Thứ Sáu, 22/11/2024
Khoa học
Thứ Sáu, 27/7/2018 7:13'(GMT+7)

Hội thảo toàn cảnh công nghệ thông tin-truyền thông Việt Nam

Khách tham quan khu trải nghiệm công nghệ 4.0 với các sản phẩm trí tuệ Việt. (Ảnh: TTXVN)

Khách tham quan khu trải nghiệm công nghệ 4.0 với các sản phẩm trí tuệ Việt. (Ảnh: TTXVN)

Hội thảo do Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Nhân dân Thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh.

Hơn 1.500 đại biểu tham dự hội thảo là đại diện các bộ, sở, ngành và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành trên cả nước; lãnh đạo các hội, hiệp hội, viện, trường, lãnh sự quán, tổ chức xúc tiến thương mại; khối doanh nghiệp công nghệ thông tin và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin; cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp, vườn ươm, quỹ đầu tư…

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung đề cập các vấn đề liên quan việc nâng cao hiệu quả gắn kết giữa các doanh nghiệp công nghệ thông tin, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin, các công ty khởi nghiệp, các chuyên gia nghiên cứu và ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước, các viện, trường học, quỹ đầu tư nhằm hiện thực hóa tiến trình triển khai, hợp tác.

Tại phiên khai mạc, ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, những công nghệ mới về điện toán đám mây, dữ liệu lớn, Social Network, Mobility, phân tích dữ liệu, kết nối vạn vật và gần đây là Machine learning (học máy), Công nghệ nhận thức, Trí tuệ nhân tạo… đã tạo ra một cuộc cách mạng trong việc xử lý và khai thác nguồn dữ liệu khổng lồ đang tăng lên cấp bội số nhân mỗi ngày.

Trong kỷ nguyên số, dữ liệu số là tài sản của doanh nghiệp và dữ liệu số cũng chính là mấu chốt của hành trình chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, dẫn đến thành công của doanh nghiệp.

Nghiên cứu mới nhất của Công ty Dữ liệu quốc tế, việc chuyển đổi số sẽ đóng góp khoảng 1,16 nghìn tỷ USD vào GDP của châu Á Thái Bình Dương, với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm là 0,8%. Năm 2017, chiếm khoảng 6% GDP của châu Á-Thái Bình Dương đến từ các sản phẩm và dịch vụ số, thông qua việc sử dụng các công nghệ số.

Công ty Dữ liệu quốc tế dự báo con số này sẽ tăng lên 60% GDP khu vực vào năm 2021. Điều đó cho thấy lợi ích mang lại từ việc chuyển đổi số là rất lớn đối với sự phát triển của nền kinh tế nói chung, doanh nghiệp nói riêng.

Tại thị trường Việt Nam, chưa có số liệu chính thức nào về sự sẵn sàng chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Theo ghi nhận của Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh thông qua các buổi khảo sát, làm việc với các hiệp hội ngành nghề, đặc biệt những ngành có tỷ trọng và hàm lượng xuất khẩu cao (ngành sợi, ngành gỗ, ngành may…) hay các ngành liên quan trực tiếp đến người tiêu dùng như bán lẻ, dược phẩm…, hầu hết các doanh nghiệp luôn có nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin để hoạt động kinh doanh hiệu quả, mang lại lợi nhuận cao.

Song với tốc độ phát triển quá nhanh của công nghệ, hàng loạt khái niệm mới, giải pháp, dịch vụ mới ra đời đã khiến cho các doanh nghiệp... "phân vân, e ngại".

Họ không biết bắt đầu chuyển đổi từ đâu, cần trang bị những hiểu biết gì để đầu tư cho đúng đắn, vừa tiết kiệm chi phí mà không bị lạc hậu công nghệ.

Vì vậy, ông Lâm Nguyễn Hải Long nhấn mạnh: “Công nghệ và giải pháp phục vụ chuyển đổi số trên thị trường hiện đã sẵn sàng với rất nhiều lựa chọn, được cung cấp từ các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Nhưng làm sao để kết nối được giữa sự hiểu biết về công nghệ và chuyển hóa thành ứng dụng trong điều hành doanh nghiệp hiệu quả, bền vững, đó chính là vấn đề lớn mà việc chuyển đổi số trong doanh nghiệp cần phải giải quyết được”.

Trong các phiên thảo luận của hội thảo, hầu hết các chuyên gia đều khuyên rằng, các doanh nghiệp nên bắt đầu chuyển đổi số từ những việc nhỏ nhưng có tầm nhìn lớn, như từ việc số hóa tài liệu để hạn chế in ấn giấy tờ, tiết kiệm thời gian cho khách hàng hoặc bước đầu số hóa quy trình giao việc, kiểm soát công việc trong doanh nghiệp với một giải pháp trên nền tảng đám mây…

Trên cơ sở số hóa từng bước, tư duy về đổi mới sáng tạo trong tổ chức sẽ dần hình thành, khi đó tiếp tục nghĩ đến những ứng dụng lớn hơn như hệ thống quản trị ERP, dữ liệu lớn, phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo...

Ông Phí Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Giám đốc Công ty tư vấn PAT chia sẻ, để tiến lên số hóa, doanh nghiệp cần tiến hành chuyển đổi dữ liệu sang dạng số (Digitization) và chuyển đổi nghiệp vụ sang dạng số (Digitalization).

Việc chuyển đổi chỉ mang tính khả thi chỉ khi có dữ liệu số. Nếu không thực hiện chuyển đổi dữ liệu sang dạng số và chuyển đổi nghiệp vụ sang dạng số sẽ không có chuyển đổi số nào.

Cơ hội chuyển đổi số chia đều cho mọi doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể thực hiện việc này bằng cách phối hợp với 3 yếu tố khác để đạt mục tiêu nhanh nhất.

Đó có thể là yếu tố sáng tạo trong nội tại doanh nghiệp, tổ chức; đổi mới sáng tạo trong bối cảnh kinh tế chia sẻ và trong hệ sinh thái; đổi mới sáng tạo thông qua kết nối với cộng đồng startup.

Liên quan đến chuyển đổi số trong doanh nghiệp, ông Nguyễn Hồng Minh, Phó Tổng Giám đốc Sao Bắc Đẩu gợi ý để chuẩn bị bước vào lộ trình chuyển đổi số, trước hết các lãnh đạo doanh nghiệp đặt ra loạt câu hỏi kiểu như chúng ta có thể xây dựng lợi thế cạnh tranh bằng việc áp dụng công nghệ mới hay không.

Nếu những đối thủ cùng ngành với chúng ta áp dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh, chúng ta phải làm gì để thu hẹp khoảng cách. Từ tư duy đó, các doanh nghiệp sẽ đưa ra được định hướng thực hiện phù hợp với nguồn lực của mình.

Theo ông Nguyễn Hồng Minh, đối với nhóm ngành thương mại, doanh nghiệp có thể dễ dàng hơn khi chuyển đổi số, bởi họ chỉ cần tìm con đường ngắn nhất đi từ doanh nghiệp đến khách hàng.

Nhóm ngành sản xuất sẽ khó khăn hơn, nhưng đây lại là nhóm doanh nghiệp cần thay đổi nhất để tối ưu hóa nguồn lực sản xuất, rút ngắn thời gian đưa sản phẩm đến khách hàng.

Tại Hội thảo toàn cảnh công nghệ thông tin-truyền thông Việt Nam lần thứ 23 còn diễn ra các hoạt động như khu trải nghiệm công nghệ 4.0 với các sản phẩm trí tuệ Việt với việc ứng dụng phần mềm điều khiển trong các thiết bị, công nghệ Trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, người máy, thiết bị bay, công nghệ In 3D…; khu trưng bày giới thiệu các giải pháp và dịch vụ công nghệ thông tin-truyền thông của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, của doanh nghiệp khởi nghiệp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đa ngành nghề tìm kiếm thông tin và giải pháp phù hợp; xúc tiến thương mại “Xây dựng hệ sinh thái đối tác trong kỷ nguyên số”; giao lưu khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên số./.

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất