Hội thảo do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp với Trung tâm Thông tin Tổ chức phi Chính phủ (NGO-IC), Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững (SRD) và một số tổ chức phi chính phủ Việt Nam tổ chức thường niên nhằm huy động sự tham gia và tăng cường hiệu quả hoạt động của các TCXH góp phần phát triển bền vững đất nước; đồng thời, bàn về các giải pháp tháo gỡ những khó khăn kể trên. Trong bối cảnh khó khăn khi các nguồn tài trợ trong nước và quốc tế bị cắt giảm, cần sự tăng cường hợp tác của các TCXH. Hợp tác trong chia sẻ thông tin, chia sẻ các kinh nghiệm tốt và chia sẻ cả những khó khăn hay thất bại.
Hội thảo thực sự tạo cơ hội để kết nối, là diễn đàn chia sẻ thông tin, kiến thức, bài học, các sáng kiến giữa các TCXH, đồng thời đây cũng là cơ hội để các TCXH thảo luận về các giải pháp hợp tác, phối hợp với cơ quan Đảng, Quốc hội và Chính phủ, các bộ, ban ngành Trung ương và địa phương, các tổ chức quốc tế và các đối tác trong thời gian tới. Vấn đề tài chính bền vững cho các TCXH vẫn là nội dung quan trọng được đề cập trong Hội thảo nhằm đưa ra những kiến nghị chính sách phát huy tối đa nguồn lực của các TCXH.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VUSTA cho biết: Các TCXH đã rất nỗ lực và sáng tạo để khắc phục khó khăn, không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, tăng cường kết nối, chia sẻ giữa các hội, các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức cộng đồng thông qua các liên minh, mạng lưới; tranh thủ huy động nguồn lực trong nước và quốc tế, từng bước thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, được các cơ quan nhà nước và cộng đồng ghi nhận.
Tuy nhiên, hoạt động của các TCXH vẫn đang gặp phải những khó khăn, thách thức, thể hiện ở một số điểm chính: i) Khung pháp lý cho việc thành lập và hoạt động của TCXH còn bất cập, Luật về Hội chưa được ban hành. ii) Tài chính cho hoạt động của các TCXH còn gặp nhiều khó khăn: chưa có cơ chế, chính sách tiếp cận nguồn ngân sách nhà nước, chính sách và quy trình phê duyệt viện trợ phi chính phủ nước ngoài còn rườm rà, thời gian kéo dài; chưa có chính sách đặc thù về thuế cho khu vực phi lợi nhuận, nguồn tài chính cho hoạt động của các TCXH chủ yếu dựa vào nguồn viện trợ quốc tế, trong khi nguồn này đang giảm mạnh mẽ. iii) Năng lực của các TCXH không đồng đều, sự kết nối, chia sẻ thông tin giữa các TCXH với nhau và với các đối tác còn hạn chế. iv) Nhận thức về vị trí, vai trò của các TCXH còn chưa đầy đủ. Đây cũng là những vấn đề được các đại biểu quan tâm trong suốt diễn đàn Hội thảo.
Nhiều báo cáo tham luận tại Hội thảo đã tập trung làm rõ hơn các nội dung nêu trên. Một số báo cáo được các đại biểu quan tâm như: “Thực trạng của các TCXH trực thuộc VUSTA- Khó khăn, thuận lợi và giải pháp"; “Phát triển quan hệ đối tác lâu bền vì sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước”; “Kết nối , chia sẻ kinh nghiệm hoạt động của các mạng lưới TCXH”; báo cáo “Phối hợp giữa Cục phòng chống HIV/AIDSvaf các TCXH trong phòng, chống HIV/AIDS”; “Huy động nguồn lực tài chính cho các TCXH”; đặc biệt Hội thảo cũng được nghe báo cáo “Chiến lược hợp tác với các TCXH Việt Nam” của đại diện Phòng Vì sự sống còn và phát triển trẻ em (UNICEF)…
Hội thảo đã đạt được mục tiêu đề ra, thể hiện rõ trách nhiệm của VUSTA và đáp ứng được tâm tư, tình cảm của đại diện các TCXH.
PV