Thứ Tư, 2/10/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Chủ Nhật, 22/2/2009 18:46'(GMT+7)

Ninh Bình sau 2 năm triển khai Cuộc vận động

ĐC Đinh Chung Phụng, TB Tuyên giáo tỉnh ủy Ninh Bình (Ảnh TD)

ĐC Đinh Chung Phụng, TB Tuyên giáo tỉnh ủy Ninh Bình (Ảnh TD)

Là một địa phương giàu truyền thống cách mạng, sớm tiếp thu chủ nghĩa Mác- Lênin, trong nhiều thập kỷ qua và đặc biệt trong hơn 20 năm đổi mới, Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đã phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết lương, giáo, dân tộc, phấn đấu giành kết quả quan trọng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Năm 2005, Ninh Bình đã thoát ra khỏi tỉnh nghèo nhất khu vực đồng bằng Bắc Bộ.

Vinh dự, tự hào được Bác Hồ về thăm 5 lần, hình ảnh, tình cảm, những lời dạy của Bác còn mãi khắc sâu trong tâm khảm của người Ninh Bình. Vì vậy, Cuộc vận động đến với Đảng bộ, quân dân Ninh Bình còn thể hiện tình cảm, sự tôn kính, biết ơn của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, các lực lượng vũ trang Ninh Bình đối với Bác Hồ kính yêu.

Một là, về công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động. Bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, Tỉnh uỷ Ninh Bình đã xác định, đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, có ý nghĩa trước mắt và tính chiến lược lâu dài trong việc xây dựng nền tảng tư tưởng, đạo đức, văn hóa của Đảng bộ và nhân dân Ninh Bình, đồng thời thể hiện sự tôn kính, lòng biết ơn vô hạn của Đảng bộ, quân và dân tỉnh Ninh Bình đối với Bác Hồ kính yêu. Từ nhận thức đó, căn cứ tình hình thực tiễn của Ninh Bình, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Ban chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh Ninh Bình đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác quán triệt triển khai Chỉ thị 06 – CT/TW và các văn bản hướng dẫn của Trung ương. Tháng 2/2007, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành kế hoạch số 29 – KH/TU triển khai Cuộc vận động, với quan điểm chỉ đạo kịp thời, thường xuyên, nghiêm túc, sáng tạo; gắn chặt với việc thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương, các Nghị quyết, chương trình hành động, chính sách, kế hoạch của tỉnh; gắn với các phong trào thi đua yêu nước; đảm bảo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, tổ chức đảng. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Ninh Bình đã quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện Cuộc vận động tập trung trước hết vào đối tượng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và thế hệ trẻ. Từ quan điểm chỉ đạo trên, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Ban chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh Ninh Bình đã xác định 15 nhiệm vụ cụ thể, phân công các cơ quan tham mưu của Tỉnh uỷ, các cấp uỷ, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện.

Hai là, cụ thể hoá các quan điểm chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Ban chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh Ninh Bình, các cơ quan tham mưu của Tỉnh uỷ, đặc biệt là Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ cùng với các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể đã nghiên cứu, xây dựng bước đi, nội dung, cách làm phù hợp với tình hình, đặc điểm đối tượng cụ thể của tỉnh. Năm 2007 và 2008, đã tập trung chỉ đạo toàn Đảng bộ nghiên cứu, học tập 5 chuyên đề theo hướng dẫn của Trung ương gắn với kiểm điểm, đánh giá thực trạng đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Với tầm quan trọng, sức sống, sức lan toả của tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cùng với sự chuẩn bị kỹ càng, chu đáo về mặt nội dung, đội ngũ báo cáo viên, các điều kiện cụ thể và sự kiểm tra giám sát thường xuyên của các cấp uỷ đảng từ tỉnh đến cơ sở, việc tổ chức nghiên cứu học tập các chuyên đề đã được các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị triển khai nghiêm túc, có chất lượng, tỷ lệ cán bộ đảng viên tham dự học tập các chuyên đề đạt trên 93 %. Sau các đợt nghiên cứu học tập các chuyên đề, đã tiếp tục chỉ đạo làm dấy lên phong trào tự học tập, tự nghiên cứu tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp dân cư. Từ sự chỉ đạo nghiêm túc, quyết liệt các đợt nghiên cứu, học tập, đến nay Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đã giải quyết căn bản vấn đề nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng, nội dung, tác dụng của Cuộc vận động đối với cán bộ, đảng viên và từng tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị.

Ba là, trong quán triệt triển khai Cuộc vận động 2 năm qua, Ninh Bình tập trung chỉ đạo làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về mục đích, yêu cầu, nội dung, phương thức triển khai thực hiện Cuộc vận động, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, hàng đầu, là việc làm thường xuyên, thông qua đó nâng cao nhận thức cho các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Các cơ quan báo chí của tỉnh, hệ thống đài truyền thanh 3 cấp, các bản tin nội bộ, đặc san của các ngành, đoàn thể mở các chuyên mục, ra các chuyên trang tập trung tuyên truyền về Cuộc vận động. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí Trung ương tuyên truyền kết quả triển khai, các điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt thực hiện Cuộc vận động, nhất là tác động tích cực của Cuộc vận động đối với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển KT - XH, xây dựng hệ thống chính trị...

Bốn là, trong 2 năm thực hiện Cuộc vận động, Ninh Bình đã tập trung thực hiện một số giải pháp sáng tạo, thiết thực, phù hợp nhằm đưa nội dung Cuộc vận động đi thực tiễn cuộc sống.

Năm 2008, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ biên soạn tài liệu “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và đưa vào giảng dạy và học tập ở bậc học mầm non; lớp 4 bậc tiểu học; lớp 7 và lớp 11 bậc phổ thông trong toàn tỉnh. Trường Chính trị tỉnh biên soạn tài liệu học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đưa vào chương trình giảng dạy các lớp đào tạo, bồi dưỡng của Trường và Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện. Qua khảo sát bước đầu, các tài liệu trên có tác dụng tốt trong việc giáo dục đạo đức đối với cán bộ, đảng viên, giáo viên và học sinh.

Hội thi “Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của các cấp uỷ đảng, hội thi “Chúng em kể chuyện Bác Hồ” của Đoàn Thanh niên và ngành giáo dục, hội thi “Kể chuyện Bác Hồ” của Hội Người mù được tổ chức thành công, với hàng nghìn thí sinh tham gia, có tác dụng tuyên truyền, giáo dục sâu sắc. Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ biên soạn, xuất bản cuốn sách “Làm theo lời Bác” phản ánh, giới thiệu các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong thực hiện Cuộc vận động, có tác dụng tốt tuyên truyền, động viên, khích lệ cán bộ, đảng viên và nhân dân nỗ lực phấn đấu học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đối tượng đảng viên, cán bộ, công chức nghiên cứu, học tập tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, năm 2008, Tỉnh uỷ đã chỉ đạo mở rộng Cuộc vận động đến mọi đối tượng: chiến sĩ lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên, đoàn viên, hội viên…Và đặc biệt là đối tượng chức sắc, chức việc của đạo Công giáo, tăng, ni, phật tử của đạo Phật, đối tượng là người khuyết tật…làm cho Cuộc vận động có sức lan toả sâu rộng đến mọi tầng lớp xã hội. Năm 2008, huyện uỷ Kim Sơn đã tổ chức cho 500 chức sắc, chức việc của đạo Công giáo và tăng, ni, phật tử của đạo Phật học tập chuyên đề tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Sau các lớp học, các chức sắc tôn giáo đã tích cực tuyên truyền, giáo dục tín đồ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Năm là, năm 2008, Tỉnh uỷ Ninh Bình vừa coi trọng việc tổ chức nghiên cứu học tập các chuyên đề theo hướng dẫn của Trung ương, đồng thời nghiên cứu, chỉ đạo chuyển trọng tâm của Cuộc vận động sang “làm theo” tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Việc xây dựng chuẩn mực đạo đức theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được tập trung chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu các cơ quan, đơn vị xây dựng chuẩn mực đạo đức bám sát chức năng, nhiệm vụ và hướng vào giải quyết những yếu kém, khuyết điểm, tồn tại của cơ quan, đơn vị, đảm bảo ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ đối chiếu, kiểm tra. Đồng thời, lấy chuẩn mực đạo đức là một trong những tiêu chí để đáng giá, xếp loại cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị.

Sáu là, qua 2 năm thực hiện, Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ở tỉnh Ninh Bình đã tác động trực tiếp và tích cực đến việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị - kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nhận thức sâu sắc về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành các mặt hoạt động theo hướng gần dân, sát dân hơn, nắm bắt và giải quyết kịp thời nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Một số chủ trương chính sách phù hợp với thực tiễn, được nhân dân đồng tình ủng hộ, góp phần giúp tỉnh vượt qua nhiều khó khăn, tạo nên những kết quả tương đối toàn diện trên lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng hệ thống chính trị. Kinh tế tiếp tục phát triển và đạt mức tăng trưởng cao, năm 2007 GDP tăng 15%, thu ngân sách đạt 1.374,1 tỷ đồng. Năm 2008, 15/15 chỉ tiêu đề ra đều đạt và vượt, nổi bật là tốc độ tăng trưởng GDP đạt 18,9%, thu ngân sách đạt 2002 tỷ đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 12% (năm 2007) xuống còn 8,91 % (năm 2008). Các Nghị quyết, chính sách quan trọng của Tỉnh liên quan trực tiếp đến đời sống, việc làm và thu nhập của nhân dân, nhất là nông dân như: Nghị quyết 10 của Tỉnh uỷ về công tác giảm nghèo đến năm 2010; Nghị quyết 03 của Tỉnh uỷ về đẩy mạnh phát triển sản xuất vụ đông đến năm 2010; Đề án 15 của UBND tỉnh về các chính sách, giải pháp giảm nghèo đến năm 2010; Đề án 02 của HĐND tỉnh về hỗ trợ xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2008-2009. Riêng năm 2008, đã xây dựng xong 856 nhà cho 856 hộ nghèo, hộ gia đình chính sách có khó khăn về nhà ở với số tiền hỗ trợ là 17 tỷ 102,6 triệu đồng… Ban hành và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách trên là thể hiện sự vận dụng sáng tạo tư tưởng “yêu nước, thương dân” và phong cách làm việc sâu sát, gần dân, vì dân của Bác Hồ, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân và phù hợp với tình hình của địa phương.

Chất lượng của tổ chức cơ sở đảng và đảng viên được nâng lên. Công tác cán bộ được quan tâm chỉ đạo chặt chẽ, nhất là công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ. Công tác kiểm tra, giám sát được tiến hành chặt chẽ, đúng quy trình, có hiệu quả. 2 năm (2007 – 2008), đã kết nạp 3676 đảng viên mới; năm 2008, số tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh đạt 78,6 %. Năm 2007, số đảng viên vi phạm bị kỷ luật là 182 (giảm 24,7 % so với năm 2006); năm 2008, số đảng viên vi phạm bị kỷ luật là 136 (giảm 32,8 % so với năm 2007). Công tác dân vận của các cấp ủy Đảng được tăng cường. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị- xã hội bám sát nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tập trung vào những việc cụ thể, hướng về cơ sở. Chính quyền các cấp có nhiều đổi mới trong hoạt động, công tác cải cách thủ tục hành chính được quan tâm chỉ đạo ở các cấp theo mô hình “một cửa”, “một cửa liên thông” đã giảm bớt phiền hà, sách nhiễu nhân dân, tạo môi trường thông thoáng và điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, phát triển. An ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tiếp tục được coi trọng; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện giải quyết khiếu nại, tố cáo; bộ máy làm công tác tiếp dân được kiện toàn. Năm 2008, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã giải quyết 494/ 530 đơn thuộc thuộc thẩm quyền, đạt 93,2%.

Thực hiện Pháp lệnh số 34/PL – UBTVQH11, ngày 20/4/2007 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XI về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; xuất phát từ tình hình thực tế đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Ninh Bình đã chỉ đạo mở rộng đối tượng lấy phiếu tín nhiệm từ chỗ chỉ có 4 chức danh chủ chốt (Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, UBND) mở rộng thêm 4 chức danh cán bộ công chức cấp xã là địa chính – xây dựng, tư pháp - hộ tịch, tài chính - kế toán, lao động – thương binh và xã hội; mở rộng thành phần tham gia lấy phiếu từ chỗ chỉ có các đại biểu tại hội nghị cán bộ cấp xã xuống đến đại diện các hộ ở tất cả các khu dân cư; đồng thời chỉ đạo sâu sát, chặt chẽ, đúng quy trình lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ, công chức cấp xã năm 2008. Kết quả đạt yêu cầu đề ra. Đa số cán bộ, công chức đều có số phiếu tín nhiệm đạt từ 87 – 95 %. Tuy nhiên một số ít cán bộ, công chức có số phiếu dưới 50 %. Qua việc lấy phiếu tín nhiệm đã giúp các cấp uỷ, chính quyền đánh giá đúng phẩm chất, năng lực của cán bộ, công chức; biểu dương cán bộ có thành tích, đồng thời cảnh báo, nhắc nhở và có biện pháp xử lý những cán bộ năng lực yếu, phẩm chất sa sút; góp phần quan trọng chấn chỉnh phong cách, lề lối làm việc của cán bộ, công chức, ổn định tình hình ở cơ sở; phát huy dân chủ của đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong việc xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh, xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân; được nhân dân phấn khởi, đồng tình ủng hộ.

Đa số cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức làm việc có trách nhiệm, hiệu quả hơn, thực hiện tốt hơn các quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, kể cả tiết kiệm trong việc chi tiêu ở gia đình, cơ quan; quan tâm, chăm lo tới đời sống của nhân dân. Các cơ quan trong toàn tỉnh đã thực hiện tốt hơn nền nếp quy chế làm việc, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức; quy chế dân chủ ở cơ sở; quy định về tiếp nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại của công dân; giải quyết công việc liên quan đến tổ chức, công dân và doanh nghiệp; quy định về chi tiêu nội bộ; thực hiện minh bạch, công khai trong mua sắm tài sản công, chi hành chính. Năm 2008, đã tiết kiệm ngân sách chi thường xuyên hơn 14 tỷ đồng.

Nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh có sự chuyển biến tích cực, coi trọng giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tích cực rèn luyện, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân được tăng cường, mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, lòng tin của nhân dân đối với Đảng được củng cố, phát triển. Các cấp uỷ đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể đã có sự đổi mới trong cả tư duy, quyết định về chủ trương, chính sách và phong cách lãnh đạo, tổ chức thực hiện theo hướng thiết thực, hiệu quả, sâu sát, hướng về cơ sở, thường xuyên chăm lo và tập trung giải quyết kịp thời, hiệu quả hơn tâm tư, nguyện vọng và lợi ích chính đáng của nhân dân, vì sự phát triển của cả tỉnh, cả nước.

Tỉnh uỷ Ninh Bình đã nghiêm túc kiểm điểm, đánh giá trong quá trình triển khai Cuộc vận động cũng còn những mặt tồn tại, hạn chế, đó là:

- Một số cấp uỷ xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai còn chậm; một số cơ quan, đơn vị mới chỉ dừng ở việc học tập, quán triệt; việc làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh chưa nhiều.

- Việc tổ chức quán triệt, học tập các chuyên đề ở một số nơi chưa đảm bảo yêu cầu; thời gian dành cho việc quán triệt, học tập các chuyên đề ít nên nội dung truyền đạt chưa kỹ và sâu; tài liệu phục vụ việc nghiên cứu học tập ở nhiều đơn vị cơ sở còn thiếu; một số báo cáo viên nghiên cứu ít, thiếu sáng tạo, chưa gắn nội dung các chuyên đề với tình hình, đặc điểm, nhiệm vụ của địa phương, đơn vị nên hiệu quả chưa cao.

- Công tác tuyên truyền về Cuộc vận động có lúc, có nơi chưa bám sát thực tiễn, nội dung tuyên truyền chưa sâu, còn đơn điệu, chưa tập trung phản ánh, biểu dương kịp thời những điển hình tiên tiến, đấu tranh thẳng thắn với các hiện tượng tiêu cực.

- Việc tổ chức cho quần chúng đóng góp ý kiến cho đảng viên, cán bộ, công chức ở một số đơn vị, cơ sở kết quả còn hạn chế, số người tham gia đóng góp ý kiến còn ít, chất lượng nhiều ý kiến chưa cao, chủ yếu nêu ưu điểm, chưa mạnh dạn đóng góp phần khuyết điểm. Ở một số đơn vị, việc viết thu hoạch cá nhân đề ra phương hướng rèn luyện năm 2008 còn sơ sài.

Để thực hiện Cuộc vận động có hiệu quả trong thời gian tới, tôi đề nghị Trung ương cần quan tâm chỉ đạo:

Một là, tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Cuộc vận động. Tập trung tuyên truyền biểu dương những điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt trong thực hiện Cuộc vận động; kết hợp chặt chẽ với các hoạt động văn hoá, nghệ thuật để đưa nội dung Cuộc vận động đi vào chiều sâu, nhất là trong giai đoạn chuyển trọng tâm của Cuộc vận động sang giai đoạn “làm theo” tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Trên cơ sở đó, củng cố, tăng cường, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động ở tất cả các ngành, các cấp, trước hết là cán bộ chủ chốt các cấp.

Hai là, Trung ương cần nghiên cứu cụ thể hoá các chuẩn mực đạo đức của Bác Hồ vào các quy chế, quy định, chế độ làm việc của Đảng trong tất cả các lĩnh vực chính trị tư tưởng, tổ chức cán bộ, kiểm tra giám sát, đồng thời chỉ đạo thể chế hoá bằng các quy định của Nhà nước để nâng cao hiệu quả thực hiện Cuộc vận động.

Ba là, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện cơ chế phát huy vai trò, vị trí và sự tham gia tích cực của MTTQ, các đoàn thể và nhân dân trong trong việc giám sát về đạo đức, lối sống đối với cán bộ, đảng viên, công chức ở cơ quan và nơi cư trú.

Bốn là, hằng năm, chỉ đạo tổ chức hội nghị biểu dương những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong thực hiện Cuộc vận động từ Trung ương tới cơ sở để biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt, tạo khí thế thi đua sôi nổi thực hiện Cuộc vận động; đồng thời tạo cơ sở để tuyên truyền, nghiên cứu học tập kinh nghiệm, cách làm sáng tạo của các ngành, các địa phương.

PV. (Theo BC của đc Đình Chung Phụng, Ủy viên Thường vụ , Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Ninh Bình)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất