Chủ Nhật, 24/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 23/5/2024 17:15'(GMT+7)

Hoàn thiện chính sách trên cơ sở giải quyết kiến nghị của cử tri

Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh Thạch Phước Bình phát biểu. (Ảnh: TTXVN)

Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh Thạch Phước Bình phát biểu. (Ảnh: TTXVN)

Các đại biểu cho rằng, hoạt động giám sát của Quốc hội nói chung, giám sát tối cao nói riêng đã được triển khai hiệu quả, được cử tri và nhân dân đánh giá cao, từ đó gỡ khó về cơ chế, hoàn thiện chính sách pháp luật.

CHÚ TRỌNG GIẢI QUYẾT KIẾN NGHỊ CỦA CỬ TRI

Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) nêu rõ, cử tri đánh giá cao việc Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã quan tâm xem xét, giải quyết 2.210/2.216 (đạt gần 100%) kiến nghị của cử tri. Điều này cho thấy Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương đã chú trọng giải quyết kiến nghị của cử tri, thể hiện tinh thần cầu thị, tích cực, chủ động khắc phục những hạn chế, đề ra những biện pháp nâng cao chất lượng công tác quản lý, điều hành. Việc nghiên cứu tiếp thu, giải quyết kiến nghị của cử tri đã góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định trật tự, an toàn xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân, tạo niềm tin cho cử tri và nhân dân trong cả nước.

Từ thực tiễn tham gia công tác giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri có thể thấy, vẫn còn một số tồn tại như: Việc tổ chức hội nghị, hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho các dự án luật đôi khi còn mang tính hình thức, chưa thực sự hiệu quả. Trong quá trình giám sát, việc đánh giá kết quả tổ chức thi hành luật, pháp lệnh của các cơ quan có thẩm quyền nhiều khi còn chung chung, chưa xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người đứng đầu chịu sự giám sát; việc theo dõi, đôn đốc, giám sát công tác tổ chức thực hiện các kết luận giám sát, nghị quyết của Quốc hội về giám sát còn chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả giám sát chưa cao…

Do đó, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục hoàn thiện phương thức giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Đồng thời đề nghị nên bổ sung quy định về hình thức Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri thông qua hình thức phản hồi của cử tri về kết quả giải quyết đó, tức là quy định cụ thể về việc lấy ý kiến của cử tri về những vấn đề mà họ kiến nghị có được cơ quan có thẩm quyền xử lý kịp thời, đầy đủ, đúng quy định pháp luật hay không.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga phát biểu. (Ảnh: TTXVN)

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nhất trí cao với báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Đại biểu cho rằng, nhiều năm qua, hoạt động giám sát của Quốc hội nói chung, giám sát tối cao nói riêng đã được triển khai hiệu quả, được cử tri và nhân dân đánh giá cao. Những chủ đề được lựa chọn giám sát đều là những vấn đề trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước, là những vấn đề nóng được cử tri và nhân dân đặc biệt chú ý. Kết quả giám sát của Quốc hội đã chỉ rõ các khó khăn, vướng mắc, những nút thắt, điểm nghẽn, bất cập trong quá trình thực thi pháp luật và nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế...

“Kết quả giám sát là cơ sở quan trọng để Quốc hội và Chính phủ kịp thời tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc nhất định, nhất là vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách và đưa ra những kiến nghị để bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật”, đại biểu nhấn mạnh.

NÂNG CAO TRÁCH NHIỆM GIẢI TRÌNH CỦA CÁC CƠ QUAN CHỨC NĂNG

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác dân nguyện của Quốc hội trong thời gian tới, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) kiến nghị Quốc hội cần có nghị quyết chuyên đề tại mỗi kỳ họp Quốc hội về giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, trong đó nêu rõ giải pháp thực hiện, nhất là đối với các kiến nghị của cử tri chưa được giải quyết để Quốc hội và cử tri theo dõi, giám sát.

Đại biểu cho biết, bắt đầu từ Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, lần đầu tiên Quốc hội thảo luận trực tiếp tại hội trường về vấn đề này và truyền hình trực tiếp cho cử tri theo dõi, tuy nhiên, với hàm lượng nội dung rất ít và rất khái quát, chưa rõ giải pháp, tiến độ thực hiện. Đại biểu tỉnh Bình Dương kiến nghị cần thiết phải có một nghị quyết chuyên đề sau khi Quốc hội thảo luận để nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới, với nội dung rõ hơn về giải pháp, về trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri.

“Trên cơ sở nghị quyết chuyên đề sẽ giúp cho việc triển khai thực hiện được thuận lợi, rõ ràng hơn và giúp cho đại biểu Quốc hội giám sát có chất lượng hơn trong thời gian tới”, đại biểu nhấn mạnh.

Bày tỏ thống nhất cao với Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) nêu rõ, việc Quốc hội dành thời lượng nhất định để thảo luận chính thức nội dung này ở nghị trường từ Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV là một việc rất đúng, rất hợp lòng dân. Điều này một nữa khẳng định Quốc hội không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, từng ý kiến, kiến nghị của cử tri được xem xét giải quyết một cách thấu đáo; đồng thời, nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan chức năng.

Đại biểu dẫn chứng cử tri Bình Thuận rất vui mừng khi được Đảng, Quốc hội, Chính phủ đầu tư xây dựng và đến nay đã chính thức đưa vào hoạt động đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây và Phan Thiết - Vĩnh Hảo, góp phần rất lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và đưa vào khai thác, sử dụng, có một số bất cập, được cử tri phản ánh như đường gom dân sinh, đường hư hỏng do chuyển vật liệu xây dựng cao tốc... đã được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận tổng hợp và gửi đến Bộ Giao thông vận tải xem xét, đến nay cơ bản giải quyết xong./.

TTXVN
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất