Thứ Năm, 28/11/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Bảy, 18/10/2014 18:0'(GMT+7)

Hội thảo khoa học "Xây dựng cơ sở dữ liệu tích hợp liên ngành và phân tích chính sách phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc"

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo Hội thảo

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo Hội thảo

Ngày 18/ 10 năm 2014, tại Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) và Ban Chỉ đạo Tây Bắc (BCĐTB) đã phối hợp tổ chức Hội thảo "Xây dựng cơ sở dữ liệu tích hợp liên ngành và phân tích chính sách phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc". Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc đến dự và chỉ đạo Hội thảo. Đến dự Hội thảo còn có đại diện lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ban Chủ nhiệm Chương trình Tây Bắc, các bộ, ngành hữu quan và đại diện lãnh đạo 14 tỉnh thuộc vùng Tây Bắc cùng đông đảo các nhà khoa học thuộc ĐHQGHN, Viện Hàn Lâm KH&CN Việt Nam, Viện Hàn lâm KHXHVN và các cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ ở vùng Tây Bắc.

Phát biểu khac mạc Hội thảo, đồng chí Phùng Xuân Nhạ – Giám đốc ĐHQGHN - Chủ nhiệm Chương trình Tây Bắc cho biết: Mục đích của Hội thảo lần này là trao đổi về phương pháp xây dựng và cấu trúc của Bộ Cơ sở dữ liệu tích hợp liên ngành và các bộ công cụ phân tích chính sách phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc. Đồng thời, Hội thảo cũng tạo điều kiện để các nhà khoa học đang tham gia thực hiện Chương trình Tây Bắc gặp gỡ, trao đổi với các đồng chí cán bộ lãnh đạo, quản lý ở 14 tỉnh thuộc vùng Tây Bắc và các bộ ngành hữu quan, trên cơ sở đó thống nhất về phương thức tổ chức triển khai, chuyển giao và ứng dụng các kết quả của Chương trình, theo đúng phương châm "thiết thực, khả thi, hiệu quả".

Theo kế hoạch, việc triển khai Chương trình KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc được phân kỳ làm hai giai đoạn, giai đoạn 1 (2013 - 2015) và giai đoạn 2 (2016 - 2018). Giai đoạn 1 tập trung nghiên cứu, đánh giá hiện trạng, điều tra bổ sung để đến năm 2015 có được bộ cơ sở dữ liệu tích hợp liên ngành về vùng Tây Bắc. Đồng thời, Chương trình sẽ triển khai một số mô hình sinh kế và mô hình phát triển kinh tế xã hội cho một số địa phương, khởi động một số nhiệm vụ chuyển giao giải pháp khoa học và công nghệ sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Trong giai đoạn 2, Chương trình sẽ tập trung đẩy mạnh việc triển khai nghiên cứu ứng dụng đưa các kết quả khoa học và công nghệ, triển khai các dự án sản xuất thử nghiệm vào đời sống và sản xuất và xây dựng mô hình phát triển; đề xuất quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội theo hướng phát triển bền vững cho vùng Tây Bắc giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn 2030.

Năm 2015 sắp đến là thời điểm các địa phương xác định chiến lược, kế hoạch phát triển và tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp giai đoạn 2015 - 2020. Kế hoạch triển khai các đề tài nghiên cứu của chương trình cũng đã hướng tới sự đồng bộ đó. Từ bước khởi động năm 2013 của Chương trình đã có 05 đề tài đã được phê duyệt. Trong đó, ĐHQGHN xác định Bộ cơ sở dữ liệu tích hợp liên ngành là một cấu phần quan trọng nhằm cung cấp thông tin đa lớp, tin cậy phục vụ cho triển khai nghiên cứu khoa học và việc xây dựng, điều chỉnh chủ trương, chiến lược, chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc một cách bền vững. Song song với đó, việc đánh giá các chương trình mục tiêu, chính sách hiện hành tại vùng Tây Bắc sẽ củng cố luận chứng khoa học và thực tiễn hỗ trợ cho các nhà quản lý phát huy hiệu quả của các chính sách cũng như những hạn chế, bất cập. Trên cơ sở đó điều chỉnh, đổi mới các chính sách, chiến lược phát triển vùng phù hợp. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu và phân tích chính sách phát triển vùng Tây Bắc là bước khởi đầu quan trọng, vừa có nhiệm vụ định vị, vừa có vai trò kiến trúc, thiết kế chương trình. Đây chính là khung phân tích quyết định kết quả thành công của các nghiên cứu. Nhiệm vụ này cần phải được xác định đúng đắn, rõ ràng với tính thiết thực, khả thi và hiệu quả cao; cần được trao đổi và lấy ý kiến rộng rãi trong cả ba nhóm nhà quản lý, nhà sử dụng và nhà khoa học.



 
Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc là chương trình nghiên cứu tổng hợp, liên ngành, yêu cầu phải đảm bảo tính thiết thực, khả thi, hiệu quả, cung cấp luận cứ và giải pháp khoa học nhằm góp phần giải quyết trực tiếp các vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn phát triển bền vững ở vùng Tây Bắc. Để triển khai hiệu quả Chương trình, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Đại học Quốc gia Hà Nội, đơn vị chủ trì tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Ban chỉ đạo Tây Bắc, với các Bộ, ngành, cơ quan khoa học, nhất là với các địa phương trong vùng để tổ chức triển khai các nhiệm vụ của Chương trình đạt kết quả theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Định hướng sắp tới để hoàn chỉnh đề án này, một là Tây Bắc đói nghèo còn rất cao 29,5% cho nên sinh kế cho đồng bào là gì, tính thiết thực vấn đề này là gì đang được đặt ra rất quan trọng hiện nay. Trước hết là chương trình phục vụ mục tiêu xóa đói giảm nghèo cho đồng bào chúng ta của 14 tỉnh. Việc thứ 2 sản phẩm này để ứng dụng thực tiễn nên tôi đề nghị phải rất dễ truy cập, tổ chức thông tin phải tính đến vấn đề này.

Theo kế hoạch, việc triển khai Chương trình Khoa học công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2013-2015) nhằm mục tiêu đến năm 2015 có bộ cơ sở dữ liệu tích hợp liên ngành về vùng Tây Bắc, bước đầu triển khai mô hình sinh kế và phát triển kinh tế xã hội, chuyển giao giải pháp khoa học, công nghệ cho một số địa phương. Giai đoạn 2 (2016-2018) nhằm ứng dụng các kết quả, triển khai các dự án sản xuất thử nghiệm vào đời sống, sản xuất; đề xuất quy hoạch tổng thế phát triển kinh tế xã hội theo hướng phát triển bền vững cho vùng Tây Bắc giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn 2030.

Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm sâu sắc của Lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Bắc, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, các nhà nghiên cứu và đặc biệt là đại diện lãnh đạo các địa phương trong Vùng với nhiều ý kiến góp ý có chất lượng chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn quý báu để Ban Chủ nhiệm Chương trình Tây Bắc và các nhóm nghiên cứu tiếp tục hoàn chỉnh sản phẩm khoa học của các đề tài theo hướng thiết thực và hiệu quả, đảm bảo có tính ứng dụng cao./.

Duy Hưng


 



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất