Thứ Sáu, 20/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 11/8/2010 16:13'(GMT+7)

Tây Ninh cần xác định rõ thế mạnh vượt trội để đột phá

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn công tác Chính phủ làm việc với lãnh đạo tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Chinhphu.vn

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn công tác Chính phủ làm việc với lãnh đạo tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Chinhphu.vn

Tiếp tục chuyến công tác tại một số tỉnh phía Nam, ngày 11/8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu Đoàn công tác Chính phủ đến thăm và làm việc với tỉnh biên giới Tây Ninh.

Dịch vụ phát triển nhanh, cơ giới hóa nông nghiệp đạt 50%

Theo Bí thư Tỉnh ủy Lê Thị Bân và Chủ tịch UBND Tây Ninh Nguyễn Văn Nên, trong 5 năm qua và từ đầu năm 2010 đến nay, kinh tế - xã hội Tây Ninh phát triển tương đối toàn diện.

GDP bình quân hàng năm tăng 14%, GDP bình quân đầu người đạt 1.390 USD, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 3%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp trong GDP.

Đặc biệt, các ngành dịch vụ trong tỉnh phát triển mạnh, du lịch, dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm phát triển nhanh chóng, với mức tăng bình quân hàng năm hơn 21%.

Tỉnh đã quan tâm đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất, tỷ lệ cơ giới hóa trong nông nghiệp đạt 50%. Kinh tế nông thôn có nhiều tiến bộ, toàn tỉnh có 2.400 trang trại nông – lâm – ngư nghiệp.

Tây Ninh cũng chú trọng kêu gọi đầu tư của các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước. Đến nay, KCN Trảng Bảng thu hút 160 dự án, với tổng vốn đầu tư tương đương 570 triệu USD. Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài thu hút 46 dự án, với tổng vốn đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng…

Mấy năm qua, tỉnh cũng chủ động triển khai thực hiện chương trình hợp tác toàn diện với TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An và các tập đoàn kinh tế lớn như Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Dầu khí, Hóa chất…

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, vị trí địa lý
 là một trong những lợi thế của Tây Ninh. Ảnh: Chinhphu.vn

Phát huy lợi thế vị trí địa lý

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá Đảng bộ, các cấp chính quyền, đoàn thể, đồng bào các dân tộc Tây Ninh đã chung sức, đồng lòng, đoàn kết nhất trí, khắc phục khó khăn thách thức và đạt được thành quả toàn diện trên nhiều lĩnh vực.

Tốc độ tăng trưởng GDP tuy chưa đạt chỉ tiêu đề ra (15,5 – 16%), nhưng tỷ lệ 14% cũng là tương đối cao, thu nhập bình quân đầu người đã cao hơn bình quân cả nước. Song theo Thủ tướng, quy mô kinh tế Tây Ninh vẫn còn nhỏ, sức cạnh tranh thấp, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, cơ sở hạ tầng còn yếu và thiếu, lao động qua đào tạo chưa nhiều, từ đầu năm đến nay giải ngân xây dựng cơ bản còn chậm…

Thủ tướng đề nghị tỉnh cần xác định thật rõ các tiềm năng, thế mạnh vượt trội trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, du lịch… để Đại hội Đảng bộ các cấp đề ra mục tiêu, tiêu chí cụ thể, sát thực tế, mang tính khả thi cao để phát triển kinh tế - xã hội nhanh hơn, mạnh hơn trong 5 năm tới (2011 – 2015).

Trong đó, những lĩnh vực cần chú trọng là phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông, đào tạo nguồn nhân lực, cải cách thủ tục hành chính, bảo vệ môi trường và đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao hiệu quả quan hệ ngoại giao, giao thương với nước bạn Campuchia…

Một lợi thế phải kể đến của Tây Ninh là vị trí địa lý nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - vùng kinh tế phát triển năng động nhất cả nước và nằm ở vị trí cầu nối giữa TP. Hồ Chí Minh và thủ đô Phnom Penh của Vương quốc Campuchia. Đây là cơ sở để Tây Ninh có điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội hơn nữa trong tương lai.

Bên cạnh những tuyến giao thông huyết mạch chạy qua địa phương như tuyến đường xuyên Á, quốc lộ 22 B… sắp tới đây, nhiều dự án giao thông quan trọng như đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh – Mộc Bài, đường Hồ Chí Minh, đường vành đai biên giới, đường sắt TP.HCM – Tây Ninh… sẽ đưa Tây Ninh trở thành cửa ngõ quan trọng trong giao thương quốc tế của các tỉnh trong vùng.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, kinh tế Tây Ninh phát triển nhưng cần có bước đột phá mạnh mẽ hơn, tìm ra các thế mạnh nổi trội và ứng dụng nhiều hơn nữa công nghệ cao, công nghệ sạch trong ngành chế biến sắn lát, mía đường, cao su.../.

Nguồn: Chinhphu.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất