Kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh cuối tuần qua, Liên minh Châu Âu (EU) đã đạt được khá nhiều điều, trong đó đáng chú ý nhất là sự đồng thuận về việc thành lập hệ thống giám sát tài chính để ngăn chặn khủng hoảng tái diễn và một văn bản pháp lý để tạo thuận lợi cho cuộc trưng cầu ý dân lần 2 tại Ireland về Hiệp ước Lisbon.
Kết quả này sẽ góp phần thúc đẩy thống nhất về chính trị và cải thiện kinh tế trong khối. Tuy nhiên, từ thoả thuận đến thực hiện luôn là vấn đề đau đầu đối với một khối có tới 27 quốc gia thành viên như EU, nhất là trong khi có nhiều mâu thuẫn tiềm ẩn trong nội khối chưa được giải quyết.
Hội nghị Thượng đỉnh lần này của EU diễn ra đúng vào dịp chuyển giao quyền lãnh đạo, kết thúc nhiệm kỳ làm Chủ tịch của CH Czech và Thuỵ Điển chuẩn bị nắm giữ chức vụ này. Do đó, những gì đạt được tại Hội nghị lại càng có ý nghĩa. Cộng thêm kế hoạch làm Chủ tịch dự kiến sẽ được Thuỵ Điển công bố vào ngày mai (22/6), hai kết quả quan trọng của Hội nghị thượng đỉnh EU cuối tuần qua sẽ mở ra một giai đoạn mới. Ở đó, người ta sẽ quên đi thời kỳ làm chủ tịch "đáng thất vọng" của CH Czech- nước chủ tịch đầu tiên của EU trong thời kỳ đương nhiệm có Thủ tướng phải từ chức. Và đặt hy vọng cho 6 tháng tiếp theo.
Tuy nhiên, những mâu thuẫn, nghi ngại nội bộ khiến các kết quả mà EU đạt được tại hội nghị có phần "nửa vời". Về kinh tế, EU thống nhất thành lập 4 cơ quan mới (dự kiến vào cuối năm 2010) nhằm củng cố các hoạt động giám sát tài chính của châu Âu ở cả tầm vĩ mô lẫn vi mô.
Trong đó, có 3 cơ quan chịu trách nhiệm giám sát các ngân hàng, các công ty bảo hiểm và thị trường chứng khoán. Cơ quan thứ tư là "Ủy ban rủi ro hệ thống của châu Âu", có chức năng giám sát các rủi ro trong hệ thống tài chính EU và đưa ra những cảnh báo sớm về các nguy cơ mang tính hệ thống đe dọa làm mất ổn định tình hình tài chính khu vực. Tuy nhiên, ngay khi chưa thực hiện, đã nảy sinh tranh cãi về vị trí chủ tịch và quyền hạn của các cơ quan này.
Anh và một số quốc gia như Slovenia, Slovakia, Rumania lo ngại nếu hệ thống giám sát này đi vào hoạt động, sẽ gây tổn hại đến chủ quyền quốc gia về hoạt động tài chính.
Anh - nơi được coi là trung tâm tài chính của Châu Âu cũng không chấp nhận để Chủ tịch Ngân hàng trung ương Châu Âu kiêm nhiệm chức Chủ tịch "Uỷ ban rủi ro hệ thống của Châu Âu", bởi như thế sẽ xoá đi cơ hội cho một quan chức Anh có thể giành vị trí lãnh đạo mới này. Kết quả là, EU đã phải nhượng bộ trong cả hai vấn đề khi chấp nhận để lựa chọn một cách rộng mở vị chủ tịch cho uỷ ban mới và đảm bảo hoạt động của các cơ chế mới không xâm lấn vào quyền quyết định của các quốc gia thành viên trong lĩnh vực tài chính.
|
Hợp tác trong EU về chính trị và kinh tế đang có phần "rệu rạo" hơn |
Bấy lâu nay, EU đạt hiệu quả trong phát triển là nhờ nguyên tắc "cưỡng chế" đối với mọi thành viên, do đó, một khi hoạt động trên cơ sở "lỏng lẻo" hơn, không ai có thể đảm bảo rằng các cơ quan cảnh báo tài chính mới của EU sẽ hiệu quả.
Thành công thứ 2 của Hội nghị thượng đỉnh EU lần này cũng có được nhờ nhượng bộ, theo đó, EU cam kết đảm bảo về mặt pháp lý rằng Hiệp ước Lisbon sẽ không ảnh hưởng đến các vấn đề nội bộ của Ireland- mối lo ngại hàng đầu khiến cử tri nước này nói "không" với bản hiệp ước trong cuộc trưng cầu ý dân cách đây một năm.
Nhượng bộ này là cần thiết để tiếp tục tiến trình phê chuẩn hiệp ước Lisbon vốn đang bị ngưng trệ nhưng lại có thể biến Ireland trở thành tiền lệ nguy hiểm, có thể kéo theo các trường hợp tương tự ở các nước khác chưa phê chuẩn văn bản này. Hơn nữa, cho dù EU có nhượng bộ, thì cũng chưa chắc rằng cử tri Ireland sẽ gật đầu với Hiệp ước Lisbon trong cuộc trưng cầu ý dân lần 2 vào tháng 10 tới, nhất là khi họ đang bất bình đối với chính sách điều hành kinh tế yếu kém của chính phủ Ireland.
Trong cả hai lĩnh vực chính trị và kinh tế, đều thấy rằng hợp tác trong Liên minh Châu Âu đang có phần "rệu rạo" hơn, gây hại đến tính "thống nhất" vốn tạo nên sức mạnh cho EU. Điều này phải chăng thể hiện tâm lý chán nản của người dân Châu Âu trước sự kém hiệu quả của hợp tác nội khối EU cũng như của chính phủ nhiều nước thành viên. Tâm lý này về lâu về dài chắc chắn sẽ cản trở việc thực hiện các cam kết mới của EU./.
(Theo VOVNews)