Thứ Hai, 23/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Chủ Nhật, 19/8/2012 22:30'(GMT+7)

Một số vấn đề đặt ra từ sự tương tác giữa mạng xã hội và báo chí

 Mạng xã hội (Social Network) là dịch vụ nối kết các thành viên trên mạng internet lại với nhau, với nhiều mục đích khác nhau, không phân biệt không gian và thời gian.

Mạng xã hội trên thế giới xuất hiện lần đầu tiên năm 1995 với sự ra đời của trang Classmate với mục đích đơn thuần chỉ là kết nối bạn học. Năm 2004, MySpace ra đời với các tính năng như phim ảnh (embedded video) và nhanh chóng thu hút hàng chục ngàn thành viên mới mỗi ngày và trong vòng một năm, MySpace trở thành mạng xã hội đầu tiên có nhiều lượt xem nhiều hơn cả Google. Tuy nhiên, dấu ấn bước ngoặt cho sự phát triển của hệ thống mạng xã hội là vào năm 2006, với sự ra đời của Facebook dựa trên nền tảng lập trình "Facebook Platform" cho phép thành viên tạo ra những công cụ (apps) mới cho cá nhân mình cũng như các thành viên khác dùng. Facebook Platform nhanh chóng gặt hái được thành công vược bậc, mang lại hàng trăm tính năng mới cho Facebook thu hút gần 600 triệu thành viên, đứng đầu bảng các mạng xã hội trên thế giới.

Trong sự kiện trận động đất, sóng thần xảy ra ở Nhật Bản năm 2011, riêng buổi chiều ngày 11-3, đã có hơn 9.000 video liên quan đến trận động đất và 7.000 video liên quan đến trận sóng thần được tải lên Youtube. Những hình ảnh và video clip này về sau đã được các báo chí ở Nhật cũng như trên thế giới xâu chuỗi và sử dụng, góp phần thông tin cho công chúng toàn thế giới cái nhìn toàn cảnh về thảm họa thiên nhiên này.

Đây là một ví dụ minh chứng cho sự tương tác mạnh mẽ giữa mạng xã hội và báo chí - một hiện tượng tương tác tất yếu trong xu thế phát triển của internet nói chung và mạng xã hội nói riêng. Sự tác động qua lại giữa một hình thức chuyển tải thông tin có tính chất truyền thống và chính thống (báo chí) với một loại hình giao tiếp mới mẻ và năng động kéo theo nhiều tiện ích và cả những hệ lụy mà chúng ta cần nhận thức về nó nhanh chóng và rõ ràng hơn.

Ở Việt Nam, số người dùng mạng xã hội đang tăng lên nhanh chóng. Theo một thống kê mới nhất, trong số đối tượng 18 tuổi trở lên có tài khoản mạng xã hội thì: 43% dân số có một tài khoản, 25% có hai tài khoản, 13% có bốn tài khoản trở lên. Theo số liệu từ DoubleClick Ad Planner(1), trong tháng 1-2012, lượng người dùng Internet tại Việt Nam là 23 triệu (chiếm 26% dân số Việt Nam) và lượt xem là 18,4 tỉ. Về mạng xã hội tại Việt Nam, Zing Me (me.zing.vn) có lượng người dùng cao nhất (8,2 triệu), thời gian truy cập nhiều nhất (1 tỉ phút) và lượt xem 540 triệu. Đứng thứ hai là Facebook.com với 5,6 triệu người dùng, thứ ba là yume.vn (2,2 triệu người dùng), thứ tư là tamtay.vn (1 triệu người dùng). Theo Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), công cụ tìm kiếm và mạng xã hội là hai dịch vụ được hàng chục triệu người dùng internet sử dụng rộng rãi nhất (100% sử dụng tìm kiếm, 80% sử dụng mạng xã hội).

Tính đến tháng 3 năm 2012, trong lĩnh vực thông tin điện tử, cả nước có 61 báo, tạp chí điện tử, 191 mạng xã hội, hơn 1.000 trang thông tin điện tử tổng hợp. Sự tương tác giữa các loại hình thông tin này đang diễn ra vô cùng sôi động.

Nghị định 97/2008/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp sử dụng dịch vụ internet và thông tin điện tử trên internet đã thống nhất về mặt khái niệm: “Mạng xã hội trực tuyến là dịch vụ cung cấp cho cộng đồng rộng rãi người sử dụng khả năng tương tác, chia sẻ, lưu trữ và trao đổi thông tin với nhau trên môi trường internet, bao gồm dịch vụ tạo blog, diễn đàn (forum), trò chuyện trực tuyết (chát) và các hình thức tương tự khác”. Các hình thức tương tự khác ở đây, có thể hiểu là thư điện tử (e-mail), điện thoại, xem phim, ảnh (voichat), chia sẻ tập tin (files), trò chơi (games)... Với những tính năng này, mạng xã hội đã mang đến một sự liên kết mới mẻ và đa dạng, rộng lớn cho hàng trăm triệu thành viên trên khắp thế giới, tác động không nhỏ đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có báo chí.

1. Về sự tương tác giữa mạng xã hội và báo chí

Mạng xã hội là “kho” thông tin cho báo chí

Hàng ngày, nhiều sự kiện, thông tin, dữ liệu của đời sống được cá nhân cập nhật liên tục trên mạng xã hội đã được nhiều nhà báo nhanh nhạy theo dõi và đón bắt. Mỗi thành viên trên mạng xã hội đều có thể được xem là một “nguồn tin” khi tiết lộ ra một thông tin nào đó mà báo chí chưa đủ khả năng để nắm được. Tất nhiên, “kho” thông tin này, chứa đựng cả những “tin rác”, “tin vịt” và cả những “tin vàng”.

Bằng nhạy cảm nghề nghiệp, khả năng thâu tóm và xử lý thông tin, mỗi nhà báo có thể tìm thấy trong hàng triệu tin tức, chia sẻ trên mạng xã hội không ít những chủ đề nào đó cho bài báo của mình.

Với khả năng liên kết mạnh mẽ, mạng xã hội góp phần quảng bá thông tin từ báo chí, nâng cao hiệu quả tuyên truyền trên báo chí

Một bài báo có những thông tin được công chúng quan tâm, khi cập nhật, lan truyền trên mạng xã hội sẽ tạo ra sức lan tỏa rộng lớn hơn rất nhiều lần so với việc nó được phát hành trên các sạp báo.

Các thành viên của mạng xã hội tạo ra những cuộc thảo luận, bình luận xung quanh nội dung của bài báo, có người còn cung cấp thêm những thông tin liên quan. Điều này lại có tác dụng phản hồi trở lại với mỗi người cầm bút, và cơ quan báo chí. Quan niệm về “bài báo mở” có lẽ cũng bắt nguồn từ chính sự tương tác này.

Mạng xã hội là nơi tương tác giữa báo chí và công chúng

Nhiều vấn đề, sự kiện được xã hội quan tâm, được bàn luận sôi nổi trên các trang mạng xã hội chính là dư luận xã hội mà báo chí quan tâm và muốn nắm bắt. Triển khai những đề tài, ý tưởng, giải đáp được những bức xúc, nhu cầu thông tin này một cách nhanh chóng, chính là hiệu quả mà báo chí có thể mang lại. Sự nhanh nhạy của cơ quan báo chí và người làm báo, trả lời được những thắc mắc và cung cấp trúng, đúng nhu cầu thông tin của công chúng chính là “gãi” đúng “chỗ ngứa” của công chúng.

Thông thường, các thành viên sau khi tham gia trên mạng xã hội trong một sự kiện, một vấn đề “nóng” nào đó thường muốn tìm kiếm thông tin từ báo chí, nơi mà họ cho là “chính thống” để giải đáp thêm, thông tin thêm về những sự kiện mới chỉ ở dạng lan truyền trên mạng như “lời đồn”. Tờ báo nào nhanh nhạy đáp ứng được sự tìm kiếm này sẽ có khả năng “hút” độc giả một cách mạnh mẽ và rộng lớn.

2. Một số vấn đề đặt ra

Trước hết, cần khẳng định thông tin trên mạng xã hội hoàn toàn không phải là báo chí.

Những gì chúng ta đón nhận mỗi khi mở máy tính, truy cập internet, chia sẻ với cộng đồng mạng chỉ đơn thuần là thông tin mang tính cá nhân mà thôi. Nó có thể là những thông tin hay, chính xác, thông tin có giá trị nhưng cũng có thể là tin rác, tin “vịt”. Nó có thể là sự nghiêm túc cũng có thể là trò đùa hoặc sự ác ý. Nó có thể là nhìn nhận xã hội và con người một cách sắc sảo, hợp lý nhưng cũng có thể là góc nhìn quy chiếu hẹp, thiển cận. Nó có thể là thông tin “kim cương” hoặc chỉ là những thông tin thất thiệt, thiếu sự kiểm chứng. Không loại trừ, trong số đó có cả bàn tay của những thế lực thù địch muốn lợi dụng phạm vi tác động lớn của mạng xã hội để chống phá sự nghiệp đổi mới của Đảng và nhân dân ta.

Trên thực tế, bên cạnh một số trang mạng xã hội được cấp phép ở Việt Nam, một số thế lực thù địch lợi dụng internet đã dùng thủ đoạn xây dựng các trang web, đặt máy chủ ở nước ngoài, đăng tải các thông tin, luận điệu phản động, sai trái, kích động, trái thuần phong mỹ tục… nhằm chống phá Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam. Những thế lực này, với tư cách thành viên của các trang mạng xã hội, đưa lên mạng những lời lẽ bình luận không khách quan hoặc thông tin sai sự thật, thậm chí bịa đặt, nhằm gây nhiễu loạn thông tin, bôi nhọ hình ảnh, nói xấu chế độ…

Bằng quá trình tác nghiệp cẩn trọng, tỉ mỉ, khách quan và chân thật, báo chí sẽ “chính thống hóa” những thông tin trên mạng xã hội theo hai hướng: Nếu thông tin từ mạng xã hội là đúng, báo chí sẽ kịp thời ngợi khen, cổ vũ và khai thác tốt hơn. Còn ngược lại, khi thông tin từ mạng xã hội là sai, báo chí sẽ chấn chỉnh, phê phán và kịp thời định hướng bằng thông tin chính xác. Chẳng hạn, vụ clip ghi lại hình ảnh ném phao thi ở Đồi Ngô, Bắc Giang hồi tháng 5-2012 sau khi xuất hiện trên các trang mạng xã hội đã được báo chí sử dụng để phân tích, làm sáng rõ hơn những tiêu cực đã xảy ra, tạo được hiệu ứng xã hội mạnh mẽ.

Khai thác thông tin mạng xã hội: cần thận trọng!

Việc nhà báo khai thác, nắm bắt thông tin từ mạng xã hội hoàn toàn không phải là việc xấu, thậm chí là cần thiết và mạng xã hội thực sự sẽ là nơi mỗi người cầm bút có thể thu thập, phát hiện những vấn đề, phát hiện nhu cầu thông tin của công chúng một cách nhanh nhất.

Tuy nhiên, mỗi người cầm bút cần cẩn trọng và kỹ càng khi khai thác hoặc lấy thông tin từ mạng xã hội làm chất liệu cho bài báo của mình. Mỗi nhà báo, cơ quan báo chí phải thực sự trở thành “người gác cổng thông tin”. Có như vậy mới tạo nên tác phẩm báo chí có giá trị, góp phần định hướng cho người đọc. Mới đây, dư luận xôn xao về việc MC - diễn viên Quyền Linh bị công an bắt vì vận chuyển và buôn bán "hàng cấm" ma túy bởi một clip quay cảnh này được tung lên youtube. Một loạt báo lớn đã vào cuộc và tìm hiểu, xác minh thông tin ngay khi xem clip và đọc các phản hồi trên mạng xã hội. Thực chất đó chỉ là cảnh quay truyền hình nói về hậu trường đằng sau những vụ án… Nếu báo chí không “tỉnh táo”, tin vào những hình ảnh “mắt thấy” từ những clip trên mạng xã hội sẽ sa đà vào việc thông tin không chính xác, bôi nhọ hình ảnh của cá nhân, vi phạm đạo đức nghề nghiệp báo chí.

Mạng xã hội tạo ra quy trình tác nghiệp mới cho người làm báo

Trong sự tương tác qua lại này, chính mạng xã hội - tự bản thân nó đã gián tiếp thúc đẩy một quy trình tác nghiệp mới cho những người làm báo. Những nhà báo hiện đại ngày nay, có thể lướt web hàng ngày, truy cập các trang mạng xã hội để nắm bắt thông tin, tâm trạng và những vấn đề mà cư dân mạng đang quan tâm. Họ có thể trao đổi trực tiếp với các thành viên mạng và hình thành trong đầu những ý tưởng cho nhiều bài báo mới của mình. Các tin tức mà báo chí đề cập càng trở nên nhanh hơn, cụ thể hơn, sát thực hơn và đáp ứng nhu cầu công chúng tốt hơn so với thời kỳ làm báo trước đây.

Nhiều tòa soạn, trước những vấn đề “nóng” có thể tập hợp đội ngũ nòng cốt để triển khai ý tưởng. Hơn bao giờ hết, công chúng được quan tâm và ở một góc độ nào đó, có khả năng “định hướng” thông tin của tờ báo, tham gia vào quá trình ra đời một bài báo.

Các nhà báo cũng không thể dửng dưng với những thông tin nóng hổi trên mạng. Chính họ chứ không phải ai khác sẽ phải đóng vai trò nắm bắt dư luận xã hội và định hướng thông tin tạo ra sự ổn định trên cộng đồng mạng và trong xã hội. Thời gian qua, nhiều thông tin trên báo chí được sử dụng từ mạng xã hội liên quan đến đời tư của nghệ sỹ, chuyện sử dụng hàng hiệu đắt tiền, tình yêu tay ba, tay tư hay chuyện nghệ sỹ “mạt sát”, hạ bệ nhau, rồi nghệ sỹ dùng mạng xã hội để PR cho chính bản thân… Việc lên tiếng phê phán, từ đó định hướng lối sống lành mạnh cho lớp trẻ hoặc lợi dụng thông tin này để tạo ra những bài viết có tính “lá cải”, thuần túy câu “view”, cổ vũ cho lối sống vị kỷ, tôn sùng vật chất trong một bộ phận giới trẻ chính là phụ thuộc vào đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp, tính chuyên nghiệp của người làm báo.

Làm thế nào để tận dụng được ưu thế của sự tương tác

Tương tác giữa mạng xã hội và báo chí là điều tất yếu xảy ra. Vấn đề là phải làm như thế nào để tận dụng được ưu thế về tính tương tác ấy cũng như hạn chế những mặt tiêu cực của mạng xã hội, để góp phần đưa mạng xã hội phát triển đúng hướng, và báo chí cũng tận dụng được điểm mạnh để nâng cao hiệu quả tuyên truyền.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, trước tiên, cần tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý báo chí, nhất là báo chí điện tử, trang tin điện tử và trang mạng xã hội trên internet… Cần có biện pháp và hành động kiên quyết nhằm giảm tối đa tác động tiêu cực của internet đối với đời sống xã hội; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi sử dụng internet, trang mạng xã hội, các trang thông tin điện tử có tên miền Việt Nam hoặc tên miền quốc tế nhưng thuê máy chủ (hosting) trong nước để đăng tải tài liệu, truyện, tranh, phim, ảnh có nội dung xấu, chống đối chế độ, trái thuần phong mỹ tục của dân tộc (2).

Thứ hai, nâng cao vai trò của lãnh đạo cơ quan chủ quản, lãnh đạo cơ quan báo chí, đặc biệt là các báo mạng điện tử. Sự chỉ đạo đúng hướng, vạch ra chiến lược phát triển đúng cho tờ báo của mình, đặc biệt trong việc khai thác, sử dụng, thẩm định thông tin và cuối cùng là “chính thức hóa” thông tin trên trang báo sẽ góp phần tạo sự thành công cho sản phẩm báo chí. Ngược lại, khi người đứng đầu “bật đèn xanh” cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên sử dụng thông tin thiếu kiểm định, thiếu chính xác, chỉ hướng tới câu “view”, chạy theo xu hướng “lá cải” thì chính họ đã góp phần làm giảm uy tín của tờ báo, tất yếu người đọc chân chính sẽ tẩy chay.

Thứ ba, hơn ai hết, chính những người cầm bút cần nâng cao trách nhiệm, đạo đức và kỹ năng nghề nghiệp của mình. Việc nắm bắt nhu cầu công chúng, sàng lọc, kiểm chứng, xác minh độ tin cậy của thông tin cũng như mở rộng phân tích theo chủ đề là việc làm tối cần thiết đối với mỗi nhà báo. Chính họ sẽ là “bộ lọc” đầu tiên và cùng với bộ máy của tòa soạn trở thành “người gác cổng thông tin”. Tránh xu hướng một số phóng viên chỉ chăm chăm lướt web, khai thác các “tin nóng” từ các diễn đàn rồi cắt dán ý kiến của người nọ người kia để tạo ra những sản phẩm mà họ cho là “báo chí”. Mỗi người cầm bút luôn nhớ một điều: Báo chí đòi hỏi tính khách quan, chân thật và tính thẩm mỹ cao.

Thứ trưởng Bộ Thông tin truyền thông Đỗ Quý Doãn cũng nêu quan điểm trong một Hội nghị về thông tin mạng: “Các nhà báo và tòa soạn báo cần tự xây dựng cho mình phương thức xác định sự thật từ những thông tin trên mạng xã hội. Vấn đề là kiểm chứng thông tin chứ không phải là e ngại thông tin từ mạng xã hội. Phía cơ quan quản lý cũng phải nghiên cứu thấu đáo, tạo môi trường lành mạnh để mặt tích cực của mạng xã hội phát triển” (3).

Mạng xã hội đã và đang trở thành một phần tất yếu mỗi ngày cho hàng trăm triệu thành viên khắp thế giới. Muốn thu hút, lôi cuốn được độc giả, báo chí cần phải thay đổi những phương thức truyền thống, phải nhanh nhạy hơn với xu thế này. Theo thống kê của một chuyên gia nước ngoài, có tới 75% phóng viên thấy blog hữu ích để phát triển ý tưởng, 21% trong số đó bỏ ra mỗi ngày 1 tiếng để đọc blog và 16% trong số đó có trang blog riêng. Nhiều tòa soạn báo chí trên thế giới và trong nước đã và đang tận dụng mạng xã hội để mở rộng phạm vi tác động, mở rộng hơn lượng công chúng của mình. Ở Việt Nam, một số báo mạng điện tử lớn như VnExpress, VietNamNet… đã đưa sản phẩm của mình lên facebook, Twitter, Zing Me… cũng chính là nhằm khai thác sự tương tác rộng hơn giữa công chúng và tờ báo, công chúng và tác giả, tác phẩm báo chí, hướng tới mục đích nâng cao hiệu quả tuyên truyền trên báo chí.

Ngày nay, trong bối cảnh cạnh tranh thông tin gay gắt, những người làm báo một mặt, cần nhanh nhạy, tích cực và chủ động hơn nữa, mặt khác, phải luôn đề cao đạo đức, trách nhiệm và tính chuyên nghiệp của người cầm bút. Tận dụng các ưu thế của mạng xã hội không phải là bị nó cuốn theo để trở thành báo “lá cải” hoặc “tin vịt”. Báo chí đặc biệt là báo mạng điện tử cần tăng cường hơn các phương thức tạo sự tương tác với công chúng, góp phần thu hút công chúng phản hồi, đối thoại và chia sẻ với cơ quan báo chí cũng như người viết. Sự tương tác quý báu ấy vừa góp phần tạo mối quan hệ gắn kết giữa người cung cấp thông tin và người tiếp nhận thông tin, vừa góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm báo chí./.

Minh Huế

---------------------

(1). Kết quả thống kê của Ad Planner dựa theo dữ liệu tìm kiếm trên Google, thông tin chia sẻ ẩn danh trên Google Analytics, dữ liệu do người dùng tự nguyện chia sẻ, nghiên cứu thị trường của các bên thứ ba, kết hợp với các thuật toán của Google.

(2) Nguyễn Thế Kỷ, Báo điện tử, trang tin điện tử và mạng xã hội: Định hướng phát triển và quản lý, Tạp chí Cộng sản số 12-2011.

(3) Phát biểu tại Hội thảo phân tích sự tác động giữa thông tin của báo chí truyền thống và thông tin trên các mạng xã hội đã diễn ra tại Huế ngày 28-10-2011.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất