Thứ Ba, 26/11/2024
Thế giới
Thứ Hai, 29/6/2015 21:19'(GMT+7)

Hòa bình, an ninh ở Biển Đông là cơ sở phát triển thịnh vượng khu vực

Tổng Thư ký Lê Lương Minh phát biểu tại hội thảo.

Tổng Thư ký Lê Lương Minh phát biểu tại hội thảo.

Hội thảo quốc tế “Quản lý xung đột biển Đông từ góc nhìn ASEAN” do Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á (CSEAS), Indonesia, tổ chức ngày 26/6 vừa qua đã một lần nữa tạo nên một diễn đàn thẳng thắn và cởi mở, đánh giá và phân tích vấn đề với những ý kiến đa chiều cũng như những sáng kiến cho việc giải quyết những xung đột Biển Đông.

Hòa bình, ổn định để phát triển thịnh vượng

Đề cập đến những diễn biến phức tạp gần đây trên Biển Đông giữa Trung Quốc và một số quốc gia thành viên của ASEAN, các chuyên gia quốc tế về Biển Đông, các nhà hoạch định chính sách, nhà ngoại giao, các học giả và giới nghiên cứu về Biển Đông đã coi đây là một “mối đe đọa cho an ninh khu vực”.  

Trong khi một số quốc gia khác trong khu vực đã khẳng định chủ quyền với những bằng chứng lịch sử của mình, thì Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố một khu vực lớn, kéo dài với cái gọi là “yêu sách đường lưỡi bò” hay “đường 9 đoạn” bao gồm khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là dầu mỏ và khí đốt tự nhiên. Đây được coi là khu vực có tầm quan trọng như là một ngư trường sản xuất giàu tiềm năng và là tuyến giao thông huyết mạch trên biển (SLOC) liên kết với Ấn Độ Dương và Đông Á.

Ông Carl Thayer, chuyên gia về Biển Đông, Giáo sư danh dự của Học viện Quốc phòng thuộc Đại học New South Wales, Australia nhận định: Cảnh quan Biển Đông đã thay đổi không thể phục hồi được do các hành động xây dựng đảo nhân tạo trong khu vực biển Đông Nam Á và tạo nên một “sự đã rồi”. Theo Giáo sư Carl Thayer, ít nhất có  5 hòn đảo sẽ được Trung Quốc sử dụng làm trung tâm hậu cần nghề cá, khai thác dầu, tàu khảo sát và tàu thực thi pháp luật hàng hải. Trung Quốc cũng đã “hé lộ” rằng các căn cứ đó sẽ phục vụ "các nhu cầu quốc phòng" và thành lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ).

Thực tế này đã làm dấy lên những xung đột trong khu vực khiến các quốc gia và các nhà lãnh đạo ASEAN bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về nguy cơ làm xói mòn lòng tin đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng đến hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông.

Indonesia đã nhiều lần bày tỏ quan điểm khẳng định sự cần thiết giải quyết những xung đột trên Biển Đông nhằm củng cố lòng tin giữa các bên và duy trì một khu vực Biển Đông hòa bình, ổn định, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực. Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi cho rằng: “Hãy để thế giới xem Biển Đông là một khu vực ổn định, hòa bình, có như vậy mới tạo ra những cơ hội cho sự phát triển thịnh vượng chung của cả khu vực”.
 
Cùng quan điểm này, Tiến sĩ Termsak Chalermpalanupap, Trung tâm Nghiên cứu ASEAN của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) tại Singapore nhấn mạnh: “Chia cắt trên Biển Đông xảy ra sẽ làm suy yếu tính trung lập của ASEAN cũng như vai trò trung tâm của ASEAN trong kiến trúc an ninh mới nổi ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Kết cục này sẽ ảnh hưởng sâu sắc đối với Đông Nam Á và tổ chức khu vực, cả chính trị, ngoại giao và kinh tế”.

COC là giải pháp lâu dài

Đề cập đến các giải pháp nhằm giải quyết vấn đến Biển Đông, Giáo sư Carl Thayer nêu quan điểm rằng ASEAN có 4 lựa chọn: Tiếp tục con đường hiện tại, tham vấn với Trung Quốc về thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và thảo luận trên cơ sở đồng thuận về COC; Ủng hộ Trung Quốc với kỳ vọng sẽ được nước này hậu đãi; Cân bằng với Hoa Kỳ để kiềm chế Trung Quốc; Theo đuổi cách tiếp cận kép với sự chủ động.

Theo nhận định và phân tích của riêng mình, ông cho rằng ASEAN nên theo đuổi cách tiếp cận kép, chủ động trước các tranh chấp hàng hải ở Biển Đông. ASEAN và các thành viên cần đồng thuận khi đàm phán với Trung Quốc đồng thời kiềm chế, kiểm sóat hành động và các bình luận có thể làm suy yếu vị thế của ASEAN. ASEAN cần tiếp tục tham vấn trong khuôn khổ Nhóm làm việc chung (JWG) ASEAN-Trung Quốc đồng thời nên xem xét việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử (COC) mang tính ràng buộc cho cả khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, ASEAN cũng nên chủ động hơn trong việc sử dụng các phương tiện pháp lý, ngoại giao và chính trị giúp củng cố quyền tự chủ và vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực.

Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh nhận định: Những diễn biến ở Biển Đông đã khẳng định sự cần thiết phải đẩy nhanh đàm phán về COC như là một công cụ toàn diện và ràng buộc về mặt pháp lý để quản lý các ứng xử và hành vi ở Biển Đông nhằm ngăn ngừa, quản lý và giải quyết các sự cố, và giúp tạo ra một môi trường thuận lợi để giải quyết toàn diện và bền vững của các tranh chấp ở Biển Đông. Sự phát triển của COC nên tiến hành song song với việc thực hiện DOC vì đây là hai quá trình củng cố lẫn nhau. COC nên xây dựng dựa trên DOC, nhưng được nâng cấp cả về cam kết chính trị và sức mạnh pháp lý.

Theo Tổng Thư ký ASEAN, đang có một khoảng cách ngày càng lớn giữa thực tế với cam kết ngoại giao trong cả việc thực hiện DOC và các cuộc tham vấn về COC. Bởi lẽ, ASEAN và Trung Quốc đã ký kết DOC trong 13 năm (từ 2002) và đã tham gia vào các cuộc tham vấn COC trong 3 năm, tuy nhiên, các vùng biển ở Biển Đông chưa bao giờ thực sự “yên ổn”. Thực tế vẫn xảy ra các hoạt động đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh hàng hải, ảnh hưởng đến hoạt động thương mại, tự do đi lại trên Biển Đông do các hành động của Trung Quốc như: hạ đặt giàn khan dầu, tiến hành bồi đắp, xây dựng trên các bãi đá chiếm đóng, tạo điều kiện cho các mục đích quân sự, đi ngược lại luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước năm 1982 của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Xác định việc quản lý có hiệu quả các điểm nóng trong khu vực, đặc biệt là các tranh chấp ở Biển Đông, là một khía cạnh quan trọng của ASEAN đồng thời, nhằm đối phó với những diễn biến ngày càng nguy hiểm, ASEAN đã phát huy sự hợp nhất và uy tín, giữ vai trò trung tâm trong cam kết và nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định và an ninh hàng hải ở Biển Đông.

Nhiều nhà ngoại giao, các chuyên gia nghiên cứu quốc tế đã đồng quan điểm trong việc kêu gọi Trung Quốc “hiểu và tôn trọng” luật pháp quốc tế trong các hoạt động ở Biển Đông. Bên cạnh đó, các quốc gia liên quan cần cùng nhau tìm kiếm các giải pháp giải quyết trên cơ sở luật pháp quốc tế và vì môi trường hòa bình chung trong khu vực. Đây cũng chính là cơ sở quan trọng cho sự phát triển thịnh vượng của khu vực ASEAN trong thời điểm hình thành Cộng đồng đang đến gần.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất