Sáng 22/9, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức Hội thảo Giáo dục 2017 về chất lượng giáo dục phổ thông.
Tham dự có các đồng chí: Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Phan Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cùng các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý đến từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ngân hàng Thế giới, các trường đại học, Viện nghiên cứu...
* Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng chỉ rõ, nền giáo dục Việt Nam trong những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần to lớn trong công cuộc đổi mới hướng tới mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, trước sự vận động, phát triển không ngừng của khoa học – công nghệ, tri thức nhân loại, với yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ mới, nền giáo dục đang đứng trước yêu cầu phải đổi mới căn bản, toàn diện để đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, nhu cầu học tập suốt đời của nhân dân.
Xuất phát từ tầm quan trọng, sự quan tâm của toàn xã hội đối với chất lượng giáo dục phổ thông, đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, với tư cách là cơ quan của Quốc hội thực hiện chức năng giám sát, tham mưu hoàn thiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực giáo dục, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội thảo giáo dục với chủ đề: “Về chất lượng giáo dục phổ thông”. Hoan nghênh sáng kiến này của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, đây là dịp để lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài nước cùng bàn về những vấn đề cốt lõi trong việc nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông trước yêu cầu phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực người học.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình khẳng định: Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã yêu cầu và định hướng các nội dung: Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo trong giai đoạn phát triển công nghiệp, hội nhập quốc tế. Đến nay, giáo dục, đào tạo của Việt Nam đã có những kết quả nhất định, tuy nhiên nhận thức về thực trạng, các chính sách cụ thể trong giáo dục, đào tạo, nhất là giáo dục phổ thông vẫn còn phân tán, nhiều ý kiến rất khác nhau. Chủ nhiệm Phan Thanh Bình mong muốn, từ góc nhìn, vị thế của mỗi đại biểu, với một tâm huyết chung vì một nền giáo dục, đào tạo "khỏe mạnh", các đại biểu sẽ trao đổi, tạo nên sự đồng thuận trong nhận thức đồng thời có những ý kiến quý báu cho quản lý chung.
* Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục
Báo cáo về chất lượng giáo dục phổ thông, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, các mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông đều đã được thực hiện: phổ cập giáo dục Tiểu học và Trung học Cơ sở, xóa mù chữ, đảm bảo công bằng xã hội trong tiếp cận giáo dục giữa các nhóm trẻ ở các vùng miền, dân tộc, nam nữ, trẻ khuyết tật. Ở cấp Tiểu học, học sinh đã hình thành được nền tảng ban đầu để tiếp tục phát triển toàn diện đạo đức, trí tuệ, thể chất và thẩm mỹ. Kết quả học tập của học sinh Trung học Cơ sở ở nhiều môn được xếp thứ hạng cao trong tương quan so sánh với quốc tế. Phần lớn học sinh tốt nghiệp Trung học Phổ thông phát huy năng lực cá nhân để lựa chọn hướng phát triển, tiếp tục học Đại học, Cao đẳng, Trung cấp, học nghề hoặc đi vào cuộc sống lao động.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa thừa nhận, mặc dù giáo dục phổ thông hiện nay đạt được nhiều kết quả khả quan nhưng cũng bộc lộ những hạn chế. Cụ thể, mức độ đạt được kiến thức, kỹ năng, tỉ lệ đạt chuẩn về phổ cập giáo dục giữa các vùng nông thôn và thành thị, giữa trẻ em người Kinh và người dân tộc thiểu số còn có sự chênh lệch. Năng lực ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng của học sinh còn hạn chế. Bên cạnh đó, một bộ phận học sinh có biểu hiện hạn chế về đạo đức, lối sống, hạn chế trong năng lực hợp tác, sáng tạo...
Thảo luận tại Hội thảo, nhiều đại biểu đã chỉ ra những bất cập trong công tác giáo dục phổ thông hiện nay. Đó là tình trạng dạy học nặng lý thuyết chưa chú trọng tới thực hành. Công tác hướng nghiệp chưa thực sự đạt hiệu quả cao, định hướng nghề nghiệp của học sinh Trung học Cơ sở chưa rõ nét nên phân luồng sau Trung học Cơ sở gặp khó khăn, các chính sách phân luồng sau Trung học Cơ sở còn thiếu. Nguyên nhân của tình trạng này là do chương trình, sách giáo khoa phổ thông còn nặng nề, ôm đồm. Chương trình đào tạo sư phạm của Việt Nam còn nặng về lý thuyết và thiếu thực tập…
Từ thực tế này, các đại biểu đề nghị, cần nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của người học; đẩy mạnh đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông gắn với định hướng nghề nghiệp, phân luồng trong giáo dục phổ thông. Nhiều ý kiến nhận định, muốn thay đổi về chất với đội ngũ giáo viên, chương trình đào tạo sư phạm cần có sự đổi mới mạnh mẽ theo hướng tăng tính thực hành cho người học tiếp cận với thực tiễn dạy học phổ thông.
Tại Hội thảo, các nội dung về: Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông; các điều kiện đảm bảo như cơ sở vật chất, trang thiết bị để triển khai chương trình giáo dục phổ thông vào thực tiễn; việc quy hoạch mạng lưới trường sư phạm (nơi đào tạo giáo viên phổ thông); yêu cầu về môi trường làm việc, sự phát triển, việc giải quyết chế độ chính sách đối với đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; việc đào tạo, đào tạo lại đội ngũ nhà giáo đáp ứng về chuyên môn nghiệp vụ; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước với việc đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục phổ thông; vấn đề xã hội hóa trong giáo dục phổ thông … cũng được các đại biểu cho ý kiến và phân tích cụ thể./.
Phan Phương/TTXVN