Thứ Tư, 27/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 29/5/2014 17:25'(GMT+7)

Học viện Hành chính Quốc gia nhận Huân chương Hồ Chí Minh

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gắn tấm Huân chương Hồ Chí Minh lên lá cờ truyền thống của Học viện. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gắn tấm Huân chương Hồ Chí Minh lên lá cờ truyền thống của Học viện. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)

Sáng 29/5, đến dự và phát biểu tại lễ kỷ niệm 55 năm truyền thống Học viện Hành chính Quốc gia và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định trải qua chặng đường 55 năm với không ít khó khăn, thử thách nhưng được sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước, Học viện đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Tiền thân là Trường Hành chính được thành lập cách đây 55 năm để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính quyền cấp huyện, đến nay, Học viện Hành chính Quốc gia đã trở thành trung tâm hàng đầu đất nước đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức theo ngạch, bậc và đào tạo cán bộ có trình độ cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ về quản lý hành chính, tạo nguồn cho bộ máy nhà nước. 

Trong hơn nửa thế kỷ qua, hàng vạn cán bộ, công chức ở các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương đã được đào tạo, bồi dưỡng tại học viện. Nhiều học viên tốt nghiệp từ học viện đã trưởng thành, có vị trí quan trọng trong bộ máy của Đảng và chính quyền các cấp, góp phần không nhỏ vào sự phát triển của đất nước. 

Là một trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học về hành chính và quản lý nhà nước, học viện đã thực hiện thành công nhiều công trình nghiên cứu phục vụ cải cách nền hành chính của đất nước, cải tiến quản lý ở các bộ, ngành, địa phương và tham gia tích cực vào xây dựng chính sách của nhà nước trong nhiều lĩnh vực.

Học viện là thành viên của ba tổ chức quốc tế lớn về hành chính trên thế giới là Hiệp hội quốc tế các trường và học viện hành chính, Tổ chức hành chính khu vực miền Đông thế giới và Nhóm hành chính công châu Á. Hợp tác quốc tế đã giúp Học viện tiếp cận khoa học hành chính hiện đại, các kinh nghiệm quốc tế để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học. 

Từ cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ, giảng viên nhỏ bé ban đầu, đến nay, học viện đã có bốn cơ sở đào tạo khang trang ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Tây Nguyên và đội ngũ cán bộ, giảng viên đông đảo, có trình độ cao, đủ sức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao cho trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.

Phát biểu với cán bộ, giảng viên của Học viện, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định Đại hội XI của Đảng đã đề ra nhiệm vụ tiếp tục đẩy mạnh cải cách nền hành chính quốc gia, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; trong đó, có nhiệm vụ hết sức quan trọng là xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng; có đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, tinh thông chuyên môn, nghiệp vụ, tận tụy, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Học viện Hành chính Quốc gia có vai trò và trách nhiệm rất lớn trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. 

Quyết định của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) chuyển Học viện Hành chính từ Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh về Bộ Nội vụ là để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho Học viện Hành chính thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

Giao nhiệm vụ cho Học viện Hành chính Quốc gia, Chủ tịch nước yêu cầu Học viện tiếp tục tập trung đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức một cách toàn diện. 

Nội dung, chương trình phải mang tính khoa học cao, tiếp cận với khoa học hành chính tiên tiến trên thế giới, đồng thời phải có tính thực tiễn cao, phù hợp với tình hình đất nước, quán triệt các quan điểm của Đảng, Nhà nước; coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo ngạch, bậc, cho từng chức danh, đồng thời làm tốt công tác đào tạo dài hạn, tạo nguồn cán bộ, công chức trẻ, có trình độ đại học, trên đại học, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới. 

Phương pháp giảng dạy cần hướng tới phát huy tính tích cực, năng động, sáng tạo của người học, gắn học với hành, hướng dẫn người học vận dụng kiến thức vào xử lý các tình huống cụ thể trong thực tiễn.

Chủ tịch nước nhấn mạnh đến việc học viện phải nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn về cải cách nền hành chính, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các nước trên thế giới để cung cấp những luận cứ khoa học cho việc hoạch định các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đồng thời để nâng cao tr ình độ đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của Học viện. 

Cùng với đó, xây dựng đội ngũ cán bộ học viện thành một khối đoàn kết, thống nhất; xây dựng Đảng bộ Học viện trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao; thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, kiên quyết ngăn chặn, không để có cán bộ, đảng viên suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tham nhũng, lãng phí xảy ra.

Ghi nhận những thành tích của thầy và trò Học viện Hành chính Quốc gia, Chủ tịch nước đã quyết định tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh cho Học viện và Huân chương Độc lập hạng Ba cho Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Giám đốc Học viện Nguyễn Đăng Thành.

Tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trang trọng gắn tấm Huân chương Hồ Chí Minh lên lá cờ truyền thống của Học viện và trao Huân chương tặng Giám đốc Nguyễn Đăng Thành./.

TG
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất