Sáng 2/1, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chủ trì buổi làm việc với Bộ LĐTBXH, Bộ GDĐT, Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ để nghe báo cáo về việc xây dựng và chuyển giao chương trình và đào tạo giáo viên cấp độ khu vực ASEAN và quốc tế.
Đây là một trong những nội dung nhằm cụ thể hóa Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam, trọng tâm là xác định đào tạo nhân lực cho các ngành, lĩnh vực mũi nhọn chủ lực của đất nước giai đoạn 2011-2020.
Theo báo cáo của Bộ LĐTBXH, Tổng cục Dạy nghề đã xác định một số quốc gia có kinh nghiệm và đủ điều kiện để hợp tác sâu về đào tạo, dạy nghề trong thời gian tới là: Malaysia, Hàn Quốc, Đức và Nhật Bản. Đến nay, Malaysia và Hàn Quốc đã có thỏa thuận bằng văn bản sẵn sàng đồng ý cung cấp toàn bộ bản quyền chương trình chuyển giao và tiến tới công nhận bằng cấp khi các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo nghề giữa 2 nước đã tương đồng.
Tổng cục Dạy nghề đã nhập, chuyển giao và biên dịch xong 8 bộ chương trình đào tạo 8 nghề từ phía đối tác Malaysia, trong đó có 4 nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN là: Chế biến và bảo quản thủy sản; gia công và thiết kế sản phẩm mộc; Kỹ thuật xây dựng; Quản trị lễ tân; 4 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế: Điều khiển tàu biển; Kỹ thuật chế biến món ăn; Khai thác máy tàu thủy; Quản trị khách sạn.
Về kế hoạch chuyển giao các bộ chương trình và đào tạo bồi dưỡng giáo viên đến năm 2015, Bộ LĐTBXH xác định đến năm 2014 hoàn thành chuyển giao các bộ chương trình, giáo trình, học liệu dạy nghề, tiêu chuẩn kỹ năng nghề, ngân hàng đề thi, phương pháp đánh giá, danh mục thiết bị dạy nghề và chuyển giao công nghệ đào tạo cho 49 nghề cấp độ khu vực ASEAN và 26 nghề cấp độ quốc tế.
Dự kiến, đến năm 2015, sẽ hoàn thành việc đào tạo khoảng 3.000 giáo viên, giảng viên dạy nghề cấp độ khu vực ASEAN và quốc tế.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Khắc Định đề nghị Bộ LĐTBXH cần xác định lại tiêu chí đào tạo, điều chỉnh lại danh sách các đơn vị tham gia thí điểm vào đề án đào tạo theo hướng tinh giản. Khẩn trương xây dựng đề án tổng thể về đào tạo giáo viên cấp độ ASEAN và quốc tế, từ đó xác định rõ nhiệm vụ và công việc từ nay đến hết 2015, đồng thời Bộ LĐTBXH cần lựa chọn thêm 1 đối tác đào tạo nghề khác bên cạnh Malaysia để có lựa chọn phong phú hơn.
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã nêu một số yêu cầu với Bộ LĐTBXH tập trung làm rõ, trong đó, cần tập trung đào tạo bồi dưỡng giáo viên ở 26 trường nghề trọng điểm trên toàn quốc. Với 8 chương trình nghề đã nhận chuyển giao từ Malaysia cần tập trung triển khai đồng bộ (chương trình, giáo viên và cán bộ quản lý, trang thiết bị) sau đó rút kinh nghiệm về tuyển sinh, tổ chức đào tạo, cơ chế chính sách.
Bộ LĐTBXH xây dựng một đề án riêng về đào tạo giáo viên dạy nghề ở nước ngoài và trình Thủ tướng phê duyệt và phải đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả.
Với các nghề trọng điểm, cần tham khảo ý kiến của các Bộ quản lý ngành để tập trung đầu tư, những nghề khác có thứ tự ưu tiên và có lộ trình thực hiện sau. Đồng thời, xác định quy mô đào tạo cần thiết những nghề đó; xây dựng chính sách cơ chế (gói chính sách) để đảm bảo thực hiện hiệu quả như: chế độ ưu đãi giáo viên, trách nhiệm và nghĩa vụ sau khi được đào tạo và bồi dưỡng ở nước ngoài, chính sách với người học...).
Phó Thủ tướng cũng gợi ý nên thành lập Tổ công tác trong doanh nghiệp lớn, có quy mô lao động lớn để xác định nhu cầu học nghề.
Về chọn đối tác Bộ LĐTBXH cần làm rõ thêm cơ sở, tiêu chí lựa chọn đối tác.Việc hợp tác, đàm phán với các đối tác cần tổ chức trực tiếp, không đươc qua bất cứ khâu trung gian nào để đảm bảo tính hiệu quả cũng như chi phí nhập chương trình.
Các trường dạy nghề trọng điểm phải chủ động và có cam kết hợp tác với doanh nghiệp để đào tạo nghề, áp dụng mô hình ký kết với Đức.
Bộ LĐTBXH cần xây dựng kế hoạch tài chính chi tiết cho năm 2013; tháng 10/2013, làm báo cáo đánh giá và chuẩn bị kế hoạch tài chính cho 2014. Chú ý sự phối hợp phân công quản lý việc đưa giáo viên đi nước ngoài giữa Bộ LĐTBXH và các địa phương.
Theo Bộ LĐTBXH, đến năm 2020, chất lượng đào tạo của một số nghề ở Việt Nam sẽ đạt trình độ các nước phát triển trong khu vực ASEAN và trên thế giới.
Năm 2014, 100% đội ngũ giáo viên các nghề trọng điểm cấp độ khu vực và quốc tế dạt chuẩn hóa kỹ năng nghề và năng lực sư phạm của các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN và các nước phát triển trên thế giới. Năm 2015, sẽ có 26 trường dạy nghề chất lượng cao, đến năm 2020 có khoảng 40 trường chất lượng cao. Đến năm 2015, sử dụng 49 chương trình, giáo trình cấp độ khu vực và 26 chương trình, giáo trình quốc tế.
Giai đoạn 2016-2020, Việt Nam sẽ đào tạo mới trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề cho khoảng 2,9 triệu người (trong đó 10% đạt cấp độ quốc gia, khu vực ASEAN và quốc tế).
|
Từ Lương - Chinhphu.vn