Theo quy hoạch, Thành phố sẽ có 8 tuyến metro xuyên tâm với hơn 73km
đoạn tuyến đi ngầm và hơn 72 nhà ga ngầm. Vì thế, việc khai thác không
gian ngầm giữ vai trò quan trọng trong quy hoạch chung phát triển Thành
phố Hồ Chí Minh...
Tại hội thảo “Quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị Thành phố Hồ Chí
Minh” do Sở Quy hoạch và Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày
12/4, ông Hoàng Tùng, Phó giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Thành phố ,
thông tin dự kiến đến năm 2019 sẽ hoàn chỉnh quy hoạch phát triển không
gian ngầm; trong đó, ưu tiên tập trung phát triển khu trung tâm (vùng
lõi 930ha) và Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2). Đây là mô hình mẫu sau
đó sẽ nhân rộng ra các khu vực khác của Thành phố.
“Định hướng không gian ngầm khu trung tâm sẽ tập trung phát triển chạy
dọc theo các tuyến metro đang được xây dựng. Theo quy hoạch, Thành phố
sẽ có 8 tuyến metro xuyên tâm với hơn 73km đoạn tuyến đi ngầm và hơn 72
nhà ga ngầm. Vì thế, việc khai thác không gian ngầm giữ vai trò quan
trọng trong quy hoạch chung phát triển Thành phố Hồ Chí Minh nhằm giải
quyết các vấn đề ùn tắc giao thông, gia tăng diện tích cho giao thông
ngầm, kết nối với các không gian tiện ích khác như đi bộ, thương mại”, ông Hoàng Tùng cho biết.
Theo tiến sỹ Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng Thành phố Hồ
Chí Minh, xây dựng không gian ngầm cần có khảo sát, đánh giá về địa
chất, thủy văn cùng với vấn đề khống chế không gian ngầm các tuyến
metro. Vì vậy, việc lập quy hoạch nên bám theo các tuyến metro, sau đó
mới chia lớp không gian để quản lý.
Trong khi đó, Lãnh đạo Ban quản lý đường sắt đô thị Thành phố cho biết
vị trí nhà ga của các tuyến metro đã được xác định nên Sở Quy hoạch và
Kến trúc có thể bám vào đó để lập quy hoạch không gian ngầm. Tuy nhiên,
quá trình lập quy hoạch cần lưu ý đến Thông tư 37/2014 của Bộ Giao thông
Vận tải quy định về phạm vi bảo vệ công trình, hành lang an toàn giao
thông đường sắt đô thị để tránh xây dựng trong vùng cấm.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến chia sẻ về tình trạng gần đây có một số công
trình nhà cao tầng khu vực trung tâm tận dụng không gian ngầm để phát
triển dịch vụ, thương mại, khu vui chơi giải trí. Thành phố cũng đang
xây dựng tuyến metro số 1; trong đó có nhiều đoạn đi ngầm dưới lòng đất.
Tuy nhiên, việc tận dụng các không gian ngầm nói trên vẫn mang tính
riêng lẻ, chưa kết nối hài hòa và trên trên diện tích rộng.
Nhiều ý kiến chuyên gia cũng chia sẻ khó khăn trong việc phát triển
không gian ngầm của Thành phố khi đối mặt với việc quản lý và xử lý kết
nối các công trình hạ tầng trong lòng đất hiện hữu như đường dây điện,
cống nước, cấp nước, dây viễn thông. Do đó, trước mắt cần tìm đơn vị làm
đầu mối tập hợp đầy đủ dữ liệu để dễ quản lý chung, đồng bộ toàn bộ hạ
tầng kỹ thuật ngầm.
Về vấn đề này, ông Phan Hữu Duy Quốc, Phó Văn phòng đại diện Tập đoàn
xây dựng Shimizu (Nhật Bản), cho biết tại Thành phố Hồ Chí Minh, việc
thi công một số công trình ngầm gặp khó khăn do không biết dưới đất có
gì. Nhiều lúc đào ống nước lên không biết chủ là ai do thiếu cơ sở dữ
liệu. Tình huống này đã từng xảy ra khi thi tuyến metro số 1.
Ông Hoàng Tùng, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc, thừa nhận việc
lập quy hoạch không gian ngầm gặp khó khi tiến hành khảo sát hiện trạng
hạ tầng ngầm hiện hữu để xác định từng khu vực sẽ phát triển không gian
ngầm. Vì vậy, quy hoạch không gian ngầm cần có sự kết nối các không gian
khác nhau như không gian ngầm giao thông, thương mại dịch vụ, hạ tầng
kỹ thuật.
Với số dân lên tới 13 triệu người sinh sống, làm việc, chưa kể việc di
chuyển hàng ngày của nhiều người dân các tỉnh lân cận, Thành phố Hồ Chí
Minh đang đối mặt với thách thức nghiêm trọng về hạ tầng giao thông, ô
nhiễm môi trường. Đặc biệt trong bối cảnh, quỹ đất nội thành ngày càng
cạn kiệt, ùn tắc giao thông nhất là tại khu vực trung tâm, cửa ngõ liên
tục gia tăng. Vì vậy, Thành phố Hồ Chí Minh đang lập quy hoạch xây dựng
không gian ngầm để mở thêm không gian cho phương tiện giao thông, các
loại hình dịch vụ, thương mại nằm dưới lòng đất, qua đó giảm áp lực kẹt
xe, đáp ứng tốc độ phát triển đô thị nhanh chóng như hiện nay./.
(TTXVN)