(TCTG)- Vừa qua, tại thành phố Kon Tum, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp với tỉnh Kon Tum tổ chức Hội nghị giao ban Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật các tỉnh khu vực Tây Nguyên.
Tham dự hội nghị có đồng chí Phan Tùng Mậu-Phó trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Y Mửi-Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum, đồng chí Lê Thị Kim Đơn-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông và Lâm Đồng; đại diện một số sở, ngành hữu quan của tỉnh Kon Tum. Giáo sư, Viện sỹ, Tiến sỹ khoa học Đặng Vũ Minh-Chủ tịch VUSTA chủ trì hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch VUSTA Đặng Vũ Minh khẳng định: Tổ chức Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật từ Trung ương đến các địa phương thời gian qua đã có nhiều đóng góp được Đảng và Nhà nước ghi nhận. Vai trò vị trí của tổ chức Liên hiệp Hội ngày càng chứng tỏ là một tổ chức chính trị-xã hội đại diện cho đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ. Liên hiệp Hội các tỉnh Tây Nguyên đã làm tốt nhiệm vụ giám sát, tư vấn, phản biện; đã tập hợp đông đảo trí thức với nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học có khả năng ứng dụng cao đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, hoạt động của tổ chức Liên hiệp Hội các cấp ở địa phương hiện vẫn còn nhiều bất cập, khó khăn như hiện vẫn còn khoảng 30% số tỉnh, thành trong cả nước chưa thành lập được tổ chức Hội; tổ chức bộ máy hoạt động chưa thống nhất, đồng giữa các địa phương, còn tùy thuộc vào sự quan tâm của từng địa phương đó; còn thiếu nhiều biên chế và kinh phí hoạt động… Do đó, hội nghị giao ban lần này là cơ hội để các Liên hiệp Hội các tỉnh Tây Nguyên có dịp trao đổi, giao lưu để xây dựng tổ chức ngày càng vững mạnh, đáp ứng nhiệm vụ chính trị được giao.
Các đại biểu tham dự hội nghị cũng đã được giới thiệu và góp ý kiến vào Chương trình "Nghiên cứu đánh giá tổng hợp tài nguyên-môi trường, kinh tế-xã hội và đề xuất chiến lược khoa học công nghệ phục vụ phát triển bền vững Tây Nguyên giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2030" (Gọi tắt là Chương trình Tây Nguyên III) nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững Tây Nguyên bao gồm 3 cực là: Bền vững về tăng trưởng kinh tế, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có hiệu quả và hàm lượng tri thức cao, thu hút được đầu tư doanh nghiệp; Bền vững về quản lý tài nguyên hạn chế suy thoái môi trường bằng các công nghệ hiện đại; Bền vững về quản lý xã hội, tăng lao động, việc làm duy trì bản sắc văn hóa dân tộc bằng các chủ trương chính sách, mô hình tổ chức xã hội phù hợp qui luật khách quan.
Phi Em