Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh các cơ quan báo chí đều đang lúng túng trong việc đi đến một nhận thức chung về quy trình chuẩn nhằm xác minh độ chính xác của nguồn tin. Các chủ đề thảo luận chủ yếu xoay quanh vấn đề thực trạng, những thuận lợi và khó khăn của việc thẩm định nguồn tin, những kinh nghiệm thực tiễn thu được từ quá trình sản xuất tin, bài ở các tòa soạn và vai trò của cơ quan chức năng như một nguồn tin chính thống, có độ tin cậy cao.
Trong 2 ngày 22-23/8, tại thành phố Hải Dương diễn ra Hội thảo “Quy trình thẩm định nguồn tin trong các cơ quan báo chí” do Ban quản lý dự án- Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền Thông) phối hợp cùng Đại sứ quán Thụy Điển và tổ chức FOJO chủ trì. Hội thảo có sự tham gia chia sẻ kinh nghiệm của bà Anette Novak, chuyên gia báo chí Thụy Điển, lãnh đạo Cục Báo chí, các ban, ngành, cơ quan Trung ương và gần 60 trưởng ban thư ký, biên tập viên của các cơ quan báo chí lớn trên toàn quốc.
Môi trường báo chí Việt Nam có tới gần 800 cơ quan báo chí và hơn 17.000 nhà báo hoạt động chuyên nghiệp, số lượng tin, bài được độc giả tiếp nhận mỗi ngày là một con số khổng lồ. Với khối lượng thông tin đó, nếu không được thẩm tra, kiểm định độ chính xác một cách cẩn trọng và có trách nhiệm tất yếu sẽ dẫn đến hiện tượng đưa tin sai lệch, gây hoang mang trong dư luận. Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh các cơ quan báo chí đều đang lúng túng trong việc đi đến một nhận thức chung về quy trình chuẩn nhằm xác minh độ chính xác của nguồn tin. Các chủ đề thảo luận chủ yếu xoay quanh vấn đề thực trạng, những thuận lợi và khó khăn của việc thẩm định nguồn tin, những kinh nghiệm thực tiễn thu được từ quá trình sản xuất tin, bài ở các tòa soạn và vai trò của cơ quan chức năng như một nguồn tin chính thống, có độ tin cậy cao.
Nhiều đại biểu thẳng thắn đề nghị cần phải có một chế tài xử phạt các vi phạm đối với hành vi làm báo câu khách, khai thác thông tin đời tư, thông tin không được kiểm chứng và dẫn nguồn. Cùng với đó, việc bảo mật nguồn tin, khai thác nguồn tin như thế nào từ phía các đơn vị từ chối cung cấp cũng là một chủ đề được các đại biểu thảo luận sôi nổi. Đại diện một số tờ báo như: Tiền phong, Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh đã chia sẻ quy trình thẩm định cụ thể thông qua các phiếu đánh giá và nguyên tắc kiểm tra chéo. Đây là một trong những vấn đề thực tiễn mà một nhiều tờ báo gặp phải trong quá trình tác nghiệp nên đã nhận được nhiều ý kiến tham gia đóng góp của các đại biểu.
Ông Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền Thông) đánh giá cao vai trò của hội thảo trong việc tạo cơ hội cho các cơ quan báo chí có dịp trao đổi, học tập kinh nghiệm, qua đó cải thiện chất lượng biên tập, xử lý tin bài. Trong thời đại bùng nổ thông tin và các phương tiện truyền thông như hiện nay, công tác thẩm định nguồn tin chính là thước đo uy tín và sự tin cậy của một tòa soạn. Những ý kiến chân thành, thẳng thắn từ các đại biểu đã góp phần giúp cho các cơ quan báo chí từng bước tự xây dựng cho mình một quy trình xử lý thông tin linh hoạt và hiệu quả hơn, giúp bạn đọc nắm bắt được thông tin một cách nhanh chóng, chính xác./.
TTX