Thứ Hai, 30/9/2024
Giáo dục
Thứ Bảy, 4/12/2010 9:55'(GMT+7)

Hội thảo quốc tế về giáo dục mầm non tại Mê-hi-cô và những kinh nghiệm cần vận dụng vào Việt Nam

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Từ ngày 14-16 tháng 10 năm 2010, tại Thành phố Monterrey đã có diễn đàn “Cuộc gặp gỡ quốc tế lần thứ 10 về giáo dục ban đầu và giáo dục mầm non” với chủ đề “Phổ cập hóa giáo dục mầm non: thách thức của thế kỉ XXI”. Việt Nam là một trong 26 đoàn đại biểu quốc tế tham dự diễn đàn. Cuộc hội thảo có nhiều nội dung bổ ích, giúp cho các nhà quản lí, các nhà nghiên cứu, các giáo viên, cô bảo mẫu, kể cả các bậc phụ huynh có thể tiếp thu để làm tốt công tác theo chức năng xã hội của mình.

Bên lề hội thảo, đoàn Việt Nam còn được đại diện tổ chức “Văn hóa và Giáo dục”của các quốc gia thuộc Châu Mĩ có cuộc gặp gỡ, trao đổi thông tin về giáo dục mầm non. Ngoài ra, đoàn Việt Nam đã tham gia khảo sát một số cơ sở giáo dục mầm non tại bang Monterrey. Tuy thời gian ngắn, điều kiện tham gia sâu vào hội thảo của đoàn Việt Nam chưa như mong muốn, song kết quả đạt được cũng có nhiều khả quan về phương diện ngoại giao, chuyên môn.

Tại cuộc hội thảo này, đã có 23 báo cáo chuyên đề, với những nội dung rất có ý nghĩa đối với giáo dục mầm non không chỉ ở khu vực Mĩ-la-tinh mà còn có ý nghĩa đối với những ai quan tâm tới giáo dục ban đầu và giáo dục mầm non.

Từ các tham luận, có thể chia làm các nhóm chuyên đề như sau:

1. Nhóm cơ chế chính sách đối với phát triển giáo dục mầm non:

Nhóm này đề cập tới những vấn đề quan trọng liên quan tới chủ trương, chính sách, quyết tâm chính trị của nhà nước dành cho giáo dục mầm non. Điểm mấu chốt chi phối cơ chế, chính sách giáo dục mầm non là tư tưởng công bằng trong giáo dục mầm non cho mọi trẻ thơ, không phân biệt nguồn gốc xuất thân, không phân biệt tầng lớp xã hội, không phân biệt chủng tộc. Trước hết chính quyền nhà nước cũng như từng địa phương cần nhận thức rõ giáo dục mầm non là xuất phát điểm cho tiền đề hình thành, phát triển con người, nếu chăm sóc, giáo dục tốt trẻ em ngay từ mầm non thì sẽ có định hướng về phát triển thể chất, tư duy, tình cảm cho thế hệ trẻ.

Vấn đề cam kết thực hiện quyền trẻ em được cụ thể hóa bằng các chương trình hành động, do ngành giáo dục và các tổ chức xã hội tiến hành. Đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục được coi trọng nhằm nâng cấp đáng kể các điều kiện chăm sóc giáo dục trẻ mầm non. Một số tổ chức quốc tế (chẳng hạn Hiệp hội giáo dục mầm non) cũng như tổ chức xã hội từng khu vực, từng nước đều phải có trách nhiệm giám sát hoạt động của chính quyền, của các cơ sở giáo dục mầm non, nhằm đảm bảo cho các cơ sở giáo dục mầm non hoạt động có tính hợp pháp, theo phương pháp khoa học. Việc xã hội hóa giáo dục mầm non còn được thể hiện trong vấn đề tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức cho các bậc phụ huynh, trang bị kiến thức thai giáo cho các bà mẹ sắp sinh con, tổ chức hoạt động vui chơi cho các cháu không có điều kiện đến cơ sở giáo dục mầm non.

2. Nhóm nghiên cứu các yếu tố tác động tới sự phát triển của trẻ qua các thời kì

Đây là nhóm chiếm tỉ lệ báo cáo chuyên đề nhiều nhất, tập trung nghiên cứu các yếu tố có tác động, ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình phát triển não bộ, các giác quan của trẻ ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ (thai giáo). Các yếu tố đó là:

- Chế độ dinh dưỡng phù hợp cho từng thời kì phát triển của não bộ và thể chất của trẻ.

- Môi trường giáo dục trong gia đình, cộng đồng, ngoài xã hội, trong các cơ sở giáo dục mầm non nhằm tác động tích cực tới quá trình phát triển trí óc và tâm hồn trẻ thơ.

- Các biện pháp sư phạm cần vận dụng vào công tác chăm sóc, giáo dục trẻ thơ.

Đa số các chuyên đề đều được nghiên cứu một cách bài bản, đảm bảo tính khoa học, phản ánh quá trình tìm tòi, sáng tạo của các nhà chuyên môn, bám sát thực tế, hướng vào mục tiêu phát triển trẻ đúng qui luật tâm sinh lí theo đặc trưng lứa tuổi.

Có 2 yếu tố được các nhà chuyên môn quan tâm là yếu tố sinh học (phát triển thể chất của trẻ) và yếu tố xã hội (phát triển nhận thức, hình thành tình cảm của trẻ). Để tác động tốt tới các yếu tố trên, theo các nhà chuyên môn thì rất cần chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục của các bà mẹ và các cơ sở giáo dục mầm non. Muốn phát triển thể trạng của trẻ, cần đảm bảo một chế độ dinh dưỡng bằng thực phẩm, rau quả an toàn, với mức độ phù hợp từng giai đoạn phát triển thể chất nói chung, bộ não nói riêng. Khác với người lớn, quá trình phát triển của trẻ luôn chịu nhiều tác động từ bên ngoài và luôn bị biến động từ bên trong, nên dễ gây sự lệch lạc tâm lí, do đó các cơ sở giáo dục mầm non phải hết sức chú ý mọi diễn biến tâm lí thường ngày của trẻ. Chẳng hạn như trẻ tỏ ra biếng ăn, trẻ không tham gia tích cực vào hoạt động vui chơi với nhóm bạn, hoặc trẻ có những hành vi gây gỗ với bạn, thậm chí trẻ có một số biểu hiện bệnh lí...; những diễn biến không bình thường ở trẻ đều được cơ sở giáo dục mầm non theo dõi, phát hiện để xử lí theo phương pháp khoa học.

Vấn đề phát triển nội tâm của trẻ là điều cực kì quan trọng, nên mọi hoạt động giáo dục trong từng gia đình (nhất là ở bà mẹ), trong từng cơ sở giáo dục mầm non (nhất là các cô bảo mẫu) luôn hướng tới sự nuôi dưỡng tâm hồn cho trẻ, giúp trẻ cảm thấy được sự thương yêu của mọi người. Âm nhạc, hội họa, cùng với lời hát, lời kể chuyện êm dịu của các cô bảo mẫu...sẽ góp phần làm cho thế giới nội tâm của trẻ trở nên thánh thiện, an bình. Các hoạt động vui chơi với đồ vật, kể cả các hoạt động thể thao, học Tiếng Anh một cách nhẹ nhàng, thích hợp cũng sẽ giúp cho trẻ phát triển thể chất, phát triển trí tuệ.

 

Từ các phát biểu tham luận, cũng như các cuộc khảo sát, trao đổi chuyên môn, có thể rút ra một số điểm cần nhận thức đúng để vận dụng vào công tác chỉ đạo, quản lí, chăm sóc, giáo dục đối với bậc mầm non:

Quan niệm chung về phổ cập hóa giáo dục mầm non:

- Trẻ thơ ở lứa tuổi mầm non là thuộc một giai đoạn có ý nghĩa hết sức đặc biệt, một sự khởi đầu cho phát triển, ổn định bộ não, cho phát triển thể chất và có những rung cảm về tâm hồn.

- Phổ cập giáo dục mầm non là thực hiện một cấp độ chăm sóc, giáo dục sơ đẳng, ban đầu nhưng rất cần thiết đối với quá trình giáo dục con người, được khởi thủy ngay từ khi đứa trẻ còn nằm trong bụng mẹ cho đến khoảng 5 - 6 tuổi.

- Không phải phổ cập để biết chữ mà là phổ cập về sự thụ hưởng chế độ dinh dưỡng, chế độ giáo dục nhân cách, giúp cho trẻ có được sự phát triển bình thường, đúng qui luật hình thành và phát triển tâm sinh lí con người ở những năm đầu của tuổi thơ.

- Mọi trẻ em trên thế giới đều phải được chăm sóc, nuôi dưỡng trong điều kiện tốt nhất mà các quốc gia, mọi người lớn có thể dành cho trẻ; nếu coi thường, thiếu trách nhiệm hoặc thiếu phương pháp chăm sóc nuôi dạy khoa học với trẻ trong giai đoạn này thì sẽ khó có thể giúp trẻ hoàn thiện thể chất và hình thành nhân cách tốt đẹp.

Chính vì tầm quan trọng của giáo dục mầm non mà đòi hỏi các nhà lãnh đạo, các nhà chuyên môn phải có nhận thức đúng, hành động tích cực, thúc đẩy giáo dục mầm non phát triển tương xứng với vị trí của nó. Tuy nhiên, cũng như các bậc học khác, việc phổ cập giáo dục mầm non đang đứng trước nhiều thử thách mang tính toàn cầu, bên cạnh những thử thách của từng quốc gia, địa phương cụ thể. Một số thử thách đối với phổ cập giáo dục mầm non trong thế kỉ XXI được xác định là:

- Sự phân hóa giàu nghèo dẫn đến bất bình đẳng trong chăm sóc giáo dục trẻ;

- Môi trường sống bị ô nhiễm dẫn đến nguy cơ làm cho trẻ phải đối mặt với nhiều loại bệnh tật nan y;

- Khoảng cách phát triển quá giới hạn hài hòa giữa thành thị và nông thôn, giữa các quốc gia phát triển với quốc gia chậm phát triển, giữa các tộc người.

- Mâu thuẫn giữa yêu cầu chăm sóc, nuôi dạy trẻ với sự bất cập về điều kiện cơ sở vật chất và con người trong lĩnh vực giáo dục mầm non.

Từ những vấn đề nêu trên, liên hệ với thực tế Việt Nam, chúng ta có thể nhận thấy giáo dục mầm non trong nước tuy đã có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước tiệm cận với xu hướng phát triển giáo dục mầm non ở các nước tiên tiến, song vẫn còn một khoảng cách khá xa (nếu không muốn nói là lạc hậu). Những vụ việc mang tính bạo lực xảy ra trong các cơ sở trông trẻ mầm non tư thục vừa qua (vụ ở Đồng Nai trước đây, vụ ở Bình Dương mới đây) đang gây bức xúc xã hội, làm ảnh hưởng đến cam kết quyền trẻ em và đi ngược lại chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước đối với giáo dục mầm non.

Đề án “Phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2006 - 2015” được Chính phủ phê duyệt ngày 23 tháng 6 năm 2006 đã xác định rõ quan điểm chỉ đạo chung: “Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên của hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng ban đầu cho sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mĩ của trẻ em Việt Nam. Việc chăm lo phát triển giáo dục mầm non là trách nhiệm chung của các cấp chính quyền, của mỗi ngành, mỗi gia đình và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của nhà nước”. Quan điểm đó tiếp tục được hiện thực hóa trong Đề án “ Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi giai đoạn 2010 – 2015” (được Chính phủ phê duyệt ngày 9 tháng 2 năm 2010). Những quan tâm của Nhà nước về đầu tư tài chính và nguồn lực cho giáo dục mầm non; những chuyển biến theo hướng tiên tiến về chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục, cùng với mối quan tâm của xã hội đối với giáo dục mầm non đang từng bước đưa giáo dục mầm non của nước ta phát triển đúng hướng, góp phần thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về “lấy con người làm trung tâm phát triển”, từ đó làm tốt hơn công tác chăm sóc và giáo dục trẻ ấu thơ.

TS. Trần Viết Lưu

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất