Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa (1913-1997) có tên khai sinh là Phạm Quang Lễ, sinh trưởng trong một gia đình nhà giáo nghèo tại xã Chánh Hiệp (nay là xã Hòa Hiệp), huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Trong hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha mất khi mới 7 tuổi, song với tư chất thông minh, chăm chỉ, ham học, cậu bé Phạm Quang Lễ luôn đạt kết quả học tập xuất sắc toàn diện. Năm 20 tuổi (1933), Phạm Quang Lễ trở thành thủ khoa cả tú tài bản xứ và tú tài Tây. Tháng 9/1935, Phạm Quang Lễ sang Pháp du học khi tròn 22 tuổi. Ông thi đậu xuất sắc vào Trường Đại học Cầu đường Paris và được học bổng toàn phần của Chính phủ Pháp. Cùng thời gian đó, ông còn học thêm 2 trường: Trường Cao đẳng Kỹ thuật Paris, Trường Đại học Sorbone và nhận gần như cùng một lúc cả 3 bằng vào năm 1940. Sau đó, ông còn học tiếp và nhận thêm ba bằng kỹ sư khác là Hàng không, Mỏ - Địa chất và chế tạo máy. Ngoài đi nghe giảng, ông còn tham gia thực nghiệm, điền dã, đi thư viện đọc sách, nghiên cứu tài liệu về thiết kế, chế tạo vũ khí. Ông tự học tiếng Đức, tiếng Anh, tiếng Nga và sau này là tiếng Trung Quốc để tìm hiểu thêm về vũ khí của các nước có nền quân sự phát triển.
|
Bác Hồ làm việc với Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa. Ảnh tư liệu
|
Tháng 9/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp. Gặp được Người, ông tìm thấy con đường để thực hiện ước mơ ấp ủ, biến những kiến thức tích lũy được trong 11 năm thành hiện thực để phục vụ sự nghiệp cứu nước. Ông là một trong 3 người đầu tiên đi theo Bác về nước vào mùa thu năm 1946 (cùng với kỹ sư luyện kim Võ Quý Huân và bác sĩ Trần Hữu Tước), từ bỏ cuộc sống giàu sang ở nước Pháp về phục vụ Tổ quốc. Tháng 12/1946, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao trọng trách Cục trưởng Cục Quân giới - Bộ Quốc phòng (nay là Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng Việt Nam) kiêm Giám đốc Nha nghiên cứu Quân giới - Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội (nay là Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự). Cũng từ đây, cái tên Trần Đại Nghĩa được Chủ tịch Hồ Chí Minh khai sinh, với ý nghĩa, việc lo vũ khí cho quân đội phục vụ kháng chiến là việc đại nghĩa, và “họ Trần là họ của danh tướng Trần Hưng Đạo; Đại Nghĩa là nghĩa lớn để đến nhiệm vụ của mình với nhân dân, với đất nước. Đại Nghĩa còn là chữ của Nguyễn Trãi trong Bình Ngô đại cáo”. Kể từ đó, bí danh Trần Đại nghĩa đã gắn với ông trọn đời.
Trong suốt cuộc đời cống hiến cho khoa học, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng đặc biệt tin tưởng, giao nhiều chức vụ quan trọng. Trong quân đội ông từng giữ các chức vụ: Cục trưởng Cục Quân giới, Cục trưởng Cục Pháo binh, Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Phó chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật. Khi chuyển sang lĩnh vực dân sự, ông giữ các chức vụ: Thứ trưởng Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp nặng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, Hiệu trưởng đầu tiên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Chủ tịch đầu tiên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
|
Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng phát biểu.
|
Phát biểu khai mạc hội thảo, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết: Đại hội lần thứ nhất của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam vào ngày 26-3-1983 đã bầu Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa làm Chủ tịch. Ông trở thành vị Chủ tịch đầu tiên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, tổ chức với vai trò tập hợp, phát huy sức sáng tạo và cống hiến của đội ngũ các nhà khoa học, trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam góp phần phát triển khoa học, xây dựng đất nước.
Từ những ngày đầu gian khó, Liên hiệp Hội Việt Nam chỉ có 15 thành viên, không quản ngại khó khăn, vất vả, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa đã dành toàn bộ tâm huyết và sức lực từng bước xây dựng và phát triển tổ chức ngày càng lớn mạnh, góp phần không nhỏ trong tiến trình phát triển chính trị, xã hội, khoa học và kinh tế của Việt Nam. Ông đã được các nhà khoa học, các hội thành viên suy tôn làm Chủ tịch danh dự nhiệm kỳ II, nhiệm kỳ III và danh hiệu đó cũng đã theo ông đến cuối cuộc đời (1988-1997).
Tại buổi hội thảo, Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhận xét: Cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa gắn liền với nhiều mốc son lịch sử dân tộc trong thế kỷ XX. Ông là một nhà khoa học kiệt xuất, được mệnh danh là cha đẻ của ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam. Với những cải tiến, sáng chế được tạo bởi Trần Đại Nghĩa, vũ khí của Việt Nam đã có sức công phá lớn, trở thành nỗi khiếp sợ của quân thù. Thượng tướng cho biết, với những đóng góp to lớn của ông cho ngành quân giới nước nhà, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các nhà khoa học kỹ thuật quân sự, nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế tôn vinh Giáo sư là: “Ông Phật làm súng”, “Ông vua vũ khí”... Năm 1948, đồng chí Trần Đại Nghĩa được phong quân hàm Thiếu tướng và trở thành một trong những vị tướng đầu tiên của Quân đội ta. Năm 1952, ông là một trong ba người đầu tiên được phong tặng Anh hùng Lao động. Năm 1996, ông được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh Đợt 1 về cụm công trình nghiên cứu và chỉ đạo kỹ thuật chế tạo vũ khí (bazooka, súng không giật, đạn bay) trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954).
|
Thượng tướng Phạm Hoài Nam phát biểu tại Hội thảo
|
Thượng tướng Phạm Hoài Nam nhấn mạnh: Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa đã đi xa, nhưng những cống hiến, đóng góp của đồng chí với Ngành Kỹ thuật quân sự, Công nghiệp quốc phòng vẫn luôn có giá trị sâu sắc về lý luận và thực tiễn. Các thế hệ cán bộ, kỹ sư, công nhân viên và người lao động ngành kỹ thuật quân sự và công nghiệp quốc phòng hôm nay tiếp tục phát huy phương pháp tính toán thiết kế vũ khí, các nguyên lý cơ bản của thuốc phóng, thuốc nổ, hỏa cụ, thuật phóng… để nghiên cứu, thiết kế các loại vũ khí tích hợp hệ thống, các loại đạn dược thông minh, các loại khí tài công nghệ cao; đồng thời đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chuyên môn kỹ thuật tâm huyết, gắn bó, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; luôn chủ động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám dấn thân vì khoa học góp phần xây dựng và phát triển nền công nghiệp quốc phòng chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo.
PGS. TS. Trần Tuấn Anh, Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết: Để vinh danh và ghi nhận những đóng góp quý báu của Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, nhằm thúc đẩy công tác ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn, năm 2016, lần đầu tiên Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam ban hành quy chế Giải thưởng Trần Đại Nghĩa và tổ chức trao tặng Giải thưởng Trần Đại Nghĩa với chu kỳ 3 năm/lần. Qua 2 lần tổ chức, đã xét tặng được 6 Giải thưởng, tôn vinh 14 công trình xuất sắc về khoa học và công nghệ, trực tiếp triển khai ứng dụng các kết quả đó vào thực tiễn, đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhận định: Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa là một trong các nhà khoa học tiêu biểu của của giới trí thức cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, là tấm gương sáng về tài năng, đức độ và nhân cách của một trí thức lớn. Tên của ông thực sự phản ánh tài năng và phẩm chất của ông là luôn luôn vì đại nghĩa như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kỳ vọng: Tận trung với nước, tận hiếu với dân bằng sự lao động sáng tạo và quên mình, sẵn sàng hy sinh tất cả cho lợi ích của dân tộc, vì sự nghiệp đấu tranh giành độc lập và thống nhất cho đất nước...
Phát biểu tổng kết Hội thảo, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng nhấn mạnh: Hội thảo được tổ chức để tưởng nhớ, tôn vinh và tri ân những cống hiến to lớn của ông với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc; đồng thời là dịp tuyên truyền, giáo dục cán bộ, nhân dân, nhất là thế hệ trẻ học tập, rèn luyện theo tấm gương đạo đức cách mạng của thế hệ đi trước./.
Cao Nguyên