Telegraph cho biết, các chuyên gia của Đại học Leeds, Anh sử dụng một tàu ngầm cỡ nhỏ được điều khiển từ xa để tìm hiểu đáy biển Đen. Họ phát hiện một dòng chảy riêng biệt dưới đáy. Dòng chảy này có bờ và các đoạn uốn khúc giống sông trên cạn.
Dòng sông, hiện chưa có tên, hình thành do nước mặn chảy từ biển Địa Trung Hải vào biển Đen qua eo biển Bosphorus. Do nặng hơn (vì độ mặn cao hơn), nước từ biển Địa Trung Hải chìm xuống dưới đáy biển Đen. Trong quá trình chảy nó tạo ra một đường rạch có độ sâu khoảng 35 m và chiều rộng xấp xỉ 1.000 m.
"Đây là lần đầu tiên chúng ta chứng minh được sự tồn tại của sông dưới đáy biển và đo trực tiếp dòng chảy của nó", tiến sĩ Dan Parsons, một chuyên gia thuộc khoa Trái đất và Môi trường của Đại học Leeds, phát biểu. Theo Parsons, nước trong sông nặng hơn và mang theo rất nhiều trầm tích.
Độ dài của dòng sông vào khoảng 60 km. Dòng chảy kết thúc do sông gặp rìa thềm lục địa và nước sông hòa lẫn vào nước biển. Tiến sĩ Parsons nhận thấy dòng sông dưới biển Đen đang chảy với tốc độ khoảng 6,4 km/h và lưu lượng dòng chảy của nó là 22.000 m3/giây - gấp 350 lần sông Thames và 10 lần sông Rhine. Nếu dòng sông dưới đáy biển Đen nằm trên cạn, các chuyên gia của Đại học Leeds cho rằng nó sẽ là sông có lưu lượng dòng chảy lớn thứ 6 trên thế giới.
“Những vùng bằng phẳng dưới đáy biển giống như các hoang mạc cằn cỗi trong thế giới nước, song dòng sông dưới biển có thể mang các chất dinh dưỡng cần thiết cho các sinh vật trong những hoang mạc ấy. Điều đó có nghĩa là nó có vai trò rất quan trọng đối với biển, giống như các mạch máu trong cơ thể sống”, Parsons giải thích./.
(Theo VnExpress)