Thực tế cho thấy, để Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, một trong những nội dung quan trọng của công tác xây dựng Đảng là phải thực hành tiết kiệm, và đi liền cùng đó là cuộc đấu tranh chống những nguy cơ dẫn đến sự suy yếu của Đảng, đó là tham ô, tham nhũng và bệnh quan liêu.
Tham ô, tham nhũng và bệnh quan liêu vốn là những căn bệnh của quyền lực. Nhận thức sâu sắc rằng “giành chính quyền đã khó, nhưng giữ chính quyền còn khó hơn nhiều”, ngay từ những ngày đầu cách mạng mới thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quan tâm đến những tệ nạn này. Dù mới giữ cương vị Chủ tịch nước một thời gian ngắn, song trước những tồn tại, những khuyết điểm của đội ngũ cán bộ đảng viên trong các cơ quan công quyền, trước ra những thói hư, tật xấu, nạn tham ô, sự lãng phí của công, bệnh quan liêu, cửa quyền, lên mặt của những “ông quan cách mạng”, Người đã nhận trách nhiệm trước quốc dân: "Chính phủ do tôi đứng đầu chưa làm được việc gì đáng kể cho nhân dân. Có thể nói rằng: những khuyết điểm đó là vì thời gian còn ngắn ngủi, vì nước ta còn mới, hoặc vì lẽ này, lẽ khác...Nhưng không, tôi phải nói thật: những sự thành công là nhờ đồng bào cố gắng. Những khuyết điểm là lỗi tại tôi. Người đời không phải thánh thần, không ai tránh khỏi khuyết điểm. Chúng ta không sợ có khuyết điểm, nhưng chỉ sợ không biết kiên quyết sửa nó đi"[1].
Cuộc kháng chiến chống Pháp diễn ra ngày càng quyết liệt, đòi hỏi sự tập trung trí lực, sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc, đặc biệt là sự nêu gương của đội ngũ cán bộ đảng viên. Bởi vậy, năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Cần kiệm liêm chính và Người là một mẫu mực tuyệt vời của cần, kiệm, liêm, chính. Trong tác phẩm này, Người viết, Cần là siêng năng, chăm chỉ, v.v. vì dao siêng mài thì sắc bén, ruộng siêng làm cỏ thì lúa tốt[2] và người siêng học tập thì mau tiến bộ... Cả nhà siêng năng thì chắc ấm no. Cả làng siêng năng thì làng phồn thịnh. Cả nước siêng năng thì nước sẽ giàu mạnh. Tuy nhiên, Người cũng chỉ rõ: Cần thôi thì chưa đủ, phải có kế hoạch cho mọi công việc, để đỡ hao tổn thời giờ mà lại có kết quả cao hơn
Theo Người, Kiệm là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi. Cần với kiệm phải đi đôi với nhau như hai chân của con người. Cần mà không kiệm, làm chừng nào, xào chừng nấy như cái thùng không đáy. Kiệm mà không cần thì không tăng thêm, không phát triển được. Thời giờ cũng phải được tiết kiệm như của cải. Biết tiết kiệm thời giờ của mình, lại phải tiết kiệm thời giờ của người khác. Tiết kiệm không phải là bủn xỉn và khi không nên tiêu xài thì một hạt gạo, một đồng xu cũng không nên tiêu. Khi có việc đáng làm, việc ích lợi cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì dù hao bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của, cũng vui lòng[3].
Kết quả chữ cần kiệm to lớn như vậy, cho nên Người mong mỗi người đều thi đua cần kiệm. Với bản thân mình, Người không chỉ thực hành cần kiệm, mà còn luôn thực hiện nguyên tắc tiết kiệm tiền bạc, thì giờ và tài sản của nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm Liêm là trong sạch, không tham lam. Liêm có nghĩa rộng hơn là trung với Tổ quốc, hiếu với nhân dân. Chữ liêm phải đi đôi với chữ kiệm. Có kiệm mới liêm được, vì xa xỉ mà sinh tham lam. Tham tiền, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, mặc đẹp, thiếu lương tâm, đục khoét, ăn của đút, di công-dinh tư đều là bất liêm. Vì vậy cán bộ phải thực hành chữ liêm trước để làm kiểu mẫu cho dân. Người cũng nói: Quan tham vì dân dại. Nếu dân hiểu biết không chịu đút lót thì quan dù không liêm cũng phải hoá ra liêm[4], v.v.. Vì vậy, mỗi cán bộ đảng viên không chỉ phải hiểu rõ trách nhiệm mà còn cần phải biết quyền hạn của mình.Theo Người, pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì. Cán bộ thi đua thực hành liêm khiết, thi đua cần kiệm để xây dựng nước nhà thì sẽ gây nên tinh thần liêm khiết trong nhân dân và “một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm, là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh, tiến bộ”[5].
Theo Hồ Chí Minh Chính là không tà, thẳng thắn, đứng đắn. Cần-kiệm-liêm là gốc rễ của chính. Nhưng một cây có gốc rễ, lại cần có nhành, lá, hoa, quả mới là cây hoàn toàn. Một người phải cần-kiệm-liêm nhưng còn phải chính mới hoàn toàn[6]. Trong xã hội, tuy có trăm công nghìn việc, song những công việc ấy có thể chia làm hai thứ: việc chính và việc tà. Bất kỳ ở tầng lớp nào, giữ địa vị nào, làm nghề nghiệp gì, sự hoạt động của một người trong xã đều phải xác định cái đúng, cái tốt trong bản thân mình đối với mọi người và đối với công việc. Bản thân luôn tự kiểm điểm, tự phê bình sửa chữa khuyết điểm và hoan nghênh người khác phê bình mình. Trong công việc phải để việc công lên trên việc tư, việc nhà, đặc biệt việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng làm và việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh.
Nêu rõ khái niệm, nội dung, ý nghĩa của cần, kiệm, liêm, chính, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi đó là tiêu chuẩn của người cách mạng, của việc rèn luyện đạo đức cách mạng. Theo Người, dù ở dưới hình thức nào, song nếu mỗi cán bộ đảng viên của Đảng không thực hành cần, kiệm, liêm, chính, sẽ không thể chống được tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu. Và không làm được điều đó, thì nhất định nguồn sức mạnh của sự đoàn kết thống nhất trong Đảng cũng bị rạn nứt, niềm tin của quần chúng nhân dân vào Đảng cũng bị xói mòn.
Đặc biệt quan tâm đến vấn đề đạo đức cách mạng, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hành tiết kiệm để từng bước đẩy lùi tham ô, tham nhũng và bệnh quan liêu, đẩy lùi kẻ địch ở trong lòng “đáng sợ hơn giặc ngoại xâm và khó nhìn thấy hình dạng cụ thể”. Năm 1952, khi cả nước đang sôi nổi thực hiện phong trào Thi đua yêu nước, thực hiện tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm và coi đó là trung tâm của phong trào Thi đua ái quốc, Người đã nói về vấn đề Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu. Trong tác phẩm này, Người nhắc lại quan niệm về tiết kiệm, ý nghĩa của tiết kiệm và kêu gọi mọi người cùng tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, để đưa sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc mau chóng đến thành công.
Tiếp đó, Người khẳng định: Tham ô, lãng phí, bệnh quan liêu nguy hiểm, vì tham ô là “ăn cắp của công làm của tư”, “đục khoét của nhân dân”, “ăn bớt của bộ đội”[7], vì “lãng phí sức lao động”, “lãng phí thời giờ”, “lãng phí tiền của” “tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tại hại cho nhân dân, cho Chính phủ[8]. Coi “tham ô là trộm cướp”, chỉ rõ mối quan hệ “có nạn tham ô và lãng phí là vì bệnh quan liêu”[9], Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: những người và những cơ quan mắc bệnh quan liêu thành thử có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không nghe thấu, v.v..nên “ấp ủ, dung túng, che chở cho nạn tham ô, lãng phí”.
Tất cả những tệ nạn đó đều “xâm phạm đến lợi ích của nhân dân”, nên “là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ”[10]. Cũng theo Người, tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu, “dù cố ý hay không, cũng là đồng minh của thực dân và phong kiến, “làm hỏng tinh thần trong sạch”, “phá hoại đạo đức cách mạng của ta là cần, kiệm, liêm, chính”, v.v..
Không chỉ nêu rõ tác hại do tham ô, tham nhũng và bệnh quan liêu gây ra, làm thiệt hại đến kinh tế, ảnh hưởng đến chính trị và làm xói mòn lòng tin của quần chúng nhân dân với Đảng, Nhà nước, Người còn cảnh báo, những biểu hiện xấu của những căn bệnh dịch dễ lây lan “không mang gươm mang súng, mà nó nằm trong tổ chức của ta, để làm hỏng công việc của ta”, đồng thời chỉ ra những biện pháp để chống lại chúng.
Theo Người, chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu cũng quan trọng và cần kíp như việc đánh giặc trên mặt trận, vì đây là “mặt trận tư tưởng và chính trị”. Bởi vậy, cũng như những mặt trận khác, để chiến thắng “ắt phải chuẩn bị, kế hoạch, tổ chức, ắt phải có lãnh đạo và trung kiên”. Người cũng nhấn mạnh việc phải đánh thông tư tưởng, phải làm cho mọi người hiểu được tác hại của tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu, tránh ý nghĩ sai lầm, coi nhẹ tác dụng xấu của tham ô, lãng phí; nghiên cứu những tài liệu về tiết kiệm, về tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu,v,v.. đồng thời các bước tiến hành, việc sửa chữa những căn bệnh đó với tinh thần “giáo dục là chính, trừng phạt là phụ” sẽ có kết quả cụ thể bằng khen thưởng và kỷ luật rõ ràng. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: để phong trào có chất lượng và hiệu quả, nguyên tắc tiến hành là phải làm một cách có trọng tâm, từng bước, phải nắm vững và vào sâu, phải làm từ cấp trên xuống cấp dưới, từ bộ phận chính đến bộ phận phụ.
Người cũng nhấn mạnh rằng, tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, kẻ thù của việc xây dựng một xã hội cần kiệm liêm chính nên chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là cách mạng, là dân chủ và muốn chiến thắng kẻ thù “ắt phải dựa vào lực lượng quần chúng”, “phải phát động quần chúng, phải thực hành dân chủ, phải làm cho quần chúng hiểu rõ, làm cho quần chúng hăng hái tham gia thì mới chắc chắn thành công”[11]. Đồng thời, Người cũng nhấn mạnh, để chống lại thứ “giặc ở trong lòng” lúc nào cũng kề cận trong ta, chống lại những tội lỗi nặng như tội Việt gian, mật thám đang “phá hoại tinh thần, phí phạm sức lực, tiêu hao của cải của Chính phủ và nhân dân thì nhất định “từ trên đến dưới phải đồng tâm hiệp lực”.
Tựu chung lại, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: muốn xây dựng một xã hội mới, muốn chống lại những nọc độc xấu của chế độ cũ ngấm ngầm ngăn trở, phá hoại sự nghiệp xây dựng của cách mạng, muốn giáo dục lại những cán bộ đảng viên vì “kiêu ngạo, xa xỉ, phạm vào tham ô, lãng phí, quan liêu, không tự giác, mà biến thành người có tội với cách mạng”, để cứu vãn họ, giúp họ khôi phục lại đạo đức cách mạng thì nhất định phải thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu. Đó là điều kiện tiên quyết!
Với ý nghĩa to lớn đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rằng: thắng lợi của phong trào thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu sẽ giúp cho mọi người đoàn kết hơn, nâng cao năng suất lao động, giúp cho “cán bộ ta cải tạo tư tưởng, nâng cao giác ngộ, thấm nhuần đạo đức cách mạng, giúp chính quyền ta” thành một chính quyền trong sạch, xứng đáng với lòng tin tưởng và sự hy sinh của chiến sĩ và đồng bào ta”. Và cũng trên tinh thần đó, thắng lợi của phong trào này sẽ thiết thực góp phần đầy đủ để quân dân ta “tiến sang tổng phản công”.
Trong những năm kháng chiến và kiến quốc, yêu cầu phải Cần kiệm liêm chính và thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu trong đội ngũ cán bộ đảng viên, trong toàn dân là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, đáp ứng yêu cầu bức thiết của sự nghiệp cách mạng. Cũng trên tinh thần đó, trong những năm cả nước đồng thời thực hiện hai chiến lược cách mạng: xây dựng CNXH ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Cần kiệm liêm chính và thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu cũng luôn được Hồ Chí Minh nhấn mạnh tại mỗi hội nghị, mỗi đại hội, mỗi kỳ họp Quốc hội. Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa II (11-20/4/1961), Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Hội họp quá nhiều”, “cần tìm biện pháp để sửa chữa tình trạng này”, “chuẩn bị chu đáo để phát biểu được đúng thời gian quy định và được nhiều, nhanh, tốt, rẻ”[12], tránh gây lãng phí thời giờ và tiền bạc của nhân dân.
Hiện nay, bên cạnh những thuận lợi, một đất nước Việt Nam hòa bình, thống nhất đang tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập cùng bạn bè quốc tế cũng gặp không ít những khó khăn, thử thách. Trước những nguy cơ của lạm phát, của sự suy thoái nghiêm trọng về lối sống, về đạo đức cách mạng, về tệ nạn quan liêu, tham nhũng, chạy chức chạy quyền, ham hư danh, v.v.. đe dọa sự tồn vong của một Đảng cầm quyền, những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tấm gương thực hành Cần kiêm liêm chính, chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu của Người càng trở nên có ý nghĩa vô cùng to lớn. Thiết thực góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thiết thực triển khai giai đoạn II của Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, chúng ta cùng ôn lại, suy ngẫm, thấm nhuần những tâm nguyện và chỉ dẫn của Người lúc sinh thời, để nhân nguồn sức mạnh nội lực của toàn Đảng, toàn dân, góp phần to lớn vào thắng lợi của sự nghiệp xây dựng một đất nước Việt Nam XHCN dân chủ, giàu mạnh./.
Ths. Văn Thị Thanh Mai
Bảo tàng Hồ Chí Minh
Chú thích:
1 Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.4, tr.166
2 Hồ Chí Minh, Sđd, t.5, tr.632
3 Hồ Chí Minh, Sđd, t.5, tr.636
4 Hồ Chí Minh, Sđd, t.5, tr.640
5 Hồ Chí Minh, Sđd, t.5, tr.642
6 Hồ Chí Minh, Sđd, t.5, tr.643
7 Hồ Chí Minh, Sđd, t.6, tr.488
8 Hồ Chí Minh, Sđd, t.6, tr.488-489
9 Hồ Chí Minh, Sđd, t.6, tr.489
10 Hồ Chí Minh, Sđd, t.6, tr.490
11Hồ Chí Minh, Sđd, t.6, tr.494
12 Văn kiện kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa II, 1961, tr.441