Thứ Bảy, 12/10/2024
Tin hoạt động
Thứ Hai, 17/11/2008 16:5'(GMT+7)

Hội thảo khoa học " Văn học, nghệ thuật trong cơ chế thị trường và hội nhập"

GS, TS Phùng Hữu Phú phát biểu khai mạc Hội thảo

GS, TS Phùng Hữu Phú phát biểu khai mạc Hội thảo

Đến dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trương Tấn Sang, Thường trực Ban Bí Thư Trung ương, Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; đồng chí Phùng Hữu Phú, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương và hơn 200 văn nghệ sĩ, các nhà sáng tác, nghiên cứu, quản lý văn hóa, văn nghệ, đại diện các Hội văn học nghệ thuật ở trung ương và địa phương, cùng đại diện nhiều Bộ, Ban, ngành của Trung ương, địa phương, các cơ quan thông tấn, báo chí. 
Sau phát biểu tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu của PGS, TS Nguyễn Hồng Vinh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng, GS, TS Phùng Hữu Phú, đã phát biểu khai mạc nêu rõ bối cảnh, cùng những mục tiêu đặt ra của Hội thảo. Đồng chí nhấn mạnh:

" Những năm qua, văn học, nghệ thuật nước nhà có bước phát triển mới, đồng thời có những biến đổi sâu sắc, xuất hiện những đặc điểm mới, những vấn đề rất mới về lý luận và thực tiễn đòi hỏi phải được nhận thức đúng và có thái độ ứng xử văn hoá đúng, tìm chọn những giải pháp phù hợp, linh hoạt và sáng tạo để tiếp tục phát triển văn học, nghệ thuật. Đó là công việc lớn và phức tạp mà toàn bộ giới nghiên cứu, sáng tạo và hoạt động văn học, nghệ thuật cần phối hợp, hiệp lực cùng tham gia giải quyết.

Với chức năng, nhiệm vụ được Ban Bí thư TW Đảng giao là "cơ quan tư vấn cho Đảng, Nhà nước về công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật; đánh giá tình hình sáng tác, lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật; tổng kết việc thực hiện đường lối văn nghệ của Đảng, đề xuất các nội dung đổi mới, hoàn chỉnh đường lối văn học, nghệ thuật của Đảng... ", thời gian qua, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật TW nhiệm kỳ Đại hội X đã trân trọng lắng nghe, tiếp nhận các ý kiến, suy nghĩ của nhiều nhà hoạt động, sáng tạo trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật; đã trao đổi, thảo luận dân chủ trong Hội đồng và nhận thấy rằng, một trong những vấn đề lớn và mới, vừa ở tầm vĩ mô, vừa rất vi mô, ảnh hưởng sâu sắc, toàn diện cả tích cực và tiêu cực đến đời sống văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay và từ nay về sau, đó là vấn đề "Văn học, nghệ thuật trong cơ chế thị trường và hội nhập".

Đường lối đổi mới toàn diện về kinh tế của Đảng nhằm đưa nước ta thoát khỏi nền kinh tế quan liêu, bao cấp để chuyển sang kinh tế nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường định hướng XHCN đã tác động đến toàn bộ đời sống nước ta, tạo ra cơ sở kinh tế - xã hội mới cho các hoạt động tinh thần; từ đó tác động sâu sắc đến mọi lĩnh vực của đời sống văn học, nghệ thuật, từ sáng tác đến lý luận, phê bình; từ bảo vệ, lưu giữ đến truyền bá, giới thiệu sản phẩm văn học, nghệ thuật; từ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ đến công tác lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật.

Rất nhiều vấn đề mới, khó và đang còn là ẩn số đối với chúng ta, cần tập trung trí tuệ, tâm sức và kinh nghiệm để lý giải, đánh giá, phân tích, từng bước giải mã, trong đó điều trăn trở nhất là, để đảm bảo định hướng XHCN trước sự tác động khắc nghiệt của cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế, chúng ta cần và phải làm gì, làm như thế nào để văn học, nghệ thuật nước nhà tiếp tục phát triển phong phú, đa dạng, lành mạnh, bền vững.

Với suy nghĩ trên, được sự đồng tình của nhiều nhà hoạt động, sáng tạo văn học, nghệ thuật, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật TW quyết định tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề "Văn học, nghệ thuật trong cơ chế thị trường và hội nhập", xem đây là cơ hội tốt để được tiếp thu các ý kiến tâm huyết của những người đã và đang gắn bó sâu nặng với sự nghiệp phát triển văn học, nghệ thuật nước nhà.

Mục tiêu của Hội thảo nhằm:

1. Nhận diện quá trình hình thành và phát triển thị trường các sản phẩm văn học, nghệ thuật Việt Nam trong thời gian qua.

2. Đánh giá tác động tích cực và tiêu cực của thị trường nêu trên và của quá trình hội nhập, giao lưu văn hóa quốc tế đối với đời sống văn học, nghệ thuật Việt Nam; đánh giá mặt được cần phát huy và mặt chưa được cần khắc phục trong hoạt động của các doanh nghiệp văn hoá, văn học, nghệ thuật.

3. Về sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật đang phát triển trong cơ chế kinh tế thị trường định hướng XHCN và trong quá trình hội nhập.

4. Đề xuất, kiến nghị phương hướng, nhiệm vụ, các giải pháp (cơ chế, chính sách...) nhằm tiếp tục phát triển văn học, nghệ thuật trước tác động của cơ chế thị trường và hội nhập".

Phát biểu ý kiến tại Hội thảo, đồng chí Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế, văn nghệ sỹ chúng ta sẽ phải làm gì ? Đảng và Nhà nước ta phải có những giải pháp nào để văn học, nghệ thuật nước nhà phát triển mạnh mẽ hơn nữa, góp phần tích cực hơn nữa vào việc xây đắp nền tảng tinh thần cao đẹp của dân tộc ta; để đất nước ta trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế và giao lưu văn hóa quốc tế vẫn giữ được, mãi mãi giữ được bản sắc, cốt cách của một dân tộc văn hiến, anh hùng.

Sau Báo cáo Đề dẫn của PGS, TS Đào Duy Quát, Phó Chủ tịch Hội đồng, trong buổi sáng, đã có 7 tham luận được trình bày tại Hội thảo. Theo sáng kiến của Ban tổ chức, để Hội thảo thực sự có tính tranh luận, lắng nghe được nhiều ý kiến. Trong phiên làm việc buổi chiều, các đại biểu được chia ra thảo luận tại 3 tiểu ban: Tiểu ban lý luận chung; tiểu ban quản lý Nhà nước về lĩnh vực VH, NT; tiểu ban thị trường các sản phẩm VH, NT.

PV

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất