Sáng 21/2, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học "Tác động của đại dịch COVID-19 đến thương mại điện tử tại Việt Nam".
Đề dẫn hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Thị Lan Hương (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho biết, hơn 3 năm qua kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, thế giới đã có những bước tiến đột phá về ứng dụng công nghệ hiện đại. Dịch COVID-19 đang đẩy thế giới tiến nhanh hơn đến Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với những công nghệ đáng chú ý được ứng dụng rộng rãi là Dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), robot thế hệ mới và gần đây Chat GPT đang gây lên một cơn sốt chấn động trên toàn thế giới.
Hội thảo tập trung trao đổi một số nội dung quan trọng liên quan đến tác động của đại dịch COVID-19 đến phát triển thương mại điện tử của Việt Nam và một số nước trên thế giới. Những tác động của thương mại điện tử đối với một số ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng của đất nước.
Bàn về sự phát triển của thương mại điện tử Việt Nam trong bối cảnh COVID-19 so sánh với một số nước Đông Nam Á, Tiến sỹ Phạm Minh Thái, Trung tâm Phân tích và Dự báo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, trong nhiều yếu tố thúc đẩy sự phát triển của thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam, có các động lực quan trọng ảnh hưởng nhất bao gồm: sự giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19; ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; sự bùng nổ các thiết bị di động, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (dòng vốn FDI) mạnh mẽ và sự phát triển dịch vụ logistics (dịch vụ hoạt động thương mại).
Việt Nam đã có cơ sở hạ tầng vật chất và "quy định" khá đầy đủ. Tuy nhiên, tỷ lệ có tài khoản ngân hàng thấp hoặc sử dụng ví điện tử thấp là những trở ngại chính đối với việc tham gia thương mại điện tử. Thói quen và sở thích sử dụng tiền mặt trong thanh toán diễn ra ở hầu hết các nước Đông Nam Á như: Lào, Campuchia, Myanmar, Malaysia, Philippines và tình hình cũng tương tự ở Việt Nam. Ngoài ra, vấn đề an ninh mạng là rủi ro mà các doanh nghiệp và cá nhân gặp phải. Những vấn đề và trở ngại của Việt Nam cũng là những vấn đề mà các nước trong khu vực ASEAN đang gặp phải trong việc phát triển thương mại điện tử.
Chia sẻ về cơ hội, thách thức của thương mại điện tử, thương mại số trong đại dịch, bà Mai Linh Châu, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cốc Cốc cho biết, theo Sách trắng thương mại điện tử Việt Nam vừa công bố, có tới 74,8% người dùng internet ở Việt Nam trong tổng số 75% người dùng internet có tham gia mua sắm trực tuyến, chủ yếu qua phương tiện điện thoại di động. Dự báo vào năm 2025, thị trường thương mại điện tử bán lẻ của Việt Nam cán mốc 39 tỷ USD. Việt Nam được đánh giá là có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á trong thời kỳ đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, thương mại điện tử đặt ra nhiều thách thức đối với các doanh nghiệp trong việc thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ hiện đại, tạo áp lực cạnh tranh lớn hơn đối với các doanh nghiệp và các quốc gia có trình độ phát triển không tương thích. Nguy cơ thất nghiệp của người lao động ngày càng lớn vì giao dịch thương mại trực tiếp bị thu nhỏ. Nguy cơ mất an toàn, an ninh mạng, nguy cơ hàng hóa nhập khẩu chiếm lĩnh thị trường trong nước bởi người dân có nhiều cơ hội lựa chọn mua sắm hàng hóa qua các trang điện tử.
Để thúc đẩy thị trường thương mại điện tử phát triển và đạt được mục tiêu của Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 trong thời gian tới, nhiều chuyên gia, các nhà khoa học tại hội thảo đề xuất một số giải pháp như: tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách và rà soát, bổ sung, sửa đổi, ban hành mới các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật; đẩy mạnh quy trình thanh toán không dùng tiền mặt; nâng cao năng lực quản lý, tổ chức hoạt động thương mại điện tử; xây dựng thị trường và nâng cao niềm tin của người tiêu dùng đối với thương mại điện tử.
Lý Thanh Hương (TTXVN)