Tăng cường năng lực nội tại và sức chống chịu của nền kinh tế; thay đổi mạnh mẽ trong chính sách hỗ trợ phát triển, khơi thông nguồn lực để doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất... là các vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm, cho ý kiến thảo luận.
TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC NỘI TẠI
Phát biểu thảo luận ở tổ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, năm 2023, tình hình thế giới có nhiều khó khăn tác động đến nền kinh tế của Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Quốc hội ra nghị quyết; Chính phủ điều hành, thực hiện nghị quyết của Đảng, Quốc hội, cho thấy nỗ lực, quyết tâm rất lớn, hoàn thành được 10/15 chỉ tiêu. Trong đó, nổi bật nhất, khu vực công nghiệp, xây dựng, nông-lâm-thủy sản, dịch vụ đã phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, cán cân thương mại và kiềm chế lạm phát.
Về tăng trưởng GDP đạt 5,05% năm 2023, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, dù không đạt mục tiêu 6,5% đề ra nhưng cũng là nỗ lực rất lớn của đất nước trong bối cảnh một số quốc gia trên thế giới và trong khu vực ghi nhận tăng trưởng âm. Trước tình hình khó khăn chung, Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã phát động các cuộc vận động, phong trào thi đua chăm lo cho người nghèo, ổn định cuộc sống của người dân; đồng thời, quan tâm giải quyết việc làm. Công tác đối ngoại của đất nước được tăng cường; đảm bảo quốc phòng, an ninh. Công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được quan tâm, có những chuyển biến tích cực. Công tác thực hành tiết kiệm có nhiều tiến bộ.
Bên cạnh những điểm sáng đạt được, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu đánh giá cụ thể hơn tác động của tăng trưởng trong lĩnh vực xuất khẩu, tiêu dùng, đầu tư của tư nhân trong nước năm vừa qua; làm rõ nguyên nhân và có giải pháp ứng phó trong thời gian tới, quan tâm đến tính bền vững cho các động lực tăng trưởng.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, từ nay đến cuối năm 2024 cần các kịch bản phù hợp, đánh giá để có chỉ đạo linh hoạt; đổi mới, cải cách nền tảng kinh tế vĩ mô, rà soát đánh giá kết quả thực hiện; đồng thời đề ra giải pháp cụ thể triển khai các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị về đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế; phát triển kinh tế tư nhân; đánh giá sự phát triển của kinh tế tư nhân đã trúng, đúng chưa; định hướng thu hút đầu tư nước ngoài, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển vùng và công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Ngoài ra, Chính phủ, các bộ, ngành cần ban hành sớm các nghị định, thông tư để hướng dẫn tổ chức triển khai có hiệu quả các luật căn bản của thể chế kinh tế thị trường như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Quản lý nợ công, Luật Đầu tư công… đã được Quốc hội thông qua.
Về ổn định kinh tế vĩ mô, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu xây dựng chương trình tổng thể về thúc đẩy tăng trưởng giai đoạn 2024-2025, rà soát, bổ sung, quan tâm đúng mức đến ổn định kinh tế vĩ mô, vận dụng các chính sách kinh tế vĩ mô linh hoạt theo các kịch bản để ứng phó với diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới và khu vực hiện nay.
"Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu các lĩnh vực theo hướng đa dạng hóa, tăng cường năng lực nội tại và sức chống chịu của nền kinh tế trước những diễn biến khó lường của kinh tế và thương mại thế giới", Chủ tịch Quốc hội nêu.
MẠNH MẼ KÍCH CẦU SẢN XUẤT TRONG NƯỚC
Cho rằng đầu tư tư nhân đang "yếu dần" qua các năm, chỉ tăng 4,2% năm 2024, đại biểu Trần Anh Tuấn (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng: Đầu tư tư nhân là bài toán rất quan trọng đóng góp mạnh mẽ vào tổng cầu, kích thích nền kinh tế. Do đó, cần mạnh mẽ kích cầu sản xuất trong nước, trước hết là thông qua chính sách tài khóa như thuế, đang còn dư địa rất lớn từ nợ công, để kích thích, mở rộng sản xuất. Dành nguồn lực chưa sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả từ các chính sách khác để tập trung cho những chính sách đang thực hiện tốt, khơi thông nguồn lực đầu tư.
Đáng lưu ý, thực tế, thời gian qua, doanh nghiệp thành lập mới tăng nhưng số giải thể, phá sản, ngừng hoạt động cũng tăng rất cao khiến nguồn lực đưa vào nền kinh tế chậm và yếu đi. Số vốn thành lập của một doanh nghiệp giảm dần.
Cho rằng các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp trong thời gian qua chưa đem lại hiệu quả tích cực, chưa khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng đầu tư, sản xuất và thành lập. Đại biểu Trần Anh Tuấn nêu: Các chính sách thực thi chưa hiệu quả, thủ tục rất “nhiêu khê”, mất nhiều thời gian; cần có sự thay đổi mạnh mẽ trong chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thủ tục phải đơn giản hơn, nguồn lực dành cho hỗ trợ phải thực sự đi vào hoạt động của doanh nghiệp mới khuyến khích sự thành lập, lôi kéo nguồn lực xã hội vào đầu tư.
Lấy ví dụ cùng một dự án đầu tư, cùng một nguồn ngân sách nhà nước nhưng khi thực hiện, sử dụng nguồn chi sự nghiệp đơn giản hơn nguồn chi đầu tư phát triển, đại biểu Trần Anh Tuấn nói: “Phải xem xét, nghiên cứu thủ tục đầu tư, việc giao vốn, kế hoạch vốn trung hạn và hàng năm. Các giải pháp phải đi từ gốc. Cùng một ngân sách, dù nguồn nào thì các thủ tục cũng phải như nhau, tránh thủ tục đầu tư chậm, nguồn lực đi vào đầu tư công chậm”.
Cùng với đó là tập trung vào các chương trình trọng điểm quốc gia, đặc biệt Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế; đẩy nhanh tốc độ thực hiện các công trình trọng điểm về giao thông; từ đó, các chi phí liên quan đến logictics, lưu thông hàng hóa và môi trường đầu tư sẽ tốt hơn, thúc đẩy sự phát triển kinh tế.
KHƠI THÔNG HOẠT ĐỘNG CỦA DOANH NGHIỆP
Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội phát biểu. (Ảnh: TTXVN)
Đồng quan điểm với đại biểu Trần Anh Tuấn, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, cầu trong nước suy giảm rất rõ, thể hiện ở chỉ tiêu số doanh nghiệp tham gia vào thị trường thấp hơn so với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, báo hiệu cầu tăng trưởng sản xuất sẽ gặp khó khăn.
Theo một báo cáo về năng lực cạnh tranh do VCCI công bố mới đây, số doanh nghiệp kỳ vọng sẽ mở rộng quy mô sản xuất chỉ đạt 27%, thấp nhất trong nhiều năm nay. "Đây là tín hiệu rất không tốt cho nền kinh tế của chúng ta", đại biểu Hoàng Văn Cường nói.
Một điểm khác cần chú ý là cầu tiêu dùng, tăng trưởng hàng hóa tiêu dùng trong nước chỉ có 5,3%; suy giảm rất mạnh trong khi thị trường trong nước rất quan trọng. Đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị cần có giải pháp để kích cầu trong nước, các chính sách tài khóa như giảm thuế VAT, giãn hoãn các khoản đóng tiền quỹ đất... Phải khơi thông các hoạt động của doanh nghiệp để tạo ra tin tưởng nhiều hơn vào việc mở rộng quy mô sản xuất.
Trích dẫn công bố của VCCI về việc doanh nghiệp nhìn thấy nhiều rào cản, nhất là về thể chế, đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất Quốc hội có nghị quyết để tháo gỡ, trao quyền cho các cơ quan thực thi pháp luật được linh hoạt áp dụng pháp luật; cần tăng kích cầu và giải phóng ràng buộc cho doanh nghiệp quay trở lại thị trường tốt hơn. "Nếu tiếp diễn tình trạng tăng giá sẽ kéo theo một loạt các hệ lụy khác về kinh tế, do đó cần xem chính sách điều hành lãi suất của ngân hàng để hỗ trợ cho doanh nghiệp với các mục tiêu rõ ràng", đại biểu Hoàng Văn Cường chia sẻ./.
TTXVN