói thêm, cho dù có sự nỗ lực cố gắng đến mấy của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, cơ quan quản lý thì cũng không thể tránh được những thiếu sót nho nhỏ. Tuy nhiên, những chuyện đó không hề ảnh hưởng đến giá trị, chất lượng hồ sơ mà chúng ta đã triển khai xây dựng.
PV: So với những hồ sơ DSVH phi vật thể trước thì lần này Hồ sơ Quan họ được thể hiện như thế nào, và liệu có sự đánh giá về mặt chất lượng?
TS Lê Thị Minh Lý: Chúng ta có thuận lợi là Quan họ đã được quan tâm bảo tồn từ nhiều năm qua và có sức sống rất rõ. Sau đó là việc xây dựng lần này đã có kinh nghiệm thực tế hơn sau khi làm hồ sơ Kiệt tác. Song hồ sơ lần này quy định chặt chẽ hơn về cách trình bày nội dung, số lượng trang, từ và kể cả những tài liệu tham khảo. Đặc biệt là yêu cầu việc tiếp cận với các chủ thể văn hóa để họ cùng tham gia quá trình bảo vệ di sản với nhận thức rõ ràng, đầy đủ và chủ động là vấn đề rất khó. Điều này không chỉ riêng đối với việc làm hồ sơ mà là điểm còn yếu của một số dự án bảo vệ di sản. Thực tế khó có thể đưa ra được sự so sánh đánh giá chất lượng vì mỗi loại hình di sản văn hoá có những đặc trưng riêng. Tuy vậy, chúng tôi có thể nói rằng chúng ta có quyền tự tin mang “thí sinh” đi dự thi và hy vọng đạt kết quả cao nhất.
PV: Điều quan tâm nhất của bà đối với hồ sơ này như thế nào?
TS Lê Thị Minh Lý: Cần có bản tiếng Anh hoặc tiếng Pháp thật chuẩn vì đây là ngôn ngữ làm việc của Ban Giám khảo và chúng ta là thí sinh mà./.
(Theo Văn hóa)