Hội thảo được chia làm ba phiên diễn ra dưới sự đồng điều hành của ông
Didier Billion, Phó giám đốc IRIS và ông Alain Obadia, Chủ tịch Quỹ
Gabriel Péri.
Các diễn giả chính trình bày các tham luận là các chuyên gia về khu vực
bao gồm các luật gia, giáo sư, nhà ngoại giao đến từ nhiều nước.
Tại cuộc hội thảo, ông Didier Billion cho biết một trong những lý do mà
IRIS và Quỹ Gabriel Péri tổ chức hội thảo về Biển Đông là do khu vực này
đã và đang xuất hiện những căng thẳng mới.
Ban tổ chức đã nhận được rất nhiều bài tham luận có chất lượng cao trong
đó có nhiều tác giả là các nhà nghiên cứu đến từ những nước rất xa.
Theo ông, thông tin về khu vực này rất ít, báo chí và giới nghiên cứu
gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin. Hội thảo không có mục đích
là giải quyết vấn đề nhưng nó đem lại thông tin từ đó có thể giúp làm
giảm bớt căng thẳng.
Ông Didier cũng khẳng định những căng thẳng ở Biển Đông là một trong
những vấn đề phức tạp nhất, dễ bùng nổ nhất trên thế giới hiện nay,
nhưng vấn đề này chưa được nhiều nước phương Tây nhận thức một cách đầy
đủ.
Các tham luận và trao đổi tại buổi hội thảo tập trung vào ba chủ đề
chính những diễn biến trong khu vực kể từ năm 2012; chính sách của các
cường quốc khu vực, vai trò của Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế; đâu
là chính sách của châu Âu.
Các ý kiến trao đổi tại hội thảo cho thấy từ năm 2012, tình hình trong
khu vực tiếp tục có những diễn biến đáng lo ngại. Những xung đột chính
trị là trung tâm của các căng thẳng, yếu tố địa chính trị của khu vực,
những đòi hỏi/yêu sách của các quốc gia ven biển, của cường quốc thế
giới trong khu vực là Trung Quốc.
Hội thảo đã làm rõ hơn bối cảnh, các yếu tố tác động đến tình hình và
triển vọng tìm thấy các giải pháp làm giảm căng thẳng tại khu vực Biển
Đông. Hội thảo đã đạt được mục tiêu là giúp mọi người theo dõi những
diễn tiến ở Biển Đông qua sự trình bày của các chuyên gia về khu vực đến
từ nhiều nước và Pháp. Hội thảo đã đề cập đến nhiều chủ đề với định
hướng chính là những xung đột-tranh chấp ở Biển Đông liên quan trước hết
đến các quốc gia ven biển nhưng cũng liên quan đến phần còn lại của thế
giới.
Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Vietnam+)
Các đại biểu dự Hội thảo cũng nêu rõ quan điểm của các cường quốc, vai
trò địa chính trị, an ninh, kinh tế, thương mại tại khu vực Biển Đông;
những xu hướng và những cam kết hợp tác, liên kết kinh tế trong khu vực
như những hiệp định tự do thương mại, hiệp định đối tác xuyên Thái Bình
Dương (TPP)…
Nhiều tham luận cũng nêu lên những diễn biến mới tại Biển Đông kể từ năm
2012. Đáng chú ý là những điểm mới của hoạt động khai thác tài nguyên
thiên nhiên, nghiên cứu khoa học và đặc biệt là việc Trung Quốc trong
năm 2014 đơn phương tuyên bố vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên vùng
biển tranh chấp với Nhật Bản, hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981
(Haiyang Shiyou-981) tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của
Việt Nam. Căng thẳng có vẻ tiếp tục leo thang với việc gia tăng tiềm lực
quân sự của các quốc gia trong khu vực. Những thách thức ở đây ngày
càng cấp bách và cần có giải pháp cho những vấn đề đó.
Nhiều diễn giả cũng khẳng định Pháp, EU và thế giới cần có đóng góp vào
việc giải quyết bất đồng, tranh chấp ở khu vực trên cơ sở luật pháp quốc
tế, tôn trọng Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS); mở
rộng các khuôn khổ hợp tác trên tất cả các lĩnh vực là an ninh, quân sự
để làm giảm căng thẳng. Các tham luận và quá trình thảo luận đã góp
phần đưa ra một số câu trả lời và kiến giải cho những căng thẳng mới ở
khu vực Biển Đông.
Hội thảo này là lần thứ hai IRIS phối hợp với Quỹ Gabriel Péri tổ chức
hội thảo về vấn đề này, lần đầu được tổ chức tại trụ sở của IRIS ở Paris
năm 2012./.
Theo TTXVN