Thứ Tư, 25/9/2024
Giáo dục
Thứ Hai, 22/9/2014 14:30'(GMT+7)

Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

Ngày 22-9, tại Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ 5 năm (2009-2014). Đồng chí Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện chủ trì Hội nghị.

Giai đoạn 2009-2014 với quy mô đào tạo,  bồi dưỡng cán bộ lớn nhất từ trước đến nay

Trong lịch sử 65 năm hình thành và phát triển của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ luôn là một nhiệm vụ trọng tâm, then chốt, xuyên suốt các hoạt động chính trị của Học viện.

Phát biểu khai mạc Hội  nghị, đồng chí Tạ Ngọc Tấn nhấn mạnh, thời gian qua, những thành tựu trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Học viện là rất đáng ghi nhận. Nhưng bên cạnh đó, trong bối cảnh vận động nhanh chóng của thực tiễn, Học viện cũng còn một số vấn đề cần rút kinh nghiệm để tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, hoàn thành  tốt sứ mệnh cách mạng của mình.

Vì vậy, đồng chí Tạ Ngọc Tấn đề nghị các đại biểu tham dự hội nghị rà soát lại tình hình công tác đào tạo, bồi dưỡng của hệ thống Học viện trong 5 năm vừa qua để đánh giá một cách khách quan về những thành công cũng như những hạn chế, bất cập của công tác này. Trên cơ sở đó, rút ra kinh nghiệm, những hạn chế; từ đó tìm ra phương hướng, giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong thời gian tiếp theo, hoàn thành nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước đã giao phó cho Học viện.

Theo PGS.TS Hoàng Anh (Vụ trưởng Vụ quản lý đào tạo) cho biết, công tác đào tạo,  bồi dưỡng cán bộ giai đoạn 2009-2014 được tiến hành trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân ta đang tích cực triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, các Nghị quyết Hội nghị Trung ương khóa XI của Đảng, đồng thời tiếp tục thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Theo những định hướng của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X và XI, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ lý luận của Học viện trong thời kỳ này tiếp tục có những bước phát triển mới và toàn diện về quy mô và hình thức đào tạo, về các hệ lớp và địa bàn triển khai cho cán bộ, ban, ngành, địa phương trong nước và các đối tượng là cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị và cán bộ làm công tác nghiên cứu lý luận, cán bộ đương chức và dự nguồn đã được quy hoạch.

Thực hiện nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao, Học viện còn tham gia đào tạo trình độ tiến sỹ, thạc sỹ, đại học và bồi dưỡng, cập nhất kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng Nhân dân cách mạng Lào và một số Đảng bạn, nước bạn.  

Có thể nói, giai đoạn 2009-2014 là giai đoạn Học viện có quy mô đào tạo bồi dưỡng cán bộ lớn nhất từ trước đến nay. Giai đoạn này, Học viện có 7 cơ sở đào tạo lớn như: Trung tâm học viện, 4 học viện chính trị khu vực; 2 học viện chuyên ngành.

Tại Học viện trung tâm, trong 5 năm qua, đã đào tạo được 71 lớp hệ tập trung với 2490 học viên và 105 lớp hệ tại chức với 11796 học viện cao cấp lý luận – hành chính; 7 lớp hệ tập trung với 392 học viên và 2 lớp hệ tại chức với 220 học viên đại học chính trị (văn bằng 2); bồi dưỡng và cập nhật kiến thức cho 41 lớp gồm 1641 học viên; tổ chức 67 lớp cao học chuyên ngành với 1149 học viên, trong đó có 92 học viên Lào, 54 lớp hệ tại chức với 1954 học viên; tổ chức 57 lớp nghiên cứu sinh chuyên ngành với 422 học viên, trong đó có 32 học viên Lào.

Năm 2010, Học viện đã tổ chức đào tạo cho Đảng Frelimo, Cộng hòa Môdămbích cho 19 cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp Trung ương và cấp tỉnh, thành. Học viện cũng phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và các cơ quan khác, tổ chức các lớp nghiên cứu, trao đổi chuyên đề với cán bộ cấp cao của Đảng nhân dân cách mạng Lào; tổ chức các lớp bồi dưỡng dự nguồn cao cấp của Đảng; bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cho các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI. Phối hợp với các thành ủy, tỉnh ủy trong cả nước, mở các lớp cập nhật bồi dưỡng kiến thức cho dự nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh, cho cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh, cho cán bộ, lãnh đạo quản lý thuộc diện ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương và tương đương quản lý.

Về nội dung chương trình đào tạo bồi dưỡng,  Học viện đã chỉ đạo sát sao các viện chuyên ngành, các học viện trực thuộc trong toàn hệ thống đẩy mạnh việc đổi mới, hoàn thiện nội dung, chương trình phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại Học viện. Việc đổi mới nội dung chương trình đã có bước tiến mạnh mẽ, mang tính đột phá, được thực hiện đối với tất cả các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cụ thể như sau:

- Xây dựng, triển khai thực hiện Khung chương trình đào tạo cao cấp lý luận chính trị, cử nhân chính trị chuyên ngành.

- Xây dựng và triển khai thực hiện Khung chương trình đào tạo sau Đại học, bao gồm thạc sỹ và tiến sỹ trong tất cả các đơn vị đào tạo sau đại học của Học viện.

- Xây dựng và triển khai thực hiện Khung chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức theo chức danh.

Nhờ nắm vững từng loại đối tượng, từng hệ lớp đào tạo và xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của từng thời kỳ cách mạng, Học viện đã xây dựng nội dung chương trình sát thực, phù hợp với yêu cầu của từng loại hình đào tạo, từng cơ sở đào tạo. Nhờ đó, chất lượng đào tạo không ngừng được nâng cao, đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đào tạo đội ngũ cán bộ mà thực tiễn cách mạng đặt ra.

Về phương pháp đào tạo, Học viện đã tích cực cải tiến, đổi mới phương châm, phương pháp dạy và học theo hướng kết hợp chặt chẽ hơn giữa lý luận với thực tiễn, nâng cao tính tích cực, chủ động của người học. Các buổi thảo luận, hội thảo và các đợt đi tham quan nghiên cứu thực tế của các lớp học viên đã được chú trọng. Từ đó, người học thu hoạch được nhiều kiến thức thực tế và nắm sâu sắc hơn những vấn đề lý luận đã được trang bị, nâng cao năng lực vận dụng lý luận để giải quyết các tình huống chính tị - thực tiễn đang diễn ra trong đời sống xã hội. Đề tài các cuộc thảo luận, những vấn đề lý luận, thực tiễn nóng hổi, những tình huống chính trị - xã hội cấp bách đòi hỏi người học phải vận dụng lý luận đã học để phân tích, làm sáng tỏ, góp phần vào việc giải quyết những vấn đề, những tình huống đó cùng với các cơ quan chỉ đạo thực tiễn ở các ngành, địa phương. Việc đổi mới này theo hướng tích cực là phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đào tạo của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, đội ngũ cán bộ nghiên cứu lý luận của Đảng và Nhà nước, cũng là phù hợp với xu thế chung của giáo dục, đào tạo tiên tiến của thế giới hiện nay.

Về công tác quản lý đào tạo, Học viện đã từng bước cải tiến, nâng cao chất lượng, từ khâu xét tuyển, thi tuyển, quản lý hồ sơ đến việc quản lý, giám sát các công đoạn của quá trình đào tạo, bồi dưỡng. Với việc tiếp nhận các phiên bản mới của quy chế đào tạo trình độ thạc sỹ, tiến sỹ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Học viện đã ban hành các văn bản quản lý đào tạo tương ứng, nhằm từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu chung, vừa phù hợp với yêu cầu đặc thù của công tác đào tạo, bồi dưỡng của hệ thống Học viện.

Phát huy hơn nữa những thành tựu đã đạt được

Trong 5 năm vừa qua, công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ của Học viện đã có những đổi thay quan trọng, có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần đáng kể vào việc nâng cao chất lượng, bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị của đất nước.

Từ đó, Học viện đã rút ra những bài học kinh nghiệm là: Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng; thường xuyên tiến hành công tác khảo sát, đánh giá chương trình đào tạo và hiệu quả sau đào tạo; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng quản lý đào tạo trên cơ sở hoàn thiện các vấn đề.

Trong những năm tiếp theo, Học viện sẽ tiếp tục nghiên cứu, quán triệt các văn kiện, nghị quyết của Trung ương, những bài học từ tổng kết 30 năm đổi mới vào trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng các hệ lớp của Học viện. Từ đó, thực hiện nghiêm các quyết định, quy chế của Giám đốc Học viên về đào tạo, bồi dưỡng và công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng; các Quy chế đào tạo trình độ đại học, tiến sỹ của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tổ chức nghiêm túc, đồng bộ để đưa các chương trình, giáo trình mới xây dựng vào đào tạo, bồi dưỡng với các hệ lớp.

Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cũng đã xác định những nhiệm vụ chủ yếu trong đào tạo, bồi dưỡng là: Tổ chức và quản lý có chất lượng, hiệu quả các hệ lớp đào tạo, bồi dưỡng hàng năm được giao theo chỉ tiêu của Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Giáo dục và Đào tạo; đồng thời mở rộng các lớp bồi dưỡng chức danh, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, cập nhật kiến thức, đào tạo lại, hoàn chỉnh, bổ sung chương trình theo nhu cầu của các ngành, địa phương.

Phát triển đào tạo sau đại học: mở thêm các chuyên ngành đủ điều kiện; mở rộng đối tượng tuyển sinh; tăng tính cạnh tranh đầu vào để nâng chất lượng.

Triển khai đề án về kiểm định chất lượng đào tạo; xây dựng Bộ Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng đào tạo. Thiết lập cơ chế quản lý đào tạo theo yêu cầu của cơ cấu tổ chức bọ máy mới trong hệ thống toàn Học viện và nội bộ các Học viện trực thuộc, các Viện chuyên ngành.

Xây dựng và áp dụng quy trình kiểm soát và quản lý chất lượng đào tạo. Hàng năm hoặc định kỳ, Trung tâm Học viện và các Học viện trực thuộc tổ chức các đợt khảo sát, đánh giá chất lượng đào tạo theo đối tượng đã được phân cấp đào tạo. Đẩy mạnh việc ứng dụng các phần mềm công nghệ thông tin trong quản lý đào tạo.

Tăng cường đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý đào tạo bằng con đường  bổ sung mới hoặc sắp xếp lại theo chuyên môn đã được đào tạo; có kế hoạch bồi dưỡng, cập nhật kiến thức và phương pháp giảng dạy tích cực, phương pháp quản lý đào tạo hiện đại.

Đảm bảo các trang thiết bị kỹ thuật và nguồn tư liệu đồng bộ và đủ mức cần thiết cho việc thực hiện đổi mới nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy – học tập tích cực.

Có thể khẳng định, những thành tựu trong 5 năm qua của toàn hệ thống Học viện về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là rất to lớn, nhưng trước những đòi hỏi ngày càng cao của thực tiễn, toàn bộ hệ thống Học viện vẫn cần tiếp tục nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn nữa, nhằm phát huy những thành tựu đã đạt được, khắc phục những hạn chế còn tồn tại, xứng đáng là Trung tâm quốc gia về đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt của hệ thống chính trị.

Thu Hằng
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất