Vừa qua, Đoàn công tác Hội đồng Khoa học các cơ quan đảng Trung ương (HĐKH), do TS. Nguyễn Tiến Hoàng, Phó chủ tịch chuyên trách HĐKH làm trưởng đoàn đã có có chuyến khảo sát thực tế tại một số cơ quan đảng trực thuộc Tỉnh ủy Quảng Bình.
Đây là một trong những hoạt động có tính mở của HĐKH trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, nhằm thu thập thông tin thực tế, cung cấp những luận cứ khoa học đề xuất Ban Bí thư xem xét, ban hành chỉ thị về “Nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học lý luận chính trị phục vụ công tác tham mưu của các cơ quan Đảng ở Trung ương và các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương trong tình hình mới”.
Đoàn công tác đã có 4 cuộc làm việc với một số ban, ngành, huyện ủy trực thuộc Tỉnh ủy Quảng Bình, tập trung vào những nội dung thiết thực, sát với chức năng, nhiệm vụ được giao của từng cơ quan, địa phương.
Một là, làm việc với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về tình hình nghiên cứu khoa học phục vụ công tác tham mưu trên lĩnh vực tuyên giáo; nhấn mạnh vai trò nghiên cứu khoa học phục vụ công tác tham mưu giúp Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng gắn với Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ tỉnh.
Hai là, làm việc với Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) về vai trò tham mưu, giúp Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo việc nghiên cứu khoa, ứng dụng thành tựu KHCN vào phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng gắn với Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ tỉnh.
Ba là, làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư về tình hình nghiên cứu khoa học phục vụ công tác tham mưu xây dựng, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng gắn với Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ tỉnh.
Bốn là, làm việc với Huyện ủy Quảng Trạch về tình hình nghiên cứu khoa học phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng các Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.
Trong các cuộc làm việc, với tinh thần cởi mở, nghiêm túc, bảo đảm tính khoa học, cùng với những nội dung trao đổi, giới thiệu chức năng, nhiệm vụ và thành tựu nổi bật của HĐKH qua 26 năm xây dựng và trưởng thành; các thành viên trong Đoàn đã trao đổi, gợi mở, làm rõ một số vấn đề liên quan tới nghiên cứu khoa học phục vụ công tác tham mưu chiến lược ở cấp Trung ương và cấp tỉnh; lưu ý đặc thù nghiên cứu khoa học ở từng lĩnh vực liên quan chức năng, nhiệm vụ của ban, ngành cấp tỉnh, cấp huyện. Các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của các ban, ngành, địa phương báo cáo, trao đổi những nội dung chủ yếu, liên quan tới đánh giá tình hình nghiên cứu khoa học tại đơn vị; nêu rõ những thành công và hạn chế, vướng mắc; kinh nghiệm thực tiễn; kiến nghị, đề xuất.
TS. Nguyễn Tiến Hoàng, Phó chủ tịch chuyên trách HĐKH các cơ quan Đảng Trung ương phát biểu tại cuộc làm việc với Sở KHCN Quảng Bình.
Qua các cuộc làm việc, Đoàn khảo sát đã tổng hợp được một số kết quả bước đầu như sau:
Thứ nhất, về nhận thức. Cơ bản, lãnh đạo các ban, ngành, địa phương đã nhận thức đúng vị trí, vai trò, tầm quan trọng và ý nghĩa của việc nghiên cứu khoa học; đã có những kết quả tích cực trong cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn, phục vụ công tác tham mưu giúp Tỉnh ủy, Huyện ủy lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết của Trung ương, địa phương, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, góp phần tạo các bước phát triển có tính đột phá cho địa phương.
Các ban, ngành cấp tỉnh đã được Tỉnh ủy quan tâm giao nhiệm vụ nghiên cứu một số đề tài, đề án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hội đồng Khoa học của tỉnh đã thực hiện khá tốt nhiệm vụ xét, duyệt đăng ký đề tài, đề án, đánh giá, xếp loại kết quả nghiên cứu. Một số đề tài, đề án cấp huyện đã góp phần phục vụ thiết thực vào thực hiện các chương trình hành động sát hợp với điều kiện cụ thể, đặc thù địa phương.
Tuy nhiên, do nghiên cứu khoa học là lĩnh vực khó, phức tạp, có tính đặc thù, nên có những thời điểm, sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy còn lúng túng, chủ yếu giao khoán cho ban, ngành, địa phương; việc nghiên cứu khoa học chủ yếu còn mang tính tự phát do chưa có tầm tư duy tổng thể, mang tầm chiến lược trong từng nhiệm kỳ đại hội.
Thứ hai, về nội dung nghiên cứu. Chủ yếu là tổng hợp các quan điểm của Đảng liên quan tới lĩnh vực cụ thể, đồng thời tập trung nhiều hơn tới tổng kết thực tiễn gắn với việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng trên địa bàn tỉnh. Các đề tài, đề án do các sở, ban ngành cấp tỉnh và các phòng, ban cấp huyện đã và đang tiến hành đều trực tiếp phục vụ công tác tham mưu triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025. Nhìn chung, nội dung nghiên cứu phù hợp với chức năng, nhiệm vụ chính trị được giao, sát hợp với thực tiễn địa phương.
Hàng năm, mỗi sở, ban ngành cấp tỉnh có từ 1 - 2 đề tài, đề án trực tiếp phục vụ nhiệm vụ trọng tâm trên từng lĩnh vực cụ thể; các huyện được đăng ký ít nhất 1 đề tài, đề án. Từ năm 2008-2022, toàn tỉnh Quảng Bình có 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước; 18 đề tài nghiên cứu thuộc Chương trình nông thôn, miền núi; 202 đề tài, dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, bao gồm 68 đề tài khoa học xã hội, 21 đề tài khoa học nhân văn, 11 đề tài khoa học tự nhiên, 41 đề tài KHCN, 44 đề tài lĩnh vực nông thôn và 17 đề tài lĩnh vực y học.
|
Thứ ba, về quản lý và ứng dụng kết quả nghiên cứu. Sở KHCN là cơ quan đầu mối tham mưu, quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học trên địa bàn tỉnh. Hội đồng Khoa học cấp tỉnh không phải là cơ quan quản lý mà chỉ đảm nhiệm việc xét duyệt, đánh giá kết quả các đề tài, đề án, Hội đồng này bao gồm đại diện lãnh đạo của một số ban, ngành liên quan ở cấp tỉnh.
Theo chức năng, nhiệm vụ, các cơ quan chủ trì nghiên cứu căn cứ vào nguồn lực trong và ngoài cơ quan để tổ chức triển khai đề tài, đề án theo quy định, chịu sự quản lý của Sở KHCN. Sở KHCN theo dõi, đôn đốc, tổ chức các cuộc họp để Hội đồng Khoa học cấp tỉnh đánh giá, xếp loại. Sản phẩm nghiên cứu được ứng dụng vào việc ban hành văn bản của cấp ủy. Ví dụ, Đề tài “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh ở Quảng Bình” là luận cứ khoa học tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 08-Ctr/TU, ngày 26/12/2016 về đổi mới công tác cán bộ nhiệm kỳ 2015-2020, Chương trình hành động số 04-CTr/TU ngày 9/12/2020 về phát triển nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng cán bộ, nhiệm kỳ 2020-2025.
Thứ tư, về nguồn lực nghiên cứu khoa học. Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 có 23/51 Tỉnh ủy viên có trình độ trên Đại học, trong đó có 9 Tiến sĩ và tương đương; tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 có 36/49 Tỉnh ủy viên có trình độ trên Đại học, trong đó có 3 Tiến sĩ và tương đương. Trong cấp ủy các cấp ở tỉnh có 65 ủy viên Ban chấp hành đảng bộ, chi bộ là Tiến sĩ và tương đương, có 2 Phó Giáo sư.
Trên địa bàn tỉnh có 5 trường Đại học và Cao đẳng với số lượng cán bộ quản lý, giảng dạy là 840 người, trong đó có 2 Phó Giáo sư, 60 Tiến sĩ, 299 Thạc sĩ. Có 12 tổ chức KHCN, trong đó có 5 tổ chức KHCN công lập với 197 người, trong đó Thạc sĩ chiếm 28,4%, Đại học, Cao đẳng 66,6%. Có 2 tổ chức KHCN ngoài công lập. Có 2 doanh nghiệp KHCN với 65 người, trong đó 35 người trình độ từ Cao đẳng đến Tiến sĩ. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh có 16 hội viên, với 6.600 trí thức. Mỗi năm, tỉnh chi từ 35 - 40 tỉ đồng cho hoạt động nghiên cứu KHCN (tương đương khoảng 2% ngân sách của tỉnh).
Thứ năm, một số hạn chế. KHCN chưa thực sự được coi là quốc sách hàng đầu, chưa có cơ chế, chính sách đủ mạnh để thu hút nguồn lực tương xứng yêu cầu, nhiệm vụ trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị, một bộ phận cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của nghiên cứu khoa học phục vụ công tác tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách chưa sâu sắc, còn nhiều hạn chế. Sự quan tâm tạo điều kiện, môi trường cho đội ngũ cán bộ tham mưu làm công tác nghiên cứu khoa học nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu.
Đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học trong công tác tham mưu thiếu về số lượng và yếu về chất lượng, nhất là thiếu những chuyên gia giỏi, chuyên gia đầu ngành ở những lĩnh vực quan trọng, chủ chốt của tỉnh. Một số cán bộ nghiên cứu, tham mưu chưa chịu khó học tập, nghiên cứu, rèn luyện (nhất là đăng ký đề tài khoa học gắn với nhu cầu phát triển của địa phương) để nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu tham mưu trong giai đoạn cách mạng mới.
Một số đề tài nghiên cứu chất lượng, tính khả thi và khả năng ứng dụng vào thực tiễn chưa cao. Chưa có các đề tài, đề án trọng điểm mang tính chất đúc kết thực tiễn đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Bình.
Thứ sáu, nguyên nhân của hạn chế. Quảng Bình là tỉnh xa các trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ của đất nước. Điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn, do đó khó thu hút các trung tâm nghiên cứu lớn, các nhà khoa học, các chuyên gia giỏi, chuyên gia đầu ngành để tư vấn, phản biện và thẩm định các công trình nghiên cứu quan trọng liên quan đến chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của địa phương.
Nghiên cứu khoa học nói chung, nhất là nghiên cứu khoa học phục vụ công tác tham mưu đòi hỏi sự tận tâm, tận lực, cống hiến hết mình về trí tuệ, tâm huyết, đạo đức, trách nhiệm. Tuy nhiên, việc thu hút cán bộ, tôn vinh, đãi ngộ trí thức vào các lĩnh vực nghiên cứu khoa học của tỉnh còn nhiều khó khăn.
Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giao nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của Tỉnh ủy cho các ban, ngành trực thuộc, tính chủ động phát hiện vấn đề trong thực tiễn để đăng ký, đề xuất nội dung nghiên cứu phục vụ công tác tham mưu phù hợp chức năng, nhiệm vụ của các ban, ngành còn rất hạn chế.
Thứ bảy, đề xuất, kiến nghị. 1) Trung ương có cơ chế, chính sách đối với nghiên cứu khoa học phục vụ công tác tham mưu giúp Tỉnh ủy có cơ sở khoa học để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương. 2) Tỉnh ủy và cấp ủy đảng cần quan tâm hơn nữa tới việc nghiên cứu khoa học, giao nhiệm vụ, đặt hàng cho các ban và Văn phòng Tỉnh ủy nghiên cứu, thực hiện nhiều hơn các đề tài khoa học, sáng kiến kinh nghiệm phục vụ công tác tham mưu cho cấp ủy. 3) Ban Tuyên giáo Trung ương, HĐKH các cơ quan đảng Trung ương thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ nghiên cứu khoa học phục vụ công tác tham mưu cho cán bộ các ban đảng và văn phòng cấp ủy các địa phương./.
PGS. TS. TRẦN VIẾT LƯU