Thứ Ba, 8/10/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 10/1/2012 23:5'(GMT+7)

Hội thảo khoa học: “Tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện công bằng xã hội trong điều kiện hội nhập quốc tế ở Việt Nam”

Hội thảo đã nhận được 53 bản tham luận của các nhà khoa học từ các cơ sở đào tạo, nghiên cứu và hoạch định chính sách khác nhau…Các bản tham luận đã tập trung làm rõ những nội dung liên quan đến tăng trưởng kinh tế, văn hóa và thực hiện công bằng xã hội. Trong đó, ý kiến phát biểu của GS. TSKH. Vũ Minh Giang và các tham luận đã tập trung giải quyết vấn đề: tăng trưởng và phát triển kinh tế  và giải thành công bài toán tăng trường để có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế đủ cao trong một thời gian dài là chìa khóa để một nước có thể thoát khỏi thân phận nghèo khó, vươn lên thành một nước giàu hay một “quốc gia phát triển”... Vì, để cải thiện mức sống và phúc lợi chung của phần đông dân chúng, không thể không thúc đẩy và duy trì tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, các tham luận cũng nêu rõ: tăng trưởng kinh tế không phải là một mục tiêu tự thân. Ít nhất, đối với các nước đang phát triển, việc thuần túy theo đuổi mục tiêu gia tăng mức thu nhập bình quân đầu người có thể dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng: chất lượng và hiệu quả tăng trưởng thấp (chẳng hạn do tăng trưởng được duy trì chủ yếu bằng việc huy động tận lực các đầu vào sản xuất sẵn có); bất bình đẳng trong phân phối thu nhập cũng như các căng thẳng xã hội gia tăng; môi trường bị hủy hoại và tàn phá; bản sắc và các giá trị văn hóa không được gìn giữ, bị xói mòn.

Trong môi trường cạnh tranh và hội nhập quốc tế, những hệ lụy không mong muốn này có nguy cơ trở nên trầm trọng hơn. Điều đó, nếu xảy ra, chẳng những sẽ không đem lại một cuộc sống hạnh phúc, trường thọ cho đại đa số người dân mà còn đe dọa ngay cả tính bền vững của quá trình tăng trưởng xét trong dài hạn. Vì thế, tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững, trong đó quá trình tăng trưởng kinh tế được gắn kết hài hòa với sự nghiệp phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, gìn giữ môi trường được coi là chiến lược tăng trưởng cần được các nước lựa chọn hiện nay.

Ở Việt Nam, quá trình Đổi mới đã giải phóng các tiềm năng của nền kinh tế vốn bị kìm hãm trong cơ chế kinh tế cũ trước đây. 25 năm vừa qua cũng là thời kỳ mà nền kinh tế đất nước vượt qua được nhiều thách thức, có được những thành tựu tăng trưởng ấn tượng. Nhờ duy trì được tốc độ tăng trưởng tương đối cao trong suốt một thời gian dài, đất nước bắt đầu ra khỏi tình trạng kém phát triển và được xếp vào hàng ngũ các nước “có mức thu nhập trung bình thấp”. Tuy nhiên, trong một vài năm gần đây, tăng trưởng có xu hướng chững lại. Điều đáng nói là sự chững lại này không chỉ bắt nguồn từ các tác động bên ngoài gắn với cuộc khủng hoảng, suy thoái kinh tế toàn cầu vừa qua mà còn bắt nguồn từ những các yếu kém nội tại của nền kinh tế...

Ngoài ra, các vấn đề: Chống đói nghèo, giảm nghèo bền vững, công bằng xã hội – nhìn từ nhóm lợi ích, vai trò của nguồn lực trí tuệ trong phát triển bền vững, các yếu tố phát triển bền vững và ảnh hưởng của chúng đối với phát triển nhanh và bền vững ở Việt Nam hiện nay…cũng được đề cập tại Hội thảo này.

Nội dung của các tham luận là những ý kiến đa diện, tập trung vào những vấn đề hết sức cấp thiết của thực tiễn, không chỉ là tài liệu quý cho công tác giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng, mà còn là cơ sở cho những quyết định khoa học của các cơ quan chức năng./.

Lưu Trần Nam Anh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất