Thứ Ba, 15/10/2024
Học và làm theo Bác
Thứ Sáu, 17/5/2019 17:35'(GMT+7)

Hội thảo khoa học: 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019)

Kỷ niệm 129 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 - 2019), 50 năm thực hiện Di chúc của Người (1969 - 2019), sáng ngày 17/5, Học viện Chính trị khu vực II tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hội thảo là một trong những sự kiện hướng đến chào mừng 70 năm truyền thống vẻ vang Trường Đảng miền Nam - Học viện Chính trị khu vực II (1949 - 2019).

Chủ trì Hội thảo: TS. Nguyễn Thị Hoa Phượng - Phó Trưởng khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, ThS. Đoàn Tất Hoài - Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng, ThS. Phạm Hồng Hải - Phó Trưởng khoa Chủ nghĩa xã hội khoa học. Dự hội thảo: Về phía Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có PGS, TS. Hồ Trọng Hoài - Viện trưởng Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học; PGS, TS. Lý Việt Quang - Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ Đảng.

Về phía Học viện Chính trị khu vực II có TS. Phan Công Khanh - Phó Giám đốc Học viện; lãnh đạo các khoa, phòng, ban và toàn thể giảng viên, nghiên cứu viên của Học viện. Về phía các cơ quan, đơn vị có PGS, TS. Phước Minh Hiệp - Vụ trưởng phụ trách phía Nam, Tạp chí Cộng sản; ThS. Lưu Thị Tuyết Trinh - Giám đốc Chi nhánh Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Thành phố Hồ Chí Minh; ThS. Nguyễn Minh Hải - Tạp chí Sổ tay xây dựng Đảng; một số giảng viên, nghiên cứu viên của Học viện Chính trị khu vực IV; đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Tiền Giang; đại diện lãnh đạo Trường Chính trị các tỉnh, thành: Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Đồng Tháp, Long An, Tây Ninh và Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh; ngoài ra, còn có sự tham dự của các nhà khoa học đến từ một số trường đại học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

TS. Phan Công Khanh thay mặt lãnh đạo Học viện Chính trị khu vực II đã phát biểu khai mạc Hội thảo, đã khẳng định, cách đây 50 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh hoàn tất việc viết Di chúc. Thời gian càng lùi xa càng khiến chúng ta nhận ra rằng, chúng ta vẫn chưa thể hiểu hết tư tưởng của Người trong Di chúc. Khi thực tiễn đặt ra những thử thách mới, giở lại Di chúc, chúng ta thấy rõ những lời chỉ dẫn ngay trong những câu chữ quen thuộc. TS. Phan Công Khanh nhấn mạnh, Hồ Chí Minh là người tìm đường, mở đường, dẫn đường cho dân tộc Việt Nam phát triển. Vì vậy, nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng Di chúc chưa bao giờ cũ, nội dung và ý nghĩa của nó vẫn tiếp tục soi sáng sự nghiệp xây dựng đất nước hiện nay. Hội thảo là dịp chúng ta ôn lại những lời chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, kiểm điểm những việc đã làm được và chưa làm được trong nửa thế kỷ qua, từ đó nỗ lực nhiều hơn để thực hiện bằng được mong muốn của Người.

Phát biểu Đề dẫn Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Hoa Phượng nhấn mạnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa 50 năm, nhưng Di chúc của Người vẫn còn nguyên những giá trị và đang được Đảng, nhân dân ta tích cực thực hiện trong quá trình xây dựng đất nước. Đồng chí đã khái quát bối cảnh lịch sử đất nước và quá trình viết Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; về việc công bố Di chúc của Đảng Cộng sản Việt Nam.

TS. Nguyễn Thị Hoa Phượng khẳng định, sau 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta càng thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Người, đặc biệt là đối với công tác xây dựng Đảng. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng luôn xác định công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hơn bao giờ hết, để đi tới mục tiêu chủ nghĩa xã hội theo di nguyện của Người, Đảng phải đặc biệt coi trọng công tác đào tạo đội ngũ cán bộ, nhất là đối với cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tầm tư duy chiến lược, chưa đựng những giá trị to lớn đã trở thành tài sản vô giá, là bảo vật quốc gia, là ngọn đuốc soi đường, kim chỉ nam cho hành động của cách mạng Việt Nam đi tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Như chúng ta đã biết, Di chúc được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết từ năm 1965 đến năm 1969, được Người sửa chữa, bổ sung qua các năm. Nội dung Di chúc là một bản tổng kết sâu sắc, toàn diện kinh nghiệm, quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, những trải nghiệm, đường hướng phát triển tương lai của dân tộc; đồng thời, thể hiện lẽ sống ở đời và làm người của vị lãnh tụ, anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh.

Di chúc chứa đựng các giá trị phổ quát, bao trùm mọi mặt đời sống xã hội, từ kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, đạo đức, quan hệ và nguyên tắc ứng xử giữa các quốc gia - dân tộc. Các nội dung trong Di chúc đã đạt đến chiều sâu văn hóa, nhân văn. Bản Di chúc lịch sử là tác phẩm thể hiện một cách đậm nét phong cách tư duy, chất trí tuệ, ngôn ngữ giản dị, gần gũi với đời thường nhưng có sức lay động lòng người của Hồ Chí Minh.

50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã ra sức phấn đấu và giành được nhiều thắng lợi trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, trong quá trình đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, với nhiều thời cơ, vận hội mới, nhưng cũng đầy khó khăn, thách thức.

Với hơn 100 bài tham luận tiếp cận chủ đề Hội thảo trên nhiều chiều cạnh khác nhau và các ý kiến phát biểu của các nhà khoa học, Hội thảo đã tiếp tục làm sáng tỏ nội dung, giá trị lịch sử của Di chúc. Bên cạnh đó, những thành tựu, hạn chế trong 50 năm thực hiện Di chúc trên các mặt: xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội - văn hóa, phát triển con người, công tác đối ngoại, hoạt động quốc phòng - an ninh… Những bài học kinh nghiệm rút ra qua 50 năm thực hiện Di chúc cũng được nhiều tham luận và ý kiến phát biểu tiếp cận.

Đặc biệt, trong khuôn khổ của Hội thảo, một số nhà khoa học đã có cách tiếp cận rất hay để khẳng định giá trị to lớn của Di chúc, như: Tư duy nhìn xa, trông rộng của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua Di chúc của Người; Di chúc - Bảo vật quốc gia nhìn từ góc độ văn hóa chính trị; Chân dung Hồ Chí Minh qua Di chúc; Không gian văn hóa trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; “Phá rào” trong kinh tế trước đổi mới - một nỗ lực lớn để thực hiện thắng lợi ước nguyện của Bác trong Di chúc… Cùng với đó, việc thực hiện Di chúc gắn với từng lĩnh vực cụ thể, việc thực hiện Di chúc ở một số địa phương, đơn vị cũng được nhiều tham luận và ý kiến phát biểu đề cập; việc giảng dạy tư tưởng nói chung, làm rõ và sâu sắc hơn những chỉ dẫn trong Di chúc nói riêng cũng thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học…

Tổng kết Hội thảo, ThS. Phạm Hồng Hải nêu rõ, 50 năm qua, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã thực hiện tốt những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc, nhưng vẫn đó những hạn chế cần sớm được khắc phục. Bên cạnh việc làm rõ giá trị và ý nghĩa to lớn của Di chúc, những chỉ dẫn quan trọng của Người, Hội thảo đã có những tham luận, ý kiến phát biểu về việc thực hiện Di chúc tại các địa phương, đơn vị, cơ quan; đồng thời, chỉ ra những bài học kinh nghiệm, đề xuất các biện pháp để thực hiện tốt hơn nữa các mong ước của Người trước lúc đi xa.

Phi Hùng - Bích Cần

 

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất