Thứ Bảy, 16/11/2024
Thế giới
Thứ Bảy, 6/2/2010 21:35'(GMT+7)

Hội nghị an ninh Munich nhằm củng cố sự tin cậy

Ngoại trưởng Trung Quốc trao đổi với người điều khiển Hội nghị Wolfgang Ischinger ngày 6/2 (Nguồn: Getty images)

Ngoại trưởng Trung Quốc trao đổi với người điều khiển Hội nghị Wolfgang Ischinger ngày 6/2 (Nguồn: Getty images)

Với mục tiêu "Xây dựng cây cầu quốc tế để bảo đảm an ninh và củng cố sự tin cậy lẫn nhau," hội nghị sẽ thảo luận 5 vấn đề chính gồm an ninh năng lượng và an ninh vận tải; biến đổi khí hậu; không phổ biến hạt nhân và cắt giảm vũ khí hạt nhân; chiến lược mới của NATO và vấn đề Afghanistan.

Theo kế hoạch, tại hội nghị 3 ngày, các ngoại trưởng Nga và Đức sẽ trình bày báo cáo về tình hình an ninh ở khu vực Đại Tây Dương và châu Âu. Đây là lần đầu tiên Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đọc báo cáo chính tại diễn đàn nhằm trình bày rõ quan điểm của Nga. Ngoài ra, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận về Hiệp ước mới giữa Nga và Mỹ trong lĩnh vực vũ khí tấn công chiến lược cũng như sự hợp tác Nga-NATO sau những thay đổi khả quan trong năm qua.

Trước đó, phát biểu tại Bắc Kinh ngày 4/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mã Triều Húc cho biết tại hội nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì sẽ trình bày lập trường và quan điểm của Trung Quốc về các vấn đề nóng trên thế giới, đặc biệt là những vấn đề có liên quan đến quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã bất ngờ trở nên căng thẳng trong vài tuần qua. Trung Quốc dọa sẽ không cộng tác với Mỹ trong các vấn đề “nóng” của thế giới như chương trình hạt nhân của Iran và Triều Tiên để trả đũa việc Washington bán lô vũ khí trị giá 6,4 tỷ USD cho Đài Loan.

Trong khi đó, Nga cũng đang lo ngại trước những động thái gần đây của Mỹ như xem xét thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa ở một số nước Đông Âu, triển khai nhiều tàu chiến trang bị tên lửa đánh chặn tại các nước vùng Vịnh với lý do để ngăn chặn tên lửa của Iran.

Cũng tại hội nghị, Ngoại trưởng Iran Manouchehr Mottaki tuyên bố gần đạt được thỏa thuận "cuối cùng" về việc đưa urani của Iran ra nước ngoài tinh chế thành nhiên liệu hạt nhân. Theo ông, các cuộc thảo luận giữa Iran và các bên liên quan đã tạo cơ sở thuận lợi cho việc này và đang tiến gần tới một thỏa thuận cuối cùng có thể chấp nhận được đối với tất cả các bên. Tuy nhiên, ông Mottaki nhấn mạnh số lượng urani trao đổi sẽ do Iran quyết định dựa trên nhu cầu của nước này.

Kể từ năm 1962, Hội nghị Munich là diễn đàn chính để trao đổi ý kiến và điều phối quan điểm của giới chính trị, ngoại giao, quân sự và chuyên viên về những vấn đề quốc tế cấp bách nhất trên thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất