Chủ Nhật, 8/12/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Sáu, 30/9/2022 14:44'(GMT+7)

Hội thảo khoa học “Văn hóa, con người Vĩnh Phúc trong phát triển bền vững”

Đ/c Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại Hội thảo

Đ/c Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại Hội thảo

Các đồng chí: Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo. 

Dự hội thảo có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các đồng chí Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương cùng đông đảo các khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh nhấn mạnh: Hòa cùng dòng chảy văn hóa của dân tộc, Vĩnh Phúc đã tạo dựng nên diện mạo một vùng đất vừa mang hồn cốt chung của dân tộc Việt Nam, vừa mang cốt cách riêng của miền quê văn hiến; con người nơi đây hội tụ, giao thoa trong sự thống nhất đa dạng của nền văn minh sông Hồng, có tìnhyêu quê hương, đất nước nồng nàn, kiên cường, dũng cảm chống giặc ngoại xâm, khắc phục, chế ngự thiên nhiên; có truyền thống hiếu học, khoa bảng với nhiều danh nhân kiệt xuất. Suốt chiều dài lịch sử, các thế hệ người dân Vĩnh Phúc đã đồng lòng, chung sức vượt qua khó khăn, gian khổ, đoàn kết, nhân ái, nghĩa tình, khát vọng, sáng tạo, đổi mới cùng dựng xây quê hương, đất nước. Vĩnh Phúc còn là miền giao thoa giữa vùng văn hóa Hùng Vương với văn hóa Kinh Bắc - Thăng Long, nơi lưu giữ các giá trị của hệ thống di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia đặc sắc với trên 1.300 di tích lịch sử - văn hóa với đủ các loại hình, trong đó có 446 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 65 di tích cấp quốc gia và 3 di tích quốc gia đặc biệt, 1 bảo vật quốc gia. Là trung tâm sinh tụ, nơi phát lộ dấu tích của người Việt cổ, nơi giao thoa giữa vùng văn hóa Hùng Vương với văn hóa Kinh Bắc - Thăng Long; một trong những trung tâm nho học, với 86 tiến sĩ. Đặc biệt, trải qua mỗi chặng đường lịch sử, truyền thống văn hóa Vĩnh Phúc lại được kết tinh, bồi đắp thêm những lớp giá trị và di sản vô giá; con người Vĩnh Phúc được tôi rèn thêm những phẩm chất đặc thù, xứng đáng là chủ nhân của một vùng trọng địa, thiêng liêng.

Để thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh gắn với phát triển bền vững, một trong những yếu tố quan trọng là tìm hiểu, nghiên cứu đầy đủ hơn, sâu sắc hơn và làm rõ nét giá trị văn hóa của vùng đất, con người Vĩnh Phúc; về vai trò, vị trí, những đóng góp của Vĩnh Phúc trong tiến trình phát triển của dân tộc; qua đó xác định nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Phúc, đó là một trong những mục tiêu quan trọng của sự nghiệp phát triển bền vững, tạo tiền đề để xây dựng và phát triển tỉnh Vĩnh Phúc giàu có, phồn vinh như lời căn dặn của Bác Hồ khi về thăm tỉnh ngày 2/3/1963. Bí Thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan đề nghị các nhà khoa học, các đại biểu đóng góp các ý kiến, cung cấp nguồn tư liệu, đánh giá toàn diện, sâu sắc về nguồn lực, những đặc trưng cơ bản của văn hóa, con người Vĩnh Phúc. Trên cơ sở đó, đề xuất các mô hình, giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý nhà nước về văn hóa; các mô hình, giải pháp phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển bền vững giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. thông qua Hội thảo sẽ thúc đẩy gắn kết và hợp tác chặt chẽ, thiết thực và hiệu quả giữa tỉnh Vĩnh Phúc với các Bộ, ngành, cơ quan khoa học và công nghệ ở Trung ương. Từ kết quả của Hội thảo, làm cơ sở để Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết về xây dựng văn hóa, con người Vĩnh Phúc trong phát triển bền vững.

Phát biểu tham luận tại Hội thảo, các nhà khoa học đã tập trung làm rõ những yếu tố đặc trưng của văn hóa, con người Vĩnh Phúc trong tiến trình lịch sử. Đồng thời đưa ra các giải pháp, nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Phúc hướng đến chân - thiện - mỹ trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Khẳng định xây dựng văn hóa trong chính trị - nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng phẩm chất của người lãnh đạo, PGS.TS Lê Văn Chiến - Viện trưởng Viện Lãnh đạo học và Chính sách công, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đưa ra 7 nhóm giải pháp để khơi dậy khát vọng phát triển, giúp Vĩnh Phúc hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững.

PGS.TS Lê Văn Chiến - Viện trưởng Viện Lãnh đạo học và Chính sách công, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tham luận tại Hội Thảo

PGS.TS Lê Văn Chiến - Viện trưởng Viện Lãnh đạo học và Chính sách công, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tham luận tại hội thảo

Về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Vĩnh Phúc trong phát triển kinh tế - xã hội, PGS.TS Đỗ Văn Trụ - Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng, để văn hóa thực sự trở thành nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Vĩnh Phúc cần nhận thức sâu sắc về vai trò di sản văn hóa; bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phải trở thành một trong những nhiệm vụ chiến lược, thường xuyên của tỉnh như tầm quan trọng của các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, trở thành ý thức của cả hệ thống chính trị. Phát huy vai trò của cộng đồng, của tổ chức và cá nhân trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ; đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về di sản văn hóa tới bạn bè quốc tế và gắn chặt giữa di sản văn hóa với phát triển du lịch, xây dựng Vĩnh Phúc thành một điểm đến hấp dẫn.

Từ hệ giá trị con người Việt Nam, bàn về việc xây dựng con người Vĩnh Phúc, TS. Nguyễn Viết Chức - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội - cho biết, người Vĩnh Phúc có đủ 4 phẩm chất góp phần tạo nên hệ giá trị chuẩn mực, cốt lõi của con người Việt Nam gồm: Yêu nước, ý chí tự cường dân tộc; nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, trọng đạo lý; đoàn kết; cần cụ, sáng tạo. Trong thời kỳ phát triển mới, với khát vọng đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, Vĩnh Phúc cần gắn tình yêu quê hương, đất nước với việc đổi mới, xây dựng tỉnh ngày càng giàu có, phồn vinh theo lời căn dặn của Bác. Đồng thời phát huy tốt phẩm chất tiên phong, quả cảm, sáng tạo, coi hệ giá trị con người là mốc chuẩn tu dưỡng, rèn luyện, vững tin trong mọi hoàn cảnh để phấn đấu vươn lên...

Tại Hội thảo có 11 ý kiến, tham luận của các nhà khoa học, các đại biểu tại Hội thảo, Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan khẳng định, các ý kiến, nguồn tư liệu về văn hóa, con người được các nhà khoa học đưa ra tại Hội thảo là những thông tin mới và là cơ sở quan trọng cả về lý luận và thực tiễn để Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng văn hóa, con người Vĩnh Phúc trong phát triển bền vững. Đồng thời yêu cầu ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch có đánh giá tổng thể về hiện trạng phát triển văn hóa Vĩnh Phúc hiện nay và đề xuất các giải pháp quản lý, phát triển các di tích lịch sử mang ý nghĩa biểu trưng văn hóa của tỉnh như: Tháp Bình Sơn, Đình Thổ Tang, di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Tây Thiên- Tam Đảo, di chỉ Đồng Đậu, các di tích cách mạng, di tích lưu niệm Bác Hồ tại thị trấn Tam Đảo, di tích chiến khu Ngọc Thanh, tín ngưỡng thời mẫu Tây Thiên, hát Trống quân Đức Bác, hát Soọng cô. Công tác đầu tư, phát triển các lễ hội truyền thống, các tín ngưỡng thờ Mẫu, hoạt động quản lý, phát triển tại các làng tiến sỹ; công tác quản lý, phát triển hoạt động sáng tạo nghệ thuật; việc khai thác, quản lý các thiết chế văn hóa, hoạt động văn hóa ở cơ sở....

Đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, đề xuất giải pháp xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Vĩnh Phúc. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với các huyện, thành phố tham mưu, đề xuất việc phát động tập và thực hành văn hóa lãnh đạo theo gương cố Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc nhằm phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, giám làm, dám chịu trách nhiệm. UBND tỉnh sớm ban hành dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các khu du lịch, các tua, tuyến gắn với du lịch sinh thái, du lịch tâm linh tại Tây Thiên Tam Đảo, Văn Miếu. Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các huyện thành phố phối hợp với các vụ, viện của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan Trung ương trong đề xuất Nhà nước cấp bằng di tích, di sản cho một số di tích, di sản cụ thể. 

Sau Hội thảo, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc sẽ nghiên cứu và trình Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết chuyên đề về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Phúc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”./.

 Nguyễn Duyên

 Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất