Thứ Tư, 2/10/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Tư, 25/2/2009 17:28'(GMT+7)

Một bài học từ An Giang

Sau 7 năm thực hiện đề án phát triển giao thông nông thôn với chủ trương "Nhà nước và nhân dân cùng làm", huyện Thoại Sơn đã xây dựng được 312km đường bê tông, kinh phí thực hiện trên 234 tỷ đồng, trong đó ngân sách đầu tư 40%, còn lại nhân dân đóng góp 60%. Cùng với việc làm đường bê tông, trên 500km đường đất được tôn cao vượt lũ và rãi cát núi, dễ dàng đi lại trong mùa mưa. Hệ thống chiếu sáng được lắp đặt 5.000 bóng đèn dọc 130km đường nông thôn, kinh phí đầu tư 3 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 50%. Đường giao thông tương đối hoàn chỉnh, trong khi nhiều cây cầu xuống cấp, hư hỏng do xây dựng và sử dụng lâu năm, làm mất đồng bộ, khó khăn cho phương tiện vận chuyển hàng hóa nông sản. Tuy nhiên, ngân sách địa phương eo hẹp, trong khi thu nhập của nhân dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp, đời sống còn khó khăn, việc đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây cầu mới, thay thế cầu cũ, quả thật khó khăn. Cái khó tưởng chừng không thể… nhưng khi dân liệu, mọi việc đâu cũng vào đấy. Bí thư Huyện ủy Thoại Sơn Lê Văn Nưng cho hay, khi địa phương đưa ra chủ trương "xã hội hóa" xây cầu, huyện khuyến khích "các tổ chức xã hội vận động được 100 triệu đồng, ngân sách hỗ trợ 20 triệu đồng". Lập tức, các tổ chức từ thiện, Mạnh thường quân, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh, kiều bào và nhân dân ủng hộ. Năm 2006, nguồn vận động xã hội được 926 triệu đồng, xây dựng 12 cây cầu. Năm 2007, vận động 1,303 tỷ đồng (ngân sách hỗ trợ 163 triệu đồng) xây dựng 13 cây cầu. Năm 2008, vận động 8,082 tỷ đồng (ngân sách hỗ trợ 5,122 tỷ đồng), xây dựng 41 cầu treo, bê tông, cầu sắt. Các xã vận động xây dựng nhiều là Vĩnh Khánh (10 cầu), Định Mỹ (9 cầu), Vĩnh Trạch (6 cầu), An Bình (6 cầu)

Ông Nguyễn Ngọc Huy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận - Trưởng ban Vận động xây cầu nông thôn xã Định Mỹ ví công tác vận động xây cầu nông thôn là bài học thực hành cho Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Đầu năm 2008, Ủy ban Mặt trận xã mời các Mạnh thường quân, cán bộ, đảng viên và một số nông dân tiêu biểu để bàn chuyện xây cầu Ba Thước và cầu Cô Chín. Tại buổi lễ triển khai, đồng chí Bí thư Huyện ủy ủng hộ 2 triệu đồng, Chủ tịch UBND xã đóng góp 20 triệu đồng, mỗi cán bộ, đảng viên xã từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng, các doanh nghiệp ủng hộ từ 5 đến 10 triệu đồng… Ông Huy nói, lúc đầu tôi lo sợ vận động không đủ tiền xây hai cây cầu, nhưng khi đội thi công của chú Tám Chuyền bắt tay xây dựng cầu Cô Chín, anh em "sáng kiến" đặt cái thùng từ thiện, người đi qua đường bỏ vào vài ngàn, ngày đầu được vài trăm, rồi tăng lên cả triệu đồng, khi hoàn thành cầu Cô Chín, tiền dư đủ xây thêm cầu Ba Thước. Thấy được cái lợi thiết thực, người dân tin tưởng ủng hộ xây cầu ngày càng nhiều, thanh niên trong xã ùn ùn kéo đến giúp làm cầu và mang theo cả dụng cụ, phương tiện, cây ván, gạo, thức ăn; các chị phụ nữ hăng hái nấu cơm cho anh em làm cầu ăn. Năm 2008, xã Định Mỹ xây dựng được 8 cây cầu, kinh phí 2,935 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 1,482 tỷ đồng. Cầu xây xong, xã dựng tấm bảng lớn ghi nhận công sức, tiền của đóng góp xây cầu ở đầu làng, ai đi qua đều hãnh diện vì mình cũng có công sức đóng góp xây dựng quê hương, lòng sung sướng.

Ông Phạm Thành Được, Trưởng phòng Công thương huyện Thoại Sơn cho biết, chủ trương xã hội hóa xây dựng cầu giao thông nông thôn, mỗi xã, thị trấn thành lập một ban vận động và tiếp nhận quỹ, tổ chức mua vật liệu xây dựng, thi công và giám sát công trình, tất cả đều do nhân dân đảm nhận. Huyện thành lập hai đội thi công xây dựng cầu do chú Tám Chuyền và anh Chín Hoa điều hành với 80 công nhân làm việc thiện nguyện, hỗ trợ các địa phương xây cầu. Phòng Công thương hỗ trợ kỹ thuật, lập hồ sơ thiết kế xây dựng để bảo đảm các công trình sử dụng cho an toàn. Theo ông Được, cách làm giao cho nhân dân "tự quản" đã tiết kiệm được nhiều khoản chi phí so với dự tính ban đầu. Riêng năm 2008 xây dựng 41 cây cầu, tổng kinh phí dự toán thiết kế ban đầu khoảng 26,343 tỷ đồng, nhưng khi bắt tay xây dựng, từ khâu thiết kế đến thi công, giám sát đều do nhân dân làm. Các ban vận động xuất tiền vật liệu xây dựng 13,204 tỷ đồng, tiết kiệm được 13,024 tỷ đồng. Tổng cộng 3 năm (2006-2008) xây dựng 66 cây cầu, tổng dự toán ban đầu 31,258 tỷ đồng nhưng chỉ thực hiện 15,596 tỷ đồng và tiết kiệm được 15,662 tỷ đồng.

Ông Phạm Thành Được nói rằng, bài học tiết kiệm trong xây dựng cầu nông thôn của nhân dân huyện Thoại Sơn có ý nghĩa thiết thực cho cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"./.
 
(Theo: Cao Tâm/HNM)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất