Thứ Sáu, 20/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 12/8/2010 20:51'(GMT+7)

Hội Nhà báo và vấn đề bảo vệ nhà báo

Một số nhà báo bị hành hung trong khi tác nghiệp (từ trái qua, trên xuống): Trang Dũng (Báo An ninh thế giới), Minh Quốc (Báo ảnh Việt Nam), Võ Minh Châu (Báo Tiền phong) và Trần Thế Dũng (Báo Người lao động). (Ảnh: SGGP)

Một số nhà báo bị hành hung trong khi tác nghiệp (từ trái qua, trên xuống): Trang Dũng (Báo An ninh thế giới), Minh Quốc (Báo ảnh Việt Nam), Võ Minh Châu (Báo Tiền phong) và Trần Thế Dũng (Báo Người lao động). (Ảnh: SGGP)

Phản ứng trước việc các phóng viên của báo Người Lao động và báo Tiền phong bị hành hung dã man trong khi tác nghiệp hồi đầu năm nay, Hội Nhà báo Việt Nam đã lên tiếng bày tỏ thái độ cương quyết theo đuổi giải quyết vụ việc đến cùng. Hội cũng đã soạn thảo công văn hoả tốc tới UBND, Sở Công an hai tỉnh Hà Tĩnh và Lạng Sơn yêu cầu kiểm tra, điều tra làm rõ và xử lý thích đáng những kẻ hành hung, gây cản trở các nhà báo khi tác nghiệp, đồng thời trực tiếp đến gặp gỡ, thăm hỏi, chia sẻ với các nhà báo bị hại đang phải điều trị tại các bệnh viện.

Bảo vệ nhà báo là bảo vệ quyền được thông tin của nhân dân. Nhiều vụ việc do có sự can thiệp của Hội Nhà báo Việt Nam, đã được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ và xử lý nghiêm khắc. Nhà báo Trần Thế Dũng báo Người Lao Động cho biết: “Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Hội Nhà báo Việt Nam đã kịp thời có văn bản gửi các cơ quan chức năng của tỉnh Lạng Sơn và huyện Cao Lộc  - nơi xảy ra vụ việc và đã có sự quan tâm, chia sẻ. Sau đó vụ việc chưa được giải quyết, Hội Nhà báo Việt Nam lại tiếp tục có văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng làm rõ vụ việc, xử đúng người đúng tội”.

Vừa qua, tại trụ sở Hội Nhà báo Việt Nam đã diễn ra Hội thảo “Tác nghiệp của nhà báo trong tình huống nóng”. Đây là Hội thảo lần thứ 2 trong vòng 4 tháng do Hội Nhà báo tổ chức, liên quan tới chủ đề nhà báo bị cản trở hành hung khi tác nghiệp. Hội thảo đã bàn đến nhiều giải pháp bảo vệ nhà báo và cơ chế để nhà báo tự bảo vệ mình; Trong đó có cả đề nghị coi những hành vi cản trở, hành hung nhà báo khi tác nghiệp là tội chống người thi hành công vụ.
 
Tuy nhiên, vẫn có một số sự việc không được các cơ quan có trách nhiệm giải quyết đến nơi, đến chốn. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có tính đặc thù của hoạt động khai thác thông tin và có cả sự thiếu hụt trong các quy định chế tài bảo vệ nhà báo với tư cách là người đang thực thi công vụ.

Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Lê Quốc Trung cho biết: “Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tiếp tục có những đề nghị với các cơ quan của Nhà nước để sửa đổi, bổ sung những quyết định liên quan đến việc bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp cho hội viên. Mặc dù Luật pháp đã có, Luật Báo chí cũng có, nhưng các chế tài để xử lý chưa đủ mạnh. Hội sẽ quan tâm hơn nữa tới việc ban hành khung pháp lý tốt hơn nữa để bảo vệ cho các nhà báo”.

Phần lớn những vụ nhà báo bị hành hung đều phát sinh khi nhà báo giơ máy ảnh hoặc camera lên để chụp, ghi hình, cố gắng có hình ảnh để tăng thêm tính báo chí, sinh động và thuyết phục. Những người trong cuộc có lợi ích liên quan thông thường sẽ thực hiện hai loại hành vi trái ngược, hoặc là mua chuộc dụ dỗ báo chí đứng về phía mình, hoặc là cản trở, đe doạ, thậm chí hành hung. Do đó, trước hết các nhà báo cần biết cách tự bảo vệ mình.

Những nhà báo có kinh nghiệm thường không chủ quan mà luôn luôn chuẩn bị chu đáo trước khi đi vào vùng nóng. Họ linh cảm được sự nguy hiểm đang đe doạ. Họ có thể cải trang, hoá trang thành người trong cuộc để điều tra... Nhu cầu phanh phui những vụ việc tiêu cực trước công luận thôi thúc các nhà báo dấn thân từ phản ánh các tệ nạn xã hội cho đến tham ô, buôn lậu, phá rừng, khai khoáng lậu... nên họ cần có những trải nghiệm riêng, ngón nghề riêng để bảo vệ mình, bảo vệ nguồn tin và thông tin. Ngoài ra, phóng viên tác nghiệp thâm nhập các ở điểm nóng, phản ánh hiện tượng tiêu cực trong xã hội cũng cần phải am hiểu địa bàn, phong tục thói quen ứng xử của người địa phương, cần có sự hậu thuẫn của tòa soạn, liên hệ với chính quyền địa phương và tự trang bị những kiến thức tối thiểu về pháp luật.

Nhà báo lão thành Phạm Công Nghiệp (Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Bến Tre) cho rằng: “Phải làm sao nâng cao trình độ năng lực, nhất là trình độ tác nghiệp của nhà báo, nâng cao bản lĩnh chính trị. Nhà báo trung thực, nói thật, nói thẳng thì dễ đụng chạm đến những vấn đề tiêu cực của xã hội, dễ bị hành hung. Do vậy, Hội Nhà báo cần kịp thời lên tiếng để bảo vệ hội viên”.

Theo VOV

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất