Thứ Sáu, 22/11/2024
Học và làm theo Bác
Thứ Năm, 26/12/2019 8:8'(GMT+7)

Hòa Bình: Thiết thực, hiệu quả trong học và làm theo Bác

Học sinh trường THPT Công Nghiệp (TP. Hòa Bình) thăm Phòng trưng bày chuyên đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh với tỉnh Hòa Bình” tại Bảo tàng tỉnh. (Ảnh: Báo Hòa Bình)

Học sinh trường THPT Công Nghiệp (TP. Hòa Bình) thăm Phòng trưng bày chuyên đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh với tỉnh Hòa Bình” tại Bảo tàng tỉnh. (Ảnh: Báo Hòa Bình)

Hơn 70 năm, kể từ khi lần đầu tiên Bác Hồ đến thăm tỉnh (năm 1947) đến nay, luôn khắc ghi những lời dạy của Người, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình đã ra sức thi đua, phấn đấu, xây dựng khối đoàn kết, thống nhất, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đạt được nhiều thành tựu to lớn trên mỗi chặng đường phát triển, từng bước hiện thực hóa những điều Bác căn dặn trong những lần về thăm tỉnh. 

Đặc biệt, từ khi tái lập tỉnh (năm 1991) đến nay, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Từ một tỉnh nghèo, thuần nông, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn đã dần trở thành tỉnh có nhiều tiềm năng để phát triển năng động theo hướng công nghiệp, dịch vụ. Năm 2018, kinh tế tăng trưởng 8,36%, thu nhập bình quân 50,07 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 21%, hoàn thành việc lập và công bố Quy hoạch chi tiết 8 khu công nghiệp, 15 cụm công nghiệp, trong đó có 4 cụm được xây dựng hạ tầng và thu hút nhiều dự án đầu tư. Kết cấu hạ tầng giao thông được đầu tư cải tạo, nâng cấp. Lãnh đạo thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới, tập trung phát triển cây ăn quả có múi, nuôi trồng thủy sản; đến nay, diện tích cây ăn quả có múi toàn tỉnh đạt 10.000 ha. Phong trào xây dựng nông thôn mới tiếp tục có nhiều khởi sắc; tính đến 30-6-2019, tỉnh Hòa Bình có 74/191 xã và thành phố Hòa Bình đã về đích nông thôn mới và huyện Lương Sơn dự kiến hoàn thành trong năm 2019. Diện mạo nông thôn, đô thị của tỉnh ngày càng khang trang, sạch đẹp hơn. Sự nghiệp y tế, giáo dục có nhiều tiến bộ. Việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc trong tỉnh được đặc biệt quan tâm. Công tác quốc phòng, an ninh được bảo đảm. Công tác xây dựng Đảng được chú trọng đặt lên vị trí hàng đầu, làm nền tảng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.

Tỉnh Hòa Bình tiếp tục thực hiện thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” với những cách làm sinh động, thiết thực, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ chính trị và điều kiện của địa phương. Các cơ quan đơn vị, các đảng bộ có nhiều hoạt động quán triệt, triển khai tổ chức thực hiện như: Tổ chức hội thi sân khấu hóa, hội thi báo cáo viên giỏi, thi viết tìm hiểu về Bác Hồ góp phần đưa việc học và làm theo Bác trở thành nền nếp, tự giác, thường xuyên tại mỗi địa phương cơ quan, đơn vị,...

Triển khai khâu đột phá thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch, trong đó gợi ý mỗi cơ quan, đơn vị chọn việc cụ thể có tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế - xã hội để thực hiện; tập trung vào đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cơ quan Nhà nước, nâng cao đạo đức công vụ,... Đến nay, tỉnh đã công bố công khai thủ tục hành chính tại 3 cấp với 1.752 thủ tục hành chính (trong đó, cấp tỉnh trên 1.224 thủ tục, cấp huyện 316 thủ tục, cấp xã 222 thủ tục).

Thường trực Tỉnh ủy tổ chức giao ban chuyên đề theo quý. Các hội nghị giao ban được tổ chức có hiệu quả, tập trung vào những công việc đang triển khai còn khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ. Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan cấp tỉnh, các doanh nghiệp giúp đỡ, đỡ đầu xã khó khăn và yêu cầu phải đảm bảo có kết quả, hiệu quả. Theo đó, các cơ quan, đơn vị đã chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch hướng dẫn các xã được giúp đỡ trong việc xây dựng quy hoạch, phương hướng phát triển kinh tế - xã hội địa phương; hỗ trợ xây dựng mỗi xã có một sản phẩm đặc trưng, điển hình như: cam, mía tím Cao Phong, bưởi Đỏ Tân Lạc, nhãn Sơn Thuỷ, rau hữu cơ Lương Sơn, cá lòng hồ Sông Đà, gà đồi Lạc Thuỷ, hạt dổi, gà Miền Đồi của huyện Lạc Sơn...

Đến nay, toàn tỉnh có 1.777 mô hình, điển hình về học tập và làm theo Bác. Tiêu biểu như: Huyện Kim Bôi duy trì Hòm Quyên góp học tập và làm theo Bác; huyện Yên Thủy, Kỳ Sơn phát động phong trào Nuôi heo đất, Hũ gạo tình thương, mô hình Tự soi, tự sửa; huyện Đà Bắc có mô hình Làng không có học sinh bỏ học; huyện Tân Lạc với mô hình Đoạn đường nở hoa, Hàng rào xanh; huyện Lạc Sơn, Lạc Thủy duy trì mô hình Hỗ trợ, đỡ đầu trẻ em nghèo có hoàn cảnh khó khăn; huyện Mai Châu với mô hình Phát triển kinh tế du lịch; Thành phố Hòa Bình với cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, các câu lạc bộ thiện nguyện, mô hình Hàng cây thanh niên; các huyện Cao Phong, Lương Sơn, Kim Bôi, Đà Bắc, Lạc Thủy có mô hình Giúp hộ nghèo có địa chỉ, mái nhà xanh,... Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh với phong trào Mái ấm tình thương” các mô hình tiết kiệm, hỗ trợ con giống giúp phụ nữ nghèo phát triển kinh tế gia đình; Hội Nông dân tỉnh thực hiện các phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; nông dân tham gia xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu”Tỉnh Đoàn Thanh niên có phong trào “Thanh niên lập nghiệp”, “Thanh niên tình nguyện”, Hiến máu nhân đạo; Các cấp Công đoàn tỉnh với phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Chung sức xây dựng nông thôn mới”,... Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh với 10 mô hình, đặc biệt là phong trào Đồng hành cùng em đến trường”. Mô hình này được Quân khu III nhân rộng ra toàn Quân khu, đến nay đã hỗ trợ gần 2.000 chiếc xe đạp cùng hàng ngàn góc học tập cho các em học sinh. Công an tỉnh với mô hình “Thứ 7 vì Nhân dân phục vụ”; “3 không, 2 quản, 3 xây, 3 chống... Đặc biệt phong trào hiến đất xây dựng các công trình công cộng được triển khai ở hầu khắp các địa phương với hàng trăm ngàn mét vuông đất được hiến. Điển hình như hộ ông Bùi Văn Tý (xã Xuân Phong, huyện Cao Phong) mặc dù hoàn cảnh kinh tế gia đình còn rất khó khăn, nhưng đã 3 lần hiến đất với diện tích trên 1.400m2,...  

Năm 2019, tỉnh Hòa Bình vinh dự có 1 trong 5 đại biểu điển hình tham dự chương trình giao lưu điển hình khu vực miền Bắc, toàn quốc là bà Vì Thị Thuận, xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu; 1 tập thể và 2 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị./.

Thiết thực đẩy mạnh học tập và làm theo Bác, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Ghi nhận những đóng góp, những chiến công to lớn của tỉnh Hòa Bình trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược cũng như trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện đường lối đổi mới, Đảng, Nhà nước đã phong tặng cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

Với niềm thành kính sâu sắc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và cả trách nhiệm của một vùng đất cách mạng đối với Tổ quốc, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình đã, đang và sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện những lời căn dặn đầy tâm huyết của Người khi về thăm Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hòa Bình. Toàn tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa, tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên và con người, quyết tâm phấn đấu vươn lên mạnh mẽ, với sự nỗ lực cao hơn để tạo sức bật mới, thiết thực xây dựng tỉnh ngày càng giàu đẹp và văn minh./.

Nguyễn Văn Toàn
Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hòa Bình

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất