Thứ Năm, 28/11/2024
Thể thao
Thứ Bảy, 11/8/2012 12:5'(GMT+7)

Học Nhật Bản không dễ

(Ảnh minh hoạ).

(Ảnh minh hoạ).

"Vì sự phát triển chung"? Chưa thể hiểu rõ phía bạn sẽ "được" gì cụ thể trong mối quan hệ "có đi có lại" này. Xem kỹ ra, trong nội dung hợp tác khai thác thương quyền tiếp sau phần J-League sẽ tìm đối tác tài trợ cho bóng đá Việt Nam thì có việc tìm nhà tài trợ Việt Nam cho J-League. Ngoài khoản ấy, có thêm nội dung đảm bảo hợp tác về các hoạt động trong lĩnh vực xã hội tại Việt Nam của các câu lạc bộ Nhật Bản. Nghĩa là, phía bạn giúp ta là chính, trên các mặt quan trọng nhất về thông tin, nâng cao trình độ tổ chức, quản lý, điều hành giải bóng đá chuyên nghiệp, giúp xây dựng các chương trình huấn luyện cho HLV, trọng tài, VĐV, chăm sóc y tế, học thuật, tiếp thị tài trợ… 

Có vẻ như làm họ với người sang, phía ta được nhiều quá, cứ na ná chuyện viện trợ phát triển ODA vậy. Trước cơ hội hợp tác thuận lợi, đầy hứa hẹn chưa từng có như vậy, có niềm vui và hy vọng nào hơn thế đối với người làm bóng đá và người yêu bóng đá Việt Nam. Song để tận dụng cơ hội quý giá này, thật không dễ dàng. Phải hiểu đúng là chúng ta bắt tay vào một quá trình cải tổ, đổi mới toàn diện nền bóng đá nước nhà.

So sánh ra, giữa cách làm bóng đá Nhật Bản và cách làm của ta lâu nay là khác nhau quá xa. Hơn 20 năm trước, để chuẩn bị cho J-League ra đời, người Nhật đã đi hầu như khắp thế giới tìm hiểu kỹ, học hỏi chi li mọi khâu, mọi việc của các nền bóng đá phát triển. Họ chụp, quay, vẽ, ghi hình, đo đếm, ghi chép từng sân vận động, khu tập luyện, nhà nghỉ, trạm y tế, quầy bán vé…, sao chép từng bản điều lệ giải đến các quy định, nội quy của mỗi câu lạc bộ, lắng nghe từng ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia, huấn luyện viên, cầu thủ… Trong khi đó, sau bạn gần 10 năm, chúng ta mở giải chuyên nghiệp mà không có sự chuẩn bị bài bản nên có sao làm vậy, mạnh ai nấy làm. Kết quả là sau hơn 10 năm V.League ra đời, chất nghiệp dư vẫn nặng nề ở mọi khâu, chuyên nghiệp dường như chỉ là danh xưng. Một giải bóng đá, một nền bóng đá đậm tính làm xổi, ăn xổi ở thì với các câu lạc bộ tổ chức giản đơn, lỏng lẻo, lối chơi thiếu bản sắc, thành tích trồi sụt, đặc biệt không có các trường lớp cơ bản để đào tạo các tuyến trẻ một cách bài bản, hiện đại. Sau hơn 10 năm, lỗi hệ thống, các căn bệnh mì ăn liền, xây nhà từ nóc vẫn tồn tại.


Học bóng đá Nhật Bản là học cách làm bóng đá từ gốc, là học từ cách học để xây móng đắp nền vững chắc, học đâu được đấy, làm đâu chắc đấy. Người Nhật đã hoài thai, nuôi dưỡng đứa con J-League của họ một cách khoa học, kỹ lưỡng nên J-League lớn lên ngày càng khỏe mạnh, phát triển cân đối, không tật bệnh đáng nể. Riêng chuyện chưa hề có vụ việc bán độ J-League đã là một niềm tự hào cực hiếm trong thế giới bóng đá.

Học bóng đá Nhật Bản là việc lớn và khó khi chúng ta vẫn đang ở trình độ nghiệp dư, khi môi trường kinh tế-xã hội khác biệt nhưng những người sáng lập VPF cùng liên đoàn bóng đá Việt Nam đã học cách làm của Nhật Bản để cho ra đời VPF. Việc ký thỏa thuận hợp tác với J-League là thêm một bước tiến dài thể hiện khát vọng cầu thị của VPF đưa bóng đá nước nhà tiến về phía trước. Thực sự cầu thị với tinh thần trách nhiệm cao, học đến nơi đến chốn, tự tin ở mình, VPF cùng những người làm bóng đá quan tâm đến bóng đá chắc chắn sẽ từng bước vượt khó thành công./.

(Mạnh Hùng/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất