Thứ Năm, 10/10/2024
Kinh tế
Chủ Nhật, 10/10/2010 16:35'(GMT+7)

Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN

Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011 – 2020 nêu rõ: “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa (XHCN); bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực”. Góp ý vào vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng cần làm rõ khái niệm “kinh tế thị trường định hướng XHCN”.

Theo Tiến sĩ kinh tế Lê Quốc Hội, Phó Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế và Phát triển, trường Đại học Kinh tế quốc dân, thực tế thị trường tự do theo nghĩa hoàn toàn tự điều tiết đã gây hệ lụy với cuộc khủng hoảng tiền tệ nói riêng và khủng hoảng kinh tế toàn cầu nói chung. Việc phục hồi nền kinh tế đã phải dùng liệu pháp can thiệp mang tính định hướng của Nhà nước tại các quốc gia có nền kinh tế thị trường vốn tự do. Tiến sĩ Lê Quốc Hội cho rằng, vấn đề ở đây là xác định rõ định hướng XHCN với nền kinh tế là định hướng như thế nào? 

“Trước hết phải khắng định, với một nước có nền kinh tế còn thấp như Việt Nam thì việc lựa chọn phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là một phương thức thích hợp và hiệu quả. Theo tôi, ở đây có hai vấn đề chúng ta cần đề cập: thứ nhất là nền kinh tế thị trường, thứ hai là tính định hướng XHCN. Và nội hàm định hướng XHCN ở đây được hiểu là nền kinh tế thị trường nhưng được quản lý bởi Nhà nước pháp quyền XHCN do nhân dân, vì nhân dân, cho nên nó nhằm mục tiêu là “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”- TS Lê Quốc hội nói.

Về vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, Dự thảo Chiến lược khẳng định: “Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường và điều kiện thúc đẩy các thành phần kinh tế cùng phát triển”.

Ở nước ta, vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước là xuất phát từ lợi ích của đất nước trong thời kỳ quá độ lên XHCN, là "hòn đá thử vàng" để xem xét sự đúng hướng hay chệch hướng xã hội chủ nghĩa trong tiến trình phát triển kinh tế. Kinh tế nhà nước càng phát huy tốt vai trò chủ đạo bao nhiêu thì kinh tế - xã hội sẽ phát triển nhanh, góp phần thực hiện mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh" nhanh và vững chắc bấy nhiêu.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Lê Quốc Hội cho rằng, phải thừa nhận hiện nay trong thành phần kinh tế nhà nước các doanh nghiệp nhà nước giữ vị trí cơ bản và rất to lớn nhưng không ít đơn vị chưa xứng đáng với vai trò mà nó đang nắm giữ.

Dự thảo văn kiện khẳng định, vai trò của kinh tế tư nhân đã có đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế của đất nước. Trên thực tế, khu vực kinh tế tư nhân tỏ ra hết sức năng động, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng GDP và tạo ra 90% việc làm cho người lao động.  Trong Dự thảo chiến lược cũng nêu: “Tiếp tục đổi mới việc xây dựng và thực thi luật pháp bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, minh bạch giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế”.

Theo chuyên gia kinh tế Trần Tô Tử, nếu chỉ nhìn vào chính sách đối với các Tập đoàn, Tổng công ty lớn của Nhà nước mà cho rằng các doanh nghiệp tư nhân đang bị đối xử bất bình đẳng là không thỏa đáng.

Chuyên gia kinh tế Trần Tô Tử cho rằng, môi trường kinh doanh bình đẳng cần được thể hiện rõ ràng, sòng phẳng, để mọi thành phần kinh tế phát huy sức sáng tạo, vươn lên đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Hiện nay, trong tổng số 500 doanh nghiệp lớn nhất nước ta, số lượng doanh nghiệp tư nhân lớn chiếm 30% trong năm 2009. Một số doanh nghiệp tư nhân đã phát triển thành tập đoàn kinh tế, đầu tư ra nước ngoài, với sản phẩm ngày càng phong phú, đa dạng, có uy tín và có thương hiệu. Tỷ trọng thu ngân sách Nhà nước từ khu vực kinh tế tư nhân tăng từ 6% trong năm 2002 đến trên 11% trong năm 2008./.

Huyền Trang - VOVnews

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất