Thứ Ba, 17/9/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 6/12/2014 13:35'(GMT+7)

Hội thảo khoa học – thực tiễn: “Hội nhập kinh tế quốc tế - 30 năm nhìn lại và thực tiễn Quảng Ninh”

Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương phát biểu khai mạc hội thảo

Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương phát biểu khai mạc hội thảo

 Chủ trì hội thảo có các đồng chí Vương Đình Huệ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương; Phạm Minh Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh;  đồng chí Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương. Tham dự hội thảo còn có các đồng chí Vũ Khoan, Nguyên Phó Thủ tướng Chính Phủ; Hà Đăng nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương; Vũ Văn Hiền Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương. Hội thảo còn có sự tham dự của hơn 200 đại biểu nguyên là lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và một số địa phương; các diễn giả, nhà khoa học hàng đầu trong cả nước.

Hội thảo được tổ chức nhằm tổng kết một số vấn đề lý luận – thực tiễn về hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta và thực tiễn hội nhập kinh tế quốc tế của Quảng Ninh, qua 30 năm thực hiện đường lối đổi mới toàn diện đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian tới, thiết thực hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Phát biểu khai mạc Hội thảo đồng chí Vương Đình Huệ, UVTW Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết: Trong gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, quan điểm của Đảng ta về hội nhập kinh tế quốc tế được hình thành, bổ sung và hoàn thiện không ngừng qua các kỳ Đại hội Đảng và các Hội nghị Trung ương giữa các kỳ Đại hội. Triển khai các quan điểm, chủ trương của Đảng về hội nhập kinh tế quốc tế, nước ta đã đạt được những kết quả rất quan trọng trên lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế. Những thành tựu đạt được trong hội nhập kinh tế quốc tế đã làm tăng thế và lực của nước ta từ “phá thế bị bao vây, cấm vận”, tiến đến “hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới” và tiếp theo là “chủ động, tích cực hội nhập quốc tế” một cách toàn diện; từ chủ trương “muốn là bạn” đến “sẵn sàng là  bạn”, “là bạn, là đối tác tin cậy”, “là thành viên có trách nhiệm” của cộng đồng quốc tế.

Tuy nhiên, cùng với những thành tựu đạt được, trong quá trình triển khai chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng, ông Vương Đình Huệ cho rằng: Đã nổi lên không ít những hạn chế, yếu kém của hội nhập kinh tế và mở rộng quan hệ đối ngoại ở nước ta trong thời gian qua, Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 10 tháng 4 năm 2013, của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế chỉ rõ: Chủ trương của Đảng chưa được quán triệt và thực hiện đầy đủ, chưa được cụ thể hóa và thể chế hóa. Các cấp, các ngành, các tổ chức và cá nhân chưa nhận thức sâu sắc và chưa chủ động  tận dụng các cơ hội, thời cơ, chưa thấy rõ thách thức để chủ động ứng phó, chưa lường trước các tác động tiêu cực từ bên ngoài để có những biện pháp hạn chế hữu hiệu.

Đặc biệt, Hội nhập kinh tế quốc tế chưa gắn kết chặt chẽ với yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả và tính bền vững của sự phát triển kinh tế, yêu cầu củng cố quốc phòng, bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc. Các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế và mở rộng quan hệ trong các lĩnh vực khác chưa được triển khai đồng bộ, nhịp nhàng trong một chiến lược tổng thể. Cơ chế chỉ đạo, điều hành, phối hợp thực hiện và giám sát quá trình hội nhập từ Trung ương đến địa phương, giữa các ban, ngành có nhiều bất cập. Chất lượng nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng chậm được cải thiện. Năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, doanh nhân chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập.
 

Các đại biểu tham dự hội thảo

Đồng chí Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương khẳng định: Hội nhập kinh tế quốc tế là một quá trình đi liền với toàn cầu hóa kinh tế, là kết quả tất yếu khách quan của sự phát triển lực lượng sản xuất xã hội. Đối với các quốc gia, hội nhập kinh tế quốc tế có trọng tâm là tham gia vào các tổ chức kinh tế, tài chính, thương mại khu vực và toàn cầu; tham gia vào phân công lao động, hợp tác quốc tế, kết hợp có hiệu quả nguồn lực trong nước với nguồn lực bên ngoài, mở rộng không gian và môi trường để phát triển, chiếm lĩnh vị trí phù hợp nhất trong nền kinh tế khu vực thế giới.

Trong quá trình Hội thảo, Ban Tổ chức đã nhận được 146 bản tham luận của các nhà lãnh đạo, quản lý, hoạt động thực tiễn ở trong và ngoài nước, các nhà khoa học. Ở nhiều khía cạnh khác nhau, các tham luận gửi tới Hội thảo tập trung làm rõ 4 nhóm vấn đề chính sau:

Thứ nhất, quá trình nhận thức của Đảng ta, việc triển khai chủ trương của Đảng, các chính sách của Nhà nước về hội nhập kinh tế quốc tế; kinh nghiệm của nước ta và một số nước về hội nhập kinh tế quốc tế.

Thứ hai, thành tựu, hạn chế và những vấn đề đặt ra của hội nhập kinh tế quốc tế trong gần 30 năm qua.

Thứ ba, những thành tựu, hạn chế và các vấn đề đặt ra của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Quảng Ninh trong gần 30 năm qua.

Thứ tư, cơ hội, thách thức và các giải pháp, kiến nghị để Việt Nam hội nhập quốc tế với trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế, có hiệu quả trong thời gian tới.

Số lượng các tham luận và các ý kiến phát biểu tại Hội thảo cho thấy tầm quan trọng của vấn đề và sự quan tâm của các tác giả về một vấn đề lớn của đất nước. Những ý kiến đóng góp, trao đổi, thảo luận tâm huyết, có trách nhiệm của các đồng chí đại biểu, các nhà lãnh đạo, quản lý, các nhà khoa học sẽ góp phần thiết thực vào việc tổng kết quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước gần 30 năm qua, qua đó tạo sự uy tín, vững tâm và nỗ lực để chúng ta tiếp tục chủ động, tích cực hội nhập quốc tế trên tất cả các lĩnh vực, trong đó lĩnh vực kinh tế là trọng tâm, không ngừng nâng cao nội lực và vị thế quốc gia./.

Duy Phong


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất