Thứ Hai, 16/9/2024
Xã hội
Thứ Hai, 24/6/2019 14:47'(GMT+7)

Hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Phát biểu khai mạc và định hướng các phiên thảo luận, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu nêu rõ: Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Nhà nước ta đã có nhiều chính sách quan trọng, đồng thời dành nhiều ưu tiên, nguồn lực cho phát triển khoa học – công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung thúc đẩy phát triển khoa học – công nghệ, tạo bứt phá về cơ sở hạ tầng ứng dụng và nhân lực công nghệ thông tin, truyền thông, phát triển hạ tầng kỹ thuật số, bảo đảm an toàn, an ninh mạng, tạo lập môi trường kinh doanh, khẩn trương xây dựng Chính phủ điện tử, xây dựng chiến lược chuyển đổi số, xây dựng nền quản trị thông minh, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.

Để khai thác những thành tựu của Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cho rằng, hệ thống pháp luật hiện hành đã bộc lộ nhiều bất cập, nhất là trong những lĩnh vực liên quan đến quyền tài sản, quyền sở hữu trí tuệ, đầu tư mạo hiểm, tài sản mã hóa, quản lý thuế, bảo hộ dữ liệu cá nhân, chữ ký số và giải quyết tranh chấp trực tuyến. Hội thảo nhằm nhận diện những vấn đề pháp lý đặt ra của Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tác động của nó đến hệ thống pháp luật Việt Nam. Trên cơ sở đó xác định hướng tiếp cận, các định hướng, giải pháp lớn nhằm từng bước xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý thuận lợi, đổi mới sáng tạo, ứng dụng thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đồng thời phát triển khoa học – công nghệ, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

*Hoàn thiện pháp luật dân sự, kinh tế

Ngay sau phần khai mạc, các đại biểu đã tham gia phiên thảo luận: “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và yêu cầu hoàn thiện pháp luật dân sự, kinh tế”.

Phát biểu tại phiên thảo luận, bà Thạch Lê Anh, Giám đốc Vietnam Sillicon Valley cho rằng, trong Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cộng đồng khởi nghiệp sẽ gặp nhiều rủi ro trong việc đăng ký giấy tờ, gọi vốn đầu tư... Một trong những nguyên nhân là do hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể trong việc thu hút vốn tư nhân. Nhấn mạnh nếu làm tốt việc này sẽ giúp cho không chỉ doanh nghiệp khởi nghiệp mà còn tạo cầu nối giữa nhà đầu tư trong nước, tạo điều kiện và sự yên tâm cho các quỹ đầu tư nước ngoài hoặc cá nhân nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, bà Thạch Lê Anh đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý đối với vấn đề này để hạn chế các rủi ro.

Ông Hà Đình Bốn, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhấn mạnh tới vai trò quan trọng của nguồn lao động. Theo ông Bốn, thời kỳ công nghệ số đã đặt ra nhiều khó khăn, thách thức như thiếu nguồn lao động chất lượng cao trong khi lại dư thừa lao động thủ công. Bên cạnh đó, việc đào tạo và nâng cao năng lực cho lực lượng lao động chưa kịp thời; các quy định hiện hành về việc làm, lao động, cơ chế quản trị nguồn nhân lực chưa có sự chuyển dịch phù hợp đáp ứng yêu cầu Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Do đó, ông Hà Đình Bốn cho rằng, cần hoàn thiện khung pháp lý nói chung và pháp luật lao động nói riêng để có chính sách lao động, an sinh phù hợp.

Ông Lê Minh Khiêm, Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính đánh giá phương thức quản lý thuế hiện nay chưa theo kịp Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Hệ thống pháp luật chưa đồng bộ nên dễ tạo rủi ro cho cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân. Hiện nay, Bộ Tài chính đang nghiên cứu trình Chính phủ, Quốc hội các chính sách thuế phù hợp với doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, trong đó tập trung doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, lĩnh vực công nghệ cao… Cùng với đó, Bộ, ngành Tài chính đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong kê khai thu nộp thuế và tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan trong thu thuế.

*Xây dựng chính phủ điện tử và đô thị thông minh


Tại phiên thảo luận “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề đặt ra trong xây dựng chính phủ điện tử và đô thị thông minh”, các đại biểu đã đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực này.

Theo ông Vũ Tuấn Anh, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ, Việt Nam đã triển khi xây dựng Chính phủ điện tử từ những năm 2000. Chính phủ điện tử và đô thị thông minh có quan hệ mật thiết với nhau. Theo đó, việc xây dựng Chính phủ điện tử và đô thị thông minh sẽ giúp đơn giản thủ tục hành chính; tạo thuận lợi cho việc chia sẻ, tổng hợp, phân tích dữ liệu phục vụ cho chỉ đạo, điều hành đồng thời cung cấp dịch vụ tốt hơn cho người dân.

Ông Trần Ngọc Linh, Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng cho rằng, đô thị thông minh có mức độ phát triển khác nhau, tùy thuộc vào mục tiêu hướng đến của mỗi quốc gia. Nước ta hiện chưa có quy chuẩn về đô thị thông minh nhưng trên thế giới đã nghiên cứu các tiêu chuẩn phổ quát, trong đó hướng đến các giá trị bền vững của con người. Từ nay đến năm 2025, nước ta sẽ tiến hành thí điểm ở một vài đô thị, do đó cần xây dựng hành lang pháp lý cho việc thí điểm này đồng thời xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nền tảng, đồng bộ bởi không có cơ sở dữ liệu sẽ không thể quy hoạch, quản lý đô thị thông minh và không thể cung cấp dịch vụ cho người dân.

Ông Hoàng Cao Thắng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Hà Nội chia sẻ, Hà Nội là một trong ba thành phố từ nay đến năm 2025 xây dựng chính quyền đô thị thông minh. Theo đó, Hà Nội đã và đang tập trung triển khai nhiều nội dung như xây dựng nền tảng công nghệ thông tin đảm bảo phát triển mạng nội bộ, băng thông rộng; xây dựng phần mềm dùng chung 3 cấp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dân cư và một số lĩnh vực khác như giáo dục, y tế; thu hút chủ đầu tư xây dựng một số đô thị thông minh. Tuy nhiên, theo ông Hoàng Cao Thắng, thành phố vẫn gặp nhiều vướng mắc pháp lý do định nghĩa, cơ chế về đô thị thông minh chưa rõ ràng, chưa có hướng dẫn cụ thể về việc thuê, sử dụng các dịch vụ viễn thông, khai thác cơ sở dữ liệu… nên đòi hỏi cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý về vấn đề này.

*Ngăn chặn hành vi xâm phạm an ninh quốc gia trên không gian mạng

Phiên thảo luận “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với vấn đề tiếp cận công lý, an ninh mạng” tập trung vào một số nội dung liên quan đến: Tội phạm mạng, an toàn mạng; Chứng cứ điện tử, chứng cứ số; Hòa giải và trọng tài trực tuyến, Tòa án điện tử.

Theo ông Hoàng Minh Tiến, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và truyền thông, việc lộ, lọt thông tin cá nhân trên không gian mạng tại Việt Nam ngày càng phổ biến. Về hành lang pháp lý trong việc bảo vệ thông tin cá nhân, ông Tiến cho biết, Việt Nam đã có Luật An ninh mạng nhưng quy định mới dừng ở mức khung chung, các cơ quan liên quan đang tiếp tục nghiên cứu. Vì thế, điều quan trọng nhất là người sử dụng phải nâng cao nhận thức để bảo vệ thông tin cá nhân của mình.

Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an đánh giá, tội phạm an ninh mạng đang diễn biến ngày càng nghiêm trọng với phạm vi rộng, tính chất xuyên quốc gia, ẩn danh cao. Đây là thách thức không chỉ riêng Việt Nam mà còn của toàn cầu.

Tại Việt Nam, một số biểu hiện phổ biến của tội phạm như: sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, kích động, biểu tình, sử dụng thông tin giả, sai sự thật, trái thuần phong mỹ tục; lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua các cuộc gọi mạo danh… Với tình hình trên, nước ta đã thông qua Luật An ninh mạng và đang xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật này đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước, đấu tranh ngăn chặn các hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, quyền, lợi ích hợp pháp của các nhân, tổ chức trên không gian mạng./.

Phan Phương/TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất