Thứ Ba, 26/11/2024
Chính sách
Thứ Tư, 15/6/2011 21:25'(GMT+7)

Hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho hơn 35.000 hộ nghèo

(Ảnh minh hoạ).

(Ảnh minh hoạ).

Hiện các địa phương trong cả nước vẫn đang tổ chức rà soát lại đối tượng thụ hưởng và bình xét, phê duyệt danh sách đối tượng bổ sung và đã có 49 tỉnh có báo cáo bổ sung. Với 7 tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên nói trên thì vẫn còn Quảng Nam và Phú Yên chưa có báo cáo rà soát.

Như vậy, theo rà soát của 5 tỉnh (Quảng Ngãi, Bình Đinh, Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai), sẽ có thêm 12.422 hộ nghèo được đề nghị bổ sung vào danh sách hỗ trợ.

Theo đề án đã được phê duyệt, tổng số hộ nghèo trong diện được hỗ trợ của 7 tỉnh nói trên là 55.370 hộ, trong đó đã hoàn thành hỗ trợ cho khoảng 35.378 hộ. Dẫn đầu danh sách là Khánh Hòa với tỷ lệ hoàn thành hỗ trợ hộ nghèo đạt tới 98%, tiếp đến là Bình Định (93%), Quảng Ngãi (92%)... và tiến độ chậm nhất là Phú Yên (38%).

Đặc biệt, tỉnh Quảng Ngãi có số hộ phải hỗ trợ khá cao, tới 12.744 hộ, nhưng vẫn hoàn thành chỉ tiêu ở mức rất cao. Kết quả huy động vốn cũng như giải ngân của 7 tỉnh thực hiện tương đối tốt. Tổng số tiền đã huy động đạt 917 tỷ đồng và đã giải ngân khoảng 663,67 tỷ đồng.

Hầu hết các căn nhà được hỗ trợ đều vượt quy định về quy mô diện tích và chất lượng. Nhà ở đảm bảo yêu cầu "3 cứng" (nền cứng, tường cứng, mái cứng), chống được tác động xấu của khí hậu, thời tiết. Tuổi thọ căn nhà đảm bảo trên 10 năm và có kiểu dáng, kiến trúc đa dạng, phong phú nhưng phù hợp với phong tục tập quán của từng vùng, miền, địa phương; đồng thời phù hợp với lối sống, sinh hoạt của hộ gia đình.

Tuy nhiên, 7 địa phương này vẫn được xác định là đang còn nhiều khó khăn bởi số lượng hộ nghèo lớn; đa số cư trú tại khu vực rừng núi, giao thông đi lại khó khăn; cán bộ tham gia thực hiện Chương trình thiếu và còn hạn chế về năng lực, nhất là ở cấp cơ sở.

Thực tế cho thấy một số địa phương chưa có sự quan tâm đúng mức đến việc triển khai thực hiện chương trình này nên kết quả còn hạn chế, chưa đảm bảo yêu cầu. Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành liên quan, tổ chức chính trị-xã hội với các cấp huyện, xã chưa chặt chẽ khiến quá trình triển khai rất vướng mắc, lúng túng, thiếu thống nhất. Có địa phương chưa tổ chức tốt việc hướng dẫn, giúp đỡ các hộ nghèo tự xây dựng nhà ở mà còn thuê doanh nghiệp xây dựng, như vậy, vừa không huy động được sự đóng góp của người dân cũng như sự ủng hộ, giúp đỡ của anh em, dòng họ mà chất lượng công trình cũng không đảm bảo yêu cầu.

Đặc biệt, việc hỗ trợ thêm từ ngân sách địa phương cho các hộ nghèo cũng rất hạn chế, nhất là đối với các tỉnh nghèo. Huy động vốn từ các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp và cộng đồng cũng khó khăn như trường hợp một số doanh nghiệp cam kết hỗ trợ nhưng việc giải ngân, chuyển vốn cho các tỉnh lại chưa kịp thời.

Thêm vào đó, các yếu tố như địa bàn rộng, số hộ nghèo nhiều, đa số cư trú ở vùng sâu, vùng xa, các hộ sống du canh, du cư... cũng gây nhiều khó khăn trong thực hiện hỗ trợ. Thậm chí, một số hộ chưa có đất làm nhà hay còn bị ảnh hưởng bởi yếu tố tâm linh, tín ngưỡng trong nhân dân (như năm làm nhà phải phù hợp với tuổi của chủ hộ)... cũng là nguyên nhân gây chậm tiến độ.

Để đảm bảo mục tiêu chung là hoàn thành hỗ trợ cho số đối tượng hộ nghèo còn lại trong năm 2011, Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương lập kế hoạch và có biện pháp thực hiện phù hợp; tập trung chỉ đạo quyết liệt, tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc./.

(TTXVN)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất