Thứ Hai, 18/11/2024
Thế giới
Chủ Nhật, 21/6/2009 12:26'(GMT+7)

I Ran tuyên bố trấn áp mạnh các cuộc biểu tình trái phép

Những người ủng hộ Giáo chủ Kha-mê-ni và Tổng thống A-ma-đi-nê-dát phản đối cuộc biểu tình của phe đối lập. Ảnh: Roi-tơ

Những người ủng hộ Giáo chủ Kha-mê-ni và Tổng thống A-ma-đi-nê-dát phản đối cuộc biểu tình của phe đối lập. Ảnh: Roi-tơ

Ông Ra-đan cho rằng, những cuộc biểu tình phản đối kết quả bầu cử là trái phép và từ nay, cảnh sát sẽ "cương quyết" đối phó với những cuộc biểu tình tương tự. Bộ Nội vụ I-ran cũng khẳng định, không cho phép tổ chức tuần hành tại bất kỳ địa điểm nào trên cả nước trong ngày 20-6 và "những ai vi phạm sẽ phải đối mặt với luật pháp". Tổ chức có tên “Hội đồng Giáo sĩ Chiến đấu”, một trong những tổ chức có kế hoạch tổ chức tuần hành trong ngày 20 và 21-6, thông báo ngừng tiến hành biểu tình do không xin được giấy phép.

Các cuộc biểu tình trên đường phố Tê-hê-ran đã diễn ra liên tục từ ngày 12-6 vừa qua, sau khi ứng cử viên Tổng thống bị thất cử, ông Mu-xa-vi, kêu gọi hủy bỏ kết quả bầu cử với lý do đã có gian lận trong cuộc bầu Tổng thống vừa qua, khiến Tổng thống đương nhiệm Ma-mút A-ma-đi-nê-dát giành chiến thắng với gần 63% số phiếu ủng hộ. Trên trang web ủng hộ ứng cử viên tổng thống thất cử, ông Hô-xê-in Mu-xa-vi, đã kêu gọi những người ủng hộ tiến hành cuộc biểu tình đường phố bắt đầu từ 16 giờ, giờ địa phương (tức 18 giờ 30 phút, giờ Hà Nội) ngày 20-6.

Theo những người chứng kiến, nhiều xe tải lớn cùng cảnh sát chống bạo động đã được huy động tại các địa điểm quan trọng như Quảng trường Cách mạng, Trường đại học Tê-hê-ran, nhằm ngăn chặn người biểu tình tụ tập. Hãng tin AFP cho hay, cho tới thời điểm mà ông Mu-xa-vi hô hào tiến hành biểu tình, trên các đường phố Tê-hê-ran mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường, chưa thấy biểu hiện của một cuộc biểu tình lớn. Đến 21 giờ cùng ngày, khoảng 2.000 người biểu tình đã tập trung trước Trường đại học Tê-hê-ran. Cảnh sát đã phải bắn đạn hơi cay và sử dụng vòi rồng để giải tán đám đông tụ tập tại đây. Hội đồng An ninh quốc gia I-ran cũng cảnh báo ông Hô-xê-in Mu-xa-vi sẽ phải gánh chịu hậu quả nếu kích động biểu tình "trái phép".

Trước đó, ngày 19-6, Giáo chủ A-li Kha-mê-ni, Thủ lĩnh tinh thần tối cao I-ran, đã bác bỏ khả năng có gian lận trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua và kêu gọi phe đối lập chấm dứt biểu tình, đã tạo ra phản ứng cứng rắn từ phe đối lập và một số chính phủ phương Tây.

Sáng 20-6, trong phiên họp bất thường, Hội đồng Giám hộ bầu cử I-ran cho biết sẵn sàng kiểm lại "một cách ngẫu nhiên" 10% số hòm phiếu trước sự chứng kiến của đại diện các ứng cử viên. Hội đồng Giám hộ bầu cử đã mời ba ứng cử viên thất cử tới dự phiên họp này, song chỉ có ông Mô-xên Rê-dai tham dự, còn ông Mu-xa-vi và ông Mê-đi Ca-ru-bi không đến mà cũng "không đưa ra bất kỳ lí do nào về sự vắng mặt của mình".

Trong khi đó, sau những tuyên bố đầy thận trọng về tình hình I-ran, lần đầu tiên Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma đã công khai thể hiện sự ủng hộ dành cho phe đối lập tại I-ran. Quốc hội Mỹ cũng đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết lên án I-ran trấn áp những người biểu tình chống chính phủ. Khởi xướng nghị quyết này là các nghị sĩ đảng Cộng hòa với mục tiêu gây sức ép đòi chính quyền của Tổng thống Ô-ba-ma có quan điểm cứng rắn hơn đối với I-ran về cuộc bầu cử tổng thống.

Tỏ ra cứng rắn hơn, Anh đã triệu đại sứ I-ran tại Luân Đôn đến để phản đối bài phát biểu của Giáo chủ Kha-mê-ni, trong đó ông chỉ trích Anh là "kẻ thù nguy hiểm nhất của I-ran" và tố cáo Luân Đôn đang can thiệp vào cuộc khủng hoảng hậu bầu cử tại I-ran. Ngoại trưởng Anh Đa-vít Mi-li-banh tuyên bố "không cho phép Giáo chủ Kha-mê-ni biến cuộc khủng hoảng tại I-ran thành cuộc chiến giữa hai nước" và nói rằng, các cuộc biểu tình phản đối sau bầu cử tại I-ran là “sự lựa chọn của người dân nước này"./.

(Theo: QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất