Thứ Sáu, 29/11/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Bảy, 26/7/2008 7:41'(GMT+7)

Lạng Sơn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”

Hội thi kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tỉnh Lạng Sơn

Hội thi kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tỉnh Lạng Sơn

Sau khi tiến hành bước 2 của cuộc vận động, có thể thấy quần chúng đã phát huy tinh thần dân chủ, khách quan gắn với ý thức trách nhiệm của mình trong việc tham gia đóng góp ý kiến xây dựng cho tổ chức đảng và đảng viên. Đa số ý kiến nhận xét về cán bộ, đảng viên, công chức gương mẫu trong rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức lối sống, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Có ý kiến đề nghị các tổ chức đảng khi ra nghị quyết cần chú trọng bám sát tình hình thực thế ở cơ sở; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc tổ chức thực hiện; cần sâu sát hơn nữa với cơ sở, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình. Bên cạnh đó cũng chỉ ra một số cá nhân chưa thực sự gương mẫu, hoàn thành công việc chưa cao, chưa quan tâm sâu sát đến quyền lợi, tâm tư nguyện vọng chính đáng của quần chúng nhân dân. Trên thực tế, không có việc lợi dụng góp ý để tố cáo, vu khống.

Hội thi “Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã được các đơn vị chuẩn bị chu đáo, nghiêm túc; phong phú, đa dạng, sinh động về nội dung; đúng thời gian; không sa vào hình thức. Do rút kinh nghiệm kịp thời từ hội thi điểm nên các thí sinh thể hiện mang đậm tính “kể chuyện” tự nhiên, chân thực, dễ hiểu. Nhiều thí sinh kể chuyện sáng tạo, phù hợp với nội dung câu chuyện, làm rõ tư tưởng và tấm gương đạo đức sáng ngời, phong thái giản dị mà vĩ đại của Người; liên hệ rất cụ thể, lôi cuốn và lay động người nghe. Các cấp trong tỉnh đã tổ chức trên 50 hội thi với hơn 1.000 lượt thí sinh kể các câu chuyện về Bác đã đem đến cho công chúng nhiều bài học ý nghĩa về nhân cách, đạo đức Hồ Chí Minh. Các thí sinh tham dự vòng chung khảo cấp tỉnh sẽ là hạt nhân tiếp tục tham gia tuyên truyền ở các địa phương; góp phần tích cực làm cho tư tưởng, tấm gương đạo đức của Người lan toả và thẩm thấu sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc.

Qua thực tiễn thực hiện Cuộc vận động đã khẳng định: Nhận thức của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân trong tỉnh về ý thức, đạo đức cách mạng được nâng cao; mỗi người đều tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng theo tư tưởng và tấm gương đạo đức của Bác Hồ; xác định chuẩn mực và phương pháp rèn luyện đạo đức; trên cơ sở đó mỗi cá nhân tự xác định nội dung rèn luyện, phấn đấu tu dưỡng, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người. Đa số cán bộ, đảng viên, công chức nhận thức đúng về vị trí, vai trò quan trọng của đạo đức trong công tác học tập, lao động, sản xuất; trong gia đình và đời sống xã hội; có ý thức rèn luyện đạo đức của bản thân theo các chuẩn mực đạo đức cách mạng, tinh thần trách nhiệm đối với nhiệm vụ được giao. Cuộc vận động đã đáp ứng tình cảm, lòng mong đợi của đông đảo cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang, nhân dân các dân tộc trong tỉnh; thực sự trở thành đợt sinh hoạt chính trị-xã hội sâu rộng có sức lan toả, đã và đang đi vào cuộc sống; có tác dụng tuyên truyền, giáo dục mỗi người phát huy tinh thần yêu nước, phấn đấu thi đua hoàn thành nhiệm vụ trên mọi lĩnh vực học tập, lao động, phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh. Thực tiễn trong cuộc sống đã xuất hiện nhiều tấm gương có ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, có ý thức trách nhiệm trong công việc;… Tuy nhiên, một số cấp uỷ còn chưa thường xuyên kiểm tra, giám sát các tổ chức cơ sở đảng. Ở một số cơ sở, hoạt động của Ban Chỉ đạo chưa hiệu quả. Một số nơi, hình thức tuyên truyền cuộc vận động còn đơn điệu, chưa linh hoạt; chất lượng học tập chưa cao…

Để thực hiện tốt Cuộc vận động đến năm 2011, tỉnh Lạng Sơn đã đề ra kế hoạch, chương trình với trọng tâm:
 - Đẩy mạnh Cuộc vận động theo chiều sâu. Học tập chuyên đề “Tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu”, tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”; thực hiện các tiêu chí đạo đức, đặc biệt là thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.
- Cụ thể hoá việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức trong sáng, mẫu mực của Bác: trọn đời phấn đấu, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giai cấp, con người; ý chí và nghị lực tinh thần to lớn, vượt qua mọi thử thách, khó khăn; tin tưởng tuyệt đối vào sức mạnh của nhân dân; một con người nhân ái, vị tha, khoan dung, nhân hậu hết mực; tấm gương cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, đời riêng trong sáng, nếp sống giản dị và đức khiêm tốn phi thường.
- Cụ thể hoá tiêu chí đạo đức cách mạng để các cấp ủy, chính quyền, các ngành, cơ quan, đoàn thể thảo luận và đề ra tiêu chuẩn đạo đức cụ thể, phù hợp với thực tiễn, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ làm theo lời dạy và phong cách của Người để tổ chức, quần chúng dễ kiểm tra, đánh giá. Hằng năm, trong sinh hoạt chi bộ, cơ quan, đơn vị nhận xét về tình hình thực hiện đạo đức, lối sống của tổ chức và đảng viên, góp ý về thực hiện tiêu chí đạo đức; tổng kết cuối năm có kiểm điểm so sánh với năm trước xem việc thực hiện các tiêu chuẩn đạo đức đã đề ra như thế nào; đẩy mạnh tự phê bình và phê bình.
 - Các báo, đài, bản tin xây dựng chuyên trang, chuyên mục, tiến hành tuyên truyền thường xuyên về Cuộc vận động, những gương điển hình học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Học tập và thực hiện các chuyên đề “Hồ Chí Minh với vấn đề nâng cao ý thức trách nhiệm, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, là đạo đức, là văn minh”. Đồng thời gắn liền với thảo luận, viết thu hoạch, tự liên hệ và hoàn thiện tiêu chuẩn về đạo đức, lối sống,…

Nguyễn Đức Luận (Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất