(TG)- Đa số các ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cần xây dựng trong mối quan hệ tổng thể với các văn bản luật khác, để tạo nên cơ chế pháp lý đồng bộ, điều tiết hoạt động của doanh nghiệp (DN).
Ngày 28/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa
đổi) và Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước vào sản xuất, kinh doanh. Cả
hai dự thảo Luật này đều được kỳ vọng sẽ giải quyết các mâu thuẫn cho
hoạt động kinh doanh hiện nay.
Luật Doanh nghiệp 2005 dù được coi là bước tiến rất dài, giúp tăng sự bình đẳng cho các loại hình DN cũng như thu hẹp khoảng cách giữa quy định pháp lý của Việt Nam với quốc tế. Tuy nhiên, thực tế gần 10 năm áp dụng cho thấy, vẫn còn một số điểm quy định cần phải sửa đổi để đảm bảo tính chủ động cho DN cũng như sự chặt chẽ, phù hợp về kinh tế cho các giao dịch phát sinh của DN.
Thực tiễn cuộc sống cho thấy, các cơ hội kinh doanh luôn xuất hiện trong quá trình hoạt động của mỗi DN. Tuy nhiên, Khoản 1 Điều 9 Luật Doanh nghiệp 2005 quy định, DN phải “hoạt động kinh doanh theo đúng ngành, nghề đã ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh”. Để tuân thủ quy định này và không bỏ lỡ các cơ hội kinh doanh chưa thuộc phạm vi ngành nghề đã đăng ký thì DN phải tiến hành đăng ký bổ sung ngành, nghề ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Bên cạnh đó, phân định quyền hạn và trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước, cơ quan đại diện chủ sở hữu của DN, đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại DN trong hoạt động đầu tư và quản lý vốn Nhà nước tại DN; xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm và tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với người quản lý DN.
Luật cũng nhằm khắc phục việc doanh nghiệp sử dụng vốn, tài sản đầu tư vào sản xuất kinh doanh không đúng mục tiêu, chiến lược, đầu tư dàn trải. Tuân thủ nguyên tắc phát triển kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, đảm bảo bình đẳng giữa mọi thành phần kinh tế trước pháp luật, thực hiện công khai, minh bạch và giám sát chặt chẽ mọi hoạt động trong đầu tư và quản lý vốn đã đầu tư của Nhà nước vào doanh nghiệp.
Thảo luận về dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), nhiều ý kiến tán thành với mục tiêu của sửa đổi Luật doanh nghiệp là làm cho doanh nghiệp trở thành một công cụ kinh doanh rẻ hơn, an toàn hơn và hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư. Qua đó tăng cường thu hút và huy động các nguồn lực và vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.
Qua thảo luận một số ý kiến đề nghị giữ nguyên bố cục kết cấu như Luật hiện hành; không nên quy định chương mới về doanh nghiệp Nhà nước trong Luật để tránh hiểu có sự phân biệt đối xử với các thành phần kinh tế, tạo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp trước pháp luật về kinh doanh. Theo chủ trương của Chính phủ về tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước thì phải cổ phần hóa tất cả các doanh nghiệp Nhà nước dẫn đến tỉ trọng doanh nghiệp nhà nước sẽ giảm dần.
Một số ý kiến tán thành với nội dung giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (Điều 30) đã đáp ứng yêu cầu đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, trước hết là đăng ký thành lập doanh nghiệp. Việc ghi rõ ngành nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh góp phần bảo vệ doanh nghiệp trong quá trình tìm kiếm đối tác ... Theo đại biểu Nguyễn Đức Chung (Hà Nội) điểm mới này sẽ giúp doanh nghiệp không cần phải kê khai những lĩnh vực họ được phép kinh doanh trong giấy phép, để khi doanh nghiệp thay đổi cơ cấu, lĩnh vực kinh doanh tận dụng cơ hội thị trường, thì doanh nghiệp không phải tiếp tục điều chỉnh giấy phép, tiếp tục phải xin phép và đăng ký. Khi đó sẽ giảm được rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động. Đại biểu dẫn chứng thời gian qua, không ít doanh nghiệp bị xử phạt hành chính, rút giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vì kinh doanh ngành nghề, sản phẩm không có trong đăng ký. Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, trong một năm, Sở phải cấp lại 65.000 giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, trong đó có tới 40.000 là đăng ký thay đổi ngành nghề kinh doanh. Việc này gây mất nhiều thời gian, công sức cho bộ máy công chức vốn đã quá tải.
Thảo luận về dự thảo Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, các ý kiến tán thành với việc xây dựng Luật nhằm khắc phục các hạn chế, tồn tại phát sinh trong thực tiễn đầu tư, quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong thời gian qua; đáp ứng các yêu cầu quản lý của nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước trong việc định hướng, tổ chức lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.
Về đối tượng áp dụng, tại khoản 2, Điều 2 dự thảo đưa ra đối tượng áp dụng doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và chia nhóm đối tượng thành: “Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế; công ty mẹ của tổng công ty nhà nước; công ty mẹ trong mô hình công ty mẹ - công ty con. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên độc lập”. Theo đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội), tại Nghị định 25/2010/NĐ-CP cả công ty độc lập, công ty mẹ sau khi chuyển đổi đều được tổ chức dưới hình thức “công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước là chủ sở hữu”. Do đó việc chia nhóm đối tượng này thành 2 là không cần thiết, không có ý nghĩa, không đảm bảo tính minh bạch của quy phạm pháp luật.
Về quyền, trách nhiệm của người đại diện, khoản 2, Điều 36 quy định “Việc cử người đại diện phải thực hiện bằng văn bản, trong đó giao người đại diện thực hiện quyền, trách nhiệm của cổ đông, thành viên góp vốn” . Có ý kiến cho rằng quy định này mới chỉ dừng lại ở việc quy định về quyền và trách nhiệm của người đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp. Theo đó họ hoạt động với tư cách giống như cổ đông, thành viên góp vốn. Quy định này cần thiết nhưng chưa đủ, chưa ràng buộc được chặt chẽ nghĩa vụ của người đại diện trong trường hợp vi phạm nghĩa vụ; dự thảo chưa đưa ra phương thức xử lý hay biện pháp chế tài trong trường hợp người đại diện không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình.
Theo Chương trình, chiều nay các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật công chứng (sửa đổi)./.
Tuấn Đạt