(TCTG) - Hưởng ứng và triển khai Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cán bộ bệnh viện Nhi Trung ương đã rất quyết tâm với tinh thần dám nghĩ, dám làm.
Bệnh viện Nhi Trung ương là bệnh viện nhi đầu ngành với 850 giường bệnh, trên 1000 cán bộ y, bác sỹ, hàng năm tiếp nhận nửa triệu lượt các cháu đến khám và 5 vạn lượt các cháu vào điều trị nội trú. Thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Lãnh đạo bệnh viện đã nghiên cứu và lựa chọn những nội dung gần gũi, thiết thực với ngành y và đặc thù của bệnh viện để tổ chức học tập, quán triệt sâu rộng trong cán bộ, công nhân viên, tập trung vào 3 nội dung chính sau đây:
Thứ nhất, “Cán bộ cần phải thương yêu chăm sóc người bệnh như anh, em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn”. Nội dung này được Bác Hồ đề cập đến trong thư gửi cán bộ Y tế năm 1955. Đây là một sự chỉ đạo rất quan trọng, chính vì vậy, bệnh viện đã tổ chức triển khai nhằm giáo dục, tạo sự chuyển biến nhận thức trong đội ngũ cán bộ.
Hiện nay, trong ngành y tế vẫn còn lại tư tưởng từ thời bao cấp là coi người bệnh là người chịu ơn, cán bộ là người ban ơn, vì thế quan hệ giữa thầy thuốc và bệnh nhân bất bình đẳng, điều này vẫn còn tồn tại. Chính vì vậy, cần phải giáo dục cho cán bộ làm sao để thay đổi hoàn toàn nhận thức, thực sự yêu thương, trân trọng người bệnh, cố gắng làm cho người bệnh hài lòng nhất. Do vậy, tất cả các khâu từ bảo vệ, y tá, hộ lý, y tá điều dưỡng đến bác sỹ phải làm thế nào tạo tất cả điều kiện để cho bệnh nhân hài lòng nhất và khẩu hiệu hành động của chúng tôi là: “sự hài lòng của người bệnh là niềm tự hào của cán bộ bệnh viện Nhi Trung ương”. Với khẩu hiệu này, tất cả các khoa, phòng, các chi bộ phải thảo luận đề ra các biện pháp cụ thể và hàng tháng, cuối tháng điều tra xem chỉ số hài lòng của người bệnh là bao nhiêu. Các đơn vị đạt từ 90% trở lên thì khen thưởng, còn các đơn vị đạt dưới 70% thì bị phê bình, nhắc nhở.
Cũng với tinh thần này, bệnh viện cố gắng tìm các biện pháp chia sẻ và làm vợi nỗi đau của người bệnh. Với các cháu phải nằm viện, đặc biệt là những cháu có bệnh nặng, mãn tính phải nằm viện lâu dài, xa gia đình, người thân, ban bè thầy cô giáo, xa trường học – đây là một gánh nặng tâm lý rất lớn đối với các cháu. Vì vậy, bệnh viện đã tổ chức các chương trình chăm sóc tâm lý bằng âm nhạc cho các cháu. Hai tuần một lần, các học sinh của các trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội được mời đến để biểu diễn ca nhạc, hát múa cùng với những bệnh nhi của bệnh viện, điều này đã giúp các cháu bệnh nhi giảm được nỗi đau của bệnh tật, cũng như yếu tố tâm lý. Những khoa mà có các cháu bị bệnh nặng như khoa Ung bướu, bệnh viện tổ chức phương pháp điều trị giảm đau bằng âm nhạc, tất cả các bệnh phòng đều có máy nghe nhạc cassette, lựa chọn các bản nhạc phù hợp với các cháu. Đây cũng là một đề tài luận án thạc sỹ của đồng chí điều dưỡng vừa được bảo vệ thành công, đưa lại kết quả rất tốt. Bệnh viện còn yêu cầu các cán bộ trong các khoa phẫu thuật phải làm sao để các cháu đau ít nhất. Xưa nay, vẫn quan niệm: mổ phải đau, tiêm phải đau,… bây giờ không như vậy mổ không đau, tiêm chọc không đau, …. Muốn như vậy, trước khi làm các thủ thuật chúng ta phải làm các biện pháp tâm lý như thế nào, dùng các thuốc giảm đau thế nào để giảm thiểu đau ít nhất các cháu.
Ngoài ra, bệnh viện cũng cố gắng bảo đảm để tất cả các bệnh nhân nghèo được hưởng các kỹ thuật cao và các thuốc chữa bệnh cần thiết.
Chúng ta đã biết, có những loại thuộc chữa bệnh rất đắt, có những loại thuốc, tiêm một mũi đã tốn hơn mười triệu đồng Việt Nam, có những loại máy điều trị về tim (loạn nhịp) của các cháu là trên một trăm triệu đồng,... Những loại này đối với bà con nông dân, người nghèo là không có điều kiện, nhưng bệnh viện đã tổ chức họp và hội chuẩn: nếu những bệnh nhân nào cần thuốc này và loại máy này thì mới cứu sống được thì dứt khoát là bệnh viện phải cấp thuốc và cấp máy để cho các cháu được điều trị, không thể để cho các cháu vì không có tiền mà đáng lẽ các cháu sống được mà các cháu lại phải chết. Bệnh viện cũng đã thành lập một tổ công tác xã hội gồm bốn cán bộ, chuyên làm công việc hàng ngày đi các bệnh phòng tìm hiểu những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt để giúp đỡ. Tổ này đã hoạt động rất hiệu quả, ví dụ: như trước tết vừa qua, tổ này đã phát hiện một cháu bé 14 tuổi bị bệnh thần kinh không thở được, phải thở máy kéo dài, phải nằm viện nhiều tháng, có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, đặc biệt, bố mất, mẹ lại đang có mang, chúng tôi đã kêu gọi báo An ninh thủ đô giúp đỡ, trong một tuần đã nhận được hơn 100 triệu đồng tiền giúp đỡ.
Đây mới là một trường hợp, còn rất nhiều trường hợp khác khó khăn đã được tổ công tác xã hội phát hiện và giúp đỡ bằng nhiều hình thức. Để có tiền giúp đỡ được người nghèo như vậy, bệnh viện đã xã hội hóa bằng cách kêu gọi tài trợ của các cá nhân và các tổ chức. Bệnh viện đã tổ chức những đêm ca nhạc từ thiện với chủ đề: “Quà tặng cuộc sống” và mỗi đêm như vậy đã thu gần 2 tỷ đồng. Những số tiền này được dùng để miễn phí cho những cháu bị bệnh nặng mà không có đủ điều kiện; kêu gọi tài trợ như với công ty Viettel tổ chức chương trình mổ tim miễn phí cho 64 trường hợp một năm trong cả nước, với khoảng 3 tỷ đồng; hay với Tập đoàn Dầu khí vào khoảng 100.000 USD để mua các trang thiết bị dùng để chuẩn đoán các bệnh về chuyển hóa và di truyền; kêu gọi các tổ chức nước ngoài, như tổ chức của Thụy Điển, có chương trình phòng chống ung thư cho trẻ em là 10 triệu đô trong 6 năm; hay tổ chức phi chính phủ của Mỹ để xây dựng, cải tạo lại bệnh viện, trong giai đoạn một là 6,3 triệu USD đang tiến hành và đang tiếp tục thương thảo với các bạn trong giai đoạn hai tiếp nhận 40 triệu USD để cải tạo lại cơ bản bệnh viện… Nói chung, bệnh viện đã cố gắng kêu gọi tất cả các tổ chức trong và ngoài nước xã hội hóa làm sao có tiền để có thể khám chữa bệnh cho người nghèo, đặc biệt là các dịch vụ đặc biệt.
Thứ hai, cũng trong thư của Bác Hồ gửi ngành Y tế, Bác nói: “Y học cần dựa trên nguyên tắc khoa học, dân tộc và đại chúng”. Trong thư này, Bác đặt khoa học lên đầu tiên, đây là một định hướng rất quan trọng. Làm thế nào để xây dựng một nền y tế hiện đại; làm thế nào để áp dụng được tiến bộ khoa học, kỹ thuật của thế giới vào Việt Nam ? đây là một nội dung được bàn rất kỹ trong Ban giám đốc, đảng ủy, công đoàn để tìm giải pháp thực hiện.
Với một tinh thần quyết tâm cao, trong một thời gian không dài, bệnh viện đã áp dụng được rất nhiều kỹ thuật tiến trên thế giới đưa vào, ví dụ như phẫu thuật tim hở, là phẫu thuật rất phức tạp, trước đây chỉ mổ được cho người lớn, dần dần đã mổ được cho trẻ con, nay bệnh viện đã mổ được cho các cháu bé mới sinh. Trường hợp gần đây nhất mà nhiều đài, báo đã biết là trường hợp song sinh mà phải tách khi ở 15 ngày tuổi, đến ngày thứ 21, một cháu thứ hai bị bệnh rất phức tạp – truyền gốc động mạch, chúng tôi đã phẫu thuật thành công. Bệnh viện đã quyết tâm xây dựng một trung tâm về phẫu thuật tim hở cho trẻ sơ sinh. Các bạn quốc tế cũng nói rằng ở Việt Nam hiện nay chưa có nơi nào làm được việc này và trước đây những cháu sơ sinh mới sinh ra bị bệnh tim phức tạp, chúng ta không chẩn đoán, không điều trị được, các cháu đều chết hết. Hiện nay, với cố gắng của đội ngũ y bác sĩ, bước đầu bệnh viện đã cứu được một số cháu và đang tiếp tục xây dựng một trung tâm về phẫu thuật tim sơ sinh hiện đại.
Bệnh viện cũng đã mạnh dạn tiến hành các phẫu thuật ghép thận, ghép gan, ghép tủy xương. Với một nguồn lực rất hạn chế, nhưng với một quyết tâm rất lớn, trong một thời gian ngắn đã đưa ghép thận của trẻ em, đã tiến hành 5 trường hợp gan, 5 trường hợp ghép tủy xương, với kết quả là rất tốt.
Về công tác nghiên cứu khoa học, bệnh viện khuyến khích động viên các cán bộ trẻ về công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo, rèn luyện các em, đặc biệt là về phương pháp nghiên cứu, về ngoại ngữ tiếng Anh. Trong 4, 5 năm vừa qua, bệnh viện đã cố gắng phổ cập tiếng Anh cho các cán bộ đại học. Hiện nay, bệnh viện tổ chức giao ban buổi sáng bằng tiếng Anh. Lúc đầu cũng nhiều khó khăn, nhưng hiện nay là thường xuyên vào các buổi sáng, tạo điều kiện cho các cán bộ sang các hội nghị quốc tế là nghe được, theo dõi được, báo cáo được và cán bộ nào có các đề tài báo cáo tại Hội nghị quốc tế, sẽ được bệnh viện tìm cho các nguồn tài trợ giúp đỡ tiền vé máy bay, ăn ở, đi lại cho cán bộ. Điều này giúp cán bộ được mạnh dạn hơn, được giao lưu học hỏi, đồng thời cũng giới thiệu được những công việc, những tiến bộ của mình đối với bạn bè quốc tế. Với tinh thần như vậy, trong những năm gần đây, bệnh viện có gần 30 công trình nghiên cứu được đăng trên các tạp chí quốc tế, góp phần để bạn bè quốc tế hiểu được nền y học của Việt Nam.
Thứ ba, cũng trong thư được Bác Hồ gửi đến các em học sinh nhân ngày khai trường, Bác nói: “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có vẻ vang sánh vai được với các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”. Mong muốn của Bác Hồ trong thư gửi học sinh cũng là sự chỉ đạo của Bác, muốn rằng nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam phải sánh vai được với các cường quốc, các dân tộc trên thế giới. Trong thời kỳ chiến tranh, Việt Nam đã làm được công việc này rất xuất sắc rồi, còn trong hòa bình, chúng ta làm như thế nào? Chúng tôi suy nghĩ rằng, không có cách nào khác chúng ta phải đi vào các nghiên cứu khoa học mũi nhọn, vì chỉ như vậy, mới có thể hy vọng sánh bước được với các nước phát triển trên thế giới.
Vì vậy, trong cách chỉ đạo, bệnh viện đã có nhiều cố gắng, không chỉ dựa vào những chuẩn mực quốc gia mà còn lấy chuẩn mực của khu vực, của quốc tế để phấn đấu. Ví dụ, đối với một bệnh phức tạp, bệnh viện yêu cầu anh em cán bộ phải vào mạng để tìm hiểu xem xem chúng ta ở đâu? Thế giới đang ở đâu, làm gì? Để rồi phải tìm cách đi riêng phù hợp với đất nước chúng ta, phải tìm ra lợi thế riêng của mình, tìm ra các bệnh tật, lĩnh vực nghiên cứu mà không đòi hỏi quá là nhiều tiền, quá là các máy móc phức tạp, nhưng ta lại có thể phát huy được sự thông minh, khéo léo của người Việt Nam. Sau khi thảo luận như vậy, bệnh viện đã quyết định tập trung vào phẫu thuật nội soi cho trẻ em. Đây là một lĩnh vực không đòi hỏi quá nhiều phương tiện đắt tiền, nhưng đòi hỏi sự khéo léo, cũng như sự thông minh.
Phẫu thuật nội soi cho trẻ em bắt đầu từ năm 1977, nhưng đến năm 2000 mới trở thành trung tâm và chỉ trong 7 năm, bệnh viện đã đưa phẫu thuật nội soi cho trẻ em trở thành một trong những trung tâm tiên tiến trên thế giới. Với 7 công trình nghiên cứu phẫu thuật nội soi được đăng ở Châu Âu và Hoa Kỳ, thế giới đã biết đến phẫu thuật nội soi của Việt Nam. Chúng ta cố gắng cái gì các bạn làm được thì ta làm được, thậm chí có những cái các bạn còn đang chần trừ thì chúng ta đi trước, chúng ta có nhiều kinh nghiệm. Ví dụ, mổ nội soi u nang, trong khi nhiều bạn vẫn còn phân vân có làm hay không, chúng ta đã làm gần 200 trường hợp cho kết quả rất tốt; hay các bệnh về ruột, gan, lách,…từ bụng lên ngực, bây giờ mổ bằng nội soi, chúng ta đưa về ổ bụng, trong khi nhiều trung tâm còn phân vân có làm hay không thì chúng ta làm trên 100 trường hợp, với kết quả tốt. Chính vì vậy từ chỗ chúng ta đi học các bạn, mời các bạn về để dạy cho chúng ta thì bây giờ chúng ta có thể đi các nước để giảng dạy và chúng ta tiếp nhận cán bộ các nước đến học tập. Năm vừa qua, bệnh viện đã tiếp nhận 8 bác sỹ từ Philipine, từ Ý, từ Hoa Kỳ đến học tập, còn năm nay, bệnh viện cũng đang làm thủ tục cho 4 bác sỹ từ Thái Lan, từ Ý, từ ẢRập – xêut đến để học tập.
Có thể nói, hưởng ứng và triển khai Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cán bộ bệnh viện Nhi Trung ương đã rất quyết tâm với tinh thần dám nghĩ, dám làm. Học tập theo tấm gương của Bác Hồ, bệnh viện Nhi Trung ương đã đạt được một số thành tích nhất định, trong điều kiện rất khó khăn và cũng được các bạn bè trên thế giới đánh giá cao. Với Châu Âu, Mỹ, với các nước phát triển thì kinh phí cho một giường bệnh một năm là 1 triệu đôla Mỹ, còn Viện Nhi Trung ương với 600 giường bệnh, một năm chi khoảng 20 triệu đôla, như vậy khoảng cách là vô cùng cách xa. Nhưng trong điều kiện khó khăn như vậy, với tinh thần quyết tâm, dám nghĩ, dám làm, bệnh viện đã đạt được những kết quả khiêm tốn bước đầu. Tất nhiên, chúng tôi luôn nghĩ vẫn phải tiếp tục cố gắng, phát huy hơn nữa, do vậy, chúng tôi đang khẩn trương xây dựng kế hoạch để triển khai giai đoạn hai và đã phát động đợt thi đua vào ngày 27/2 sắp tới đây – là ngày kỷ niệm ngày Bác Hồ gửi thư cho ngành y tế.
PV (
Theo BC của đc Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc BV nhi TƯ tại Hội nghị sơ kết 2 năm Cuộc vận động )