Chủ Nhật, 29/9/2024
Kinh tế
Thứ Hai, 27/1/2014 9:53'(GMT+7)

Hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực và hiệu quả hơn

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Theo khảo sát ý kiến doanh nghiệp (DN) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường trong năm 2013 là có hiệu quả.

Kết quả khảo sát của VCCI đối với gần 1.000 DN trên phạm vi toàn quốc cho thấy, khoảng 60% DN cho rằng các giải pháp hỗ trợ đã được triển khai có hiệu quả ở mức bình thường trở lên, trong khi đó khoảng 40% DN đánh giá hiệu quả ở mức thấp.

Trong các nhóm giải pháp hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp, giải pháp gia hạn nộp thuế được các DN đánh giá có tác động tích cực nhất đến sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, việc gia hạn nộp thuế đối với thuế thu nhập DN phải nộp của quý I, quý II và quý III năm 2013 áp dụng cho một số đối tượng, tỷ lệ DN đánh giá có hiệu quả cao và rất cao chiếm 37,5%, tỷ lệ DN đánh giá có hiệu quả thấp và rất thấp chiếm khoảng 22,9%, còn lại là bình thường. Tương tự, tỷ lệ DN đánh giá việc gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng (VAT) 06 tháng đối với số thuế phải nộp của tháng 1, tháng 2, và tháng 3 năm 2013 cho một số nhóm đối tượng đang nộp thuế VAT theo phương pháp khấu trừ có hiệu quả cao và rất cao là 37,7%, tỷ lệ DN đánh giá hiệu quả thấp và rất thấp là 21,3%.

Các giải pháp hỗ trợ về thuế khác như hoàn thuế bảo vệ môi trường, giảm 50% tiền thuế đất năm 2013 và 2014 đối với các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân được các DN đánh giá đứng thứ hai về mức độ tác động tích cực đến sản xuất, kinh doanh. Xếp vị trí thứ ba là nhóm các giải pháp hỗ trợ tiếp cận và vay vốn tín dụng; hoàn thiện cơ chế bảo lãnh cho vay DN nhỏ và vừa; áp dụng mức thuế suất 5% đối với bán, cho thuê và cho thuê mua nhà ở xã hội; áp dụng 20% thuế thu nhập DN đối với các DN có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng.

Đáng lưu ý là các giải pháp giải quyết hàng tồn kho, hỗ trợ thị trường và đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản... chưa được DN đánh giá cao. Khoảng 42% DN được khảo sát đánh giá nhóm giải pháp này có hiệu quả thấp và rất thấp, chỉ có 16,3% đánh giá hiệu quả cao và rất cao.

Các giải pháp có tính chiến lược như xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ; cải cách cơ chế phối hợp trong quản lý điều hành kinh tế vĩ mô; thực hiện ba đột phá chiến lược; tái cấu trúc nền kinh tế... có khoảng 60% DN cho rằng chỉ tác động tích cực đến sản xuất, kinh doanh của ở mức bình thường.

Nguyên nhân các giải pháp hỗ trợ về thuế được DN đánh giá cao hơn các nhóm giải pháp khác là bởi các DN cần đến sự hỗ trợ của nhà nước đa số đều gặp khó khăn về tài chính. Việc giảm thuế hoặc ân hạn thuế... khiến DN nhìn thấy ngay lợi ích, hoặc ít nhất là cũng giảm được căng thẳng về áp lực tài chính nên phần lớn DN cho rằng giải pháp này tác động tích cực đến kinh doanh của họ.

Các giải pháp về giải quyết hàng tồn kho, hỗ trợ thị trường và đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản... chưa được DN đánh giá cao bởi nhóm giải pháp này chưa có những tác động rõ rệt mà DN có thể cảm nhận được ngay, chưa thực sự giải thoát được cho DN khỏi nỗi ám ảnh về hàng tồn kho. Hơn nữa, xét về tính chất của các giải pháp thì chính sách kinh tế vĩ mô sẽ có tác động lan tỏa, trực tiếp đến nhiều DN, trong khi các giải pháp về thị trường đôi khi chỉ tác động đến một số nhóm DN hoặc ngành hàng nào đó cần sự hỗ trợ cụ thể mà hiệu quả của nó chưa thể xảy ra ngay lập tức.

Bước sang năm 2014, DN dự cảm tình hình kinh doanh lạc quan hơn, song cộng đồng DN vẫn mong muốn Chính phủ có những giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh mạnh hơn nữa, thiết thực hơn, nhất là đối với vấn đề hàng tồn kho, xử lý hiệu quả nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản, đẩy mạnh tái cấu trúc đầu tư, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi hơn.../.

Lan Ngọc



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất