Phương pháp dân vận Hồ Chí Minh có ý nghĩa quyết định để củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân các dân tộc đối với Đảng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam và mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân ta, góp phần chăm lo ngày càng đầy đủ đời sống, quyền lợi và hạnh phúc của nhân dân.
Dân
vận vừa là mục tiêu của cách mạng, vừa là phương pháp vận động cách
mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thực chất của công tác dân vận là xây
dựng mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với Nhân dân. Dân là nguồn
gốc của sức mạnh, là lực lượng vô địch của Đảng, giúp Đảng vượt qua mọi
khó khăn, chiến thắng mọi kẻ thù và hoàn thành sự nghiệp cách mạng, xây
dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Điều này đã được chứng
minh bằng thực tiễn lãnh đạo cách mạng của Đảng ta trong suốt gần chín
mươi năm qua.
Ngày
15/10/1949, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai
đoạn gay go, quyết liệt nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo “Dân
vận” đăng trên Báo Sự thật, số 120 - Tác phẩm được coi là
“Cương lĩnh” về công tác dân vận của Đảng, nêu lên nhiệm vụ cực kỳ trọng
yếu của cả hệ thống chính trị là công tác dân vận và chỉ rõ, mọi thắng
lợi của cách mạng Việt Nam đều do dân vận khéo mà có:“Dân vận là vận
động tất cả lực lượng của mỗi một người dân, không để sót người dân nào,
góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm,
những công việc Chính phủ và đoàn thể giao cho”.
Khắc
sâu lời dạy của Bác Hồ, quá trình lãnh đạo cách mạng, Ðảng ta đã lấy
lợi ích của nhân dân, của dân tộc làm mục đích phấn đấu. Với tư cách là
tổ chức chính trị, Ðảng ta đã vươn lên, xây dựng và rèn luyện đội ngũ,
tổ chức và hoạt động thật sự tiêu biểu cho ý chí và nguyện vọng của toàn
dân, tổ chức và lãnh đạo nhân dân, được nhân dân tin cậy, nuôi dưỡng,
chở che, cùng toàn dân vượt qua mọi khó khăn thử thách, chiến thắng mọi
kẻ thù xâm lược, giành chính quyền về tay nhân dân, xây dựng đất nước
ngày một phồn vinh, tất cả đều vì hạnh phúc của nhân dân. Ðúng như Chủ
tịch Hồ Chí Minh tổng kết trong tác phẩm Dân vận: những thành công của
cách mạng là do dân vận khéo mà đạt được. Ðảng ta đã biết vận động tất
cả lực lượng của mỗi người dân, không để sót một người dân nào, gộp
thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, tạo nên
sức mạnh đoàn kết của toàn dân. Và, tại Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ
III, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định: Thành công của Ðảng ta là ở nơi Ðảng đã tổ chức và phát huy lực lượng cách mạng vô tận của nhân dân.
Không
những chỉ ra nội dung, nhiệm vụ mà Người còn chỉ rõ biện pháp thực hiện
công tác dân vận. Đảng Cộng sản Việt Nam có vai trò lãnh đạo, xây dựng
Nhà nước thực sự là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Theo Người, nhà nước của nhân dân là nhà nước trong đó nhân dân làm chủ,
nhân dân có địa vị cao nhất và có quyền quyết định những vấn đề quan
trọng nhất của đất nước; nhà nước do nhân dân là nhà nước do nhân dân tự
tổ chức ra, từ nhân dân mà ra và dựa vào nhân dân mà hoạt động; nhà
nước vì nhân dân là nhà nước phục vụ nhân dân và đem lại lợi ích cho
nhân dân, hết sức làm những gì có lợi cho nhân dân và hết sức tránh
những gì có hại cho nhân dân. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu sự
lãnh đạo phải dân chủ, thiết thực, cụ thể và toàn diện theo đúng đường
lối quần chúng của Đảng, dân chủ với nhân dân và vì nhân dân, để sự
nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng mãi trường tồn. Theo
Người, để “vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không
để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành
những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao
cho”, Đảng phải lãnh đạo thực hiện tốt những cách thức công tác dân
vận: Phải có chỉ thị, mít-tinh, báo chương, sách vở, khẩu hiệu, truyền
đơn. Phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ rằng:
Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho
kỳ được. Bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh
nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh
địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân thi hành. Trong lúc thi
hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân. Khi thi hành
xong phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê
bình, khen thưởng. Chỉ có như vậy, sự gắn bó mật thiết giữa Đảng với
nhân dân mới tạo nên sức mạnh của Đảng, vì nhân dân là gốc, nhân dân là
chủ và nhân dân làm chủ. Với quan điểm nhất thiết Đảng phải gắn bó mật
thiết với nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi đây không chỉ là tiêu chuẩn
của một đảng cách mạng chân chính, mà còn là một trong những quy luật
tồn tại và phát triển của Đảng ta. Đảng phải lãnh đạo nhân dân thực
hiện đường lối cách mạng do Đảng đề ra; lãnh đạo xây dựng Cương lĩnh
chính trị, Hiến pháp, pháp luật, cơ chế phát huy vai trò làm chủ của
nhân dân theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát”;
lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và hội quần
chúng theo yêu cầu khoa học hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa, đa dạng hóa
các hình thức tổ chức, tập hợp và vận động nhân dân; lãnh đạo nhân dân
làm tốt nhiệm vụ giám sát, phản biện và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng
chính quyền, nhất là xây dựng các chủ trương của Đảng và chính sách,
pháp luật của Nhà nước; tham gia phòng, chống quan liêu và tham nhũng,
chủ nghĩa cá nhân và hành vi lạm quyền của cán bộ, để giữ vững bản chất
cách mạng của Đảng ta.
Phương
pháp dân vận Hồ Chí Minh có ý nghĩa quyết định để củng cố vững chắc
niềm tin của nhân dân các dân tộc đối với Đảng, tăng cường khối đại đoàn
kết toàn dân tộc Việt Nam và mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân
dân ta, góp phần chăm lo ngày càng đầy đủ đời sống, quyền lợi và
hạnh phúc của nhân dân. Tư tưởng Hồ Chí Minh đã được chuyển hóa thành
đường lối cách mạng của Đảng ta, theo đó, tôn trọng và phát huy quyền
làm chủ của nhân dân luôn là một chủ trương chiến lược và một vấn đề cơ
bản của cách mạng Việt Nam. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta
luôn luôn kết hợp chặt chẽ sự lãnh đạo của Đảng với phát huy nghị lực
sáng tạo của nhân dân; điều tạo nên sức mạnh của Đảng là mối quan hệ
mật thiết giữa Đảng với nhân dân và có những cơ chế tổ chức thích hợp
để nhân dân các dân tộc sáng tạo ra lịch sử của mình một cách tự giác
theo đường lối của Đảng. Hiện nay, các cấp ủy, tổ chức đảng đã tổ
chức để nhân dân xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, góp ý
kiến vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Cương lĩnh chính trị của
Đảng, Hiến pháp, các văn kiện đại hội đảng các cấp và dự án luật. Thực
hiện quyền làm chủ của nhân dân thực chất là tôn trọng con người, phát
huy sự sáng tạo và mọi lực lượng của nhân dân trong công cuộc đổi mới
đất nước, bảo đảm sự tham gia rộng rãi và thường xuyên của nhân dân vào
các công việc quản lý nhà nước, quản lý xã hội.
Học
tập và làm theo những điều Bác Hồ dạy trong suốt quá trình cách mạng,
Đảng ta đã làm tốt công tác dân vận, đưa đất nước ta vượt qua mọi khó
khăn, thử thách giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đại hội XII
của Đảng đã đề ra 10 nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng Đảng, trong đó có
nhiệm vụ tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tăng
cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ mật thiết giữa Đảng
với nhân dân. Trước yêu cầu ngày càng cao của công tác dân vận trong bối
cảnh hiện nay, đòi hỏi mỗi cán bộ trong hệ thống chính trị nói chung,
mỗi cán bộ dân vận nói riêng, phải nắm vững và vận dụng nhuần nhuyễn
phương pháp dân vận Hồ Chí Minh; để nâng cao năng lực công tác, đề xuất
những chủ trương, giải pháp và chỉ đạo tổ chức thực hiện, giải quyết
có hiệu quả nhất những nhiệm vụ đặt ra.
Ngày
27/5/2016, tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động thực
hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các chỉ thị, kết
luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác dân vận, đồng chí
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Xóa bỏ nhận thức sai lầm cho rằng
công tác vận động nhân dân chỉ là biện pháp tổ chức, động viên nhân dân
thực hiện chính sách của Đảng. Đối với những chủ trương có quan hệ trực
tiếp tới đời sống nhân dân, cấp ủy cần lắng nghe ý kiến nhân dân trước
khi quyết định. “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát”
phải trở thành khẩu hiệu hành động, thành phương châm công tác vận động
nhân dân. Phải thực hiện đúng nguyên tắc: Chính sách của Đảng phải xuất
phát từ lợi ích, nguyện vọng và trình độ của nhân dân. Ngay cả trường
hợp chính sách đúng rồi mà dân chưa hiểu, chưa đồng tình thì phải ra sức
tuyên truyền, giải thích cho dân, biết chờ đợi dân; kịp thời điều chỉnh
chính sách cho phù hợp với thực tế cuộc sống. Mặt khác, các cấp ủy, các
cơ quan chính quyền có biện pháp tích cực giáo dục cán bộ, đảng viên,
công chức, viên chức nêu cao tinh thần phục vụ nhân dân, có ý thức và
thái độ đúng đắn với nhân dân, yêu thương, gần gũi, tôn trọng, lắng nghe
nhân dân; có chương trình, kế hoạch tiếp dân, giải quyết tốt các đơn,
thư khiếu tố, các yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của dân; trừng trị
nghiêm minh, thích đáng những hiện tượng trù dập, ức hiếp quần chúng”(1).
Tiếp
tục đưa Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng vào thực tiễn cuộc
sống, đồng thời, thực hiện tốt phương pháp dân vận theo tư tưởng Hồ
Chí Minh, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Một là,
phổ biến đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước một
cách rộng rãi trong Đảng và nhân dân, nâng cao nhận thức của toàn thể
cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước, nghe dân nói và nói cho dân
hiểu, gương mẫu và làm cho dân tin, tạo được sự đồng tình và ủng hộ của
đa số nhân dân các dân tộc, tập hợp và phát huy được sức mạnh đại đoàn
kết toàn dân tộc.
Hai là,
công tác dân vận của Đảng và những người làm công tác dân vận
phải luôn kết hợp chặt chẽ ba biện pháp giáo dục thuyết phục, nâng cao
đời sống kinh tế nhân dân và thực hiện hành chính công khai, minh
bạch trong công tác vận động nhân dân.
Ba là,
tôn trọng tín ngưỡng, phong tục, tập quán của mỗi dân tộc, nắm rõ đặc
điểm tình hình chung và những khác biệt cụ thể của từng vùng, từng dân
tộc về mọi mặt để định ra những chủ trương, kế hoạch thích hợp mà thực
hiện; báo cáo, xin chỉ thị cấp trên đối với các vấn đề quan trọng, chống
thái độ và cách làm giản đơn hoặc rập khuôn máy móc.
Bốn là,
công tác tuyên truyền, thuyết phục phải có tình, có lý, đúng luật
pháp, thực hiện tự phê bình, có thái độ cầu thị và đối thoại trong
tiếp xúc với cán bộ và đồng bào các dân tộc; phòng và chống tư tưởng
“dân tộc lớn”; phòng và chống tư tưởng “dân tộc hẹp hòi”, khắc phục sự
tự ti và mặc cảm dân tộc. Cần có sự lãnh đạo tập trung, thống nhất,
đồng bộ, kiên trì, kiên quyết, triệt để trong vận động đồng bào các dân
tộc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước để gây dựng sự
tin tưởng cho đồng bào./.
____________________________
(1) Tạp chí Cộng sản Chuyên đề cơ sở, số 114 (6-2017), tr. 7-8.
Phạm Thị Nhung
Trường Sỹ quan Lục quân 1
(Nguồn: TC Xây dựng Đảng)