.Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho từng cá nhân, doanh nghiệp, quốc gia trong việc tận dụng những cơ hội cũng như thách thức của Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại. Trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp thông minh - Industry 4.0 Summit 2018 diễn ra từ ngày 12-13/7/2018, các đại biểu tham dự đã nêu nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề này.
* Cơ hội đi kèm thách thức
Nhận diện tác động của cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ tư và những khuyến nghị đối với Việt Nam, Tiến sỹ Lucy Cameron, chuyên gia tư vấn nghiên cứu cao cấp (Data 61, CSIRo Australia) cho rằng, Việt Nam đang đứng trước hàng loạt cơ hội phát triển cũng như những thách thức do những xu hướng chính từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang ảnh hưởng tới không chỉ nền kinh tế trong nước mà cả khu vực và trên thế giới. Một số thách thức có thể kể đến như: Yêu cầu tăng năng suất lao động mà không làm ảnh hưởng tới tỷ lệ thất nghiệp, chiến lược để thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo cung ứng năng lượng và cơ sở hạ tầng cho phát triển.
Tiến sỹ Lucy Cameron nhấn mạnh, Việt Nam cần tận dụng các cơ hội phát triển hiện nay như: Lợi thế từ vị trí địa lý chiến lược, nằm trong trung tâm phát triển kinh tế của thế giới; phát huy các ngành kinh tế tiềm năng, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ và sáng tạo; tăng cường lợi thế cùng với sự bùng nổ của thị trường du lịch khu vực Đông Nam Á.
Bàn về kinh nghiệm quốc tế trong triển khai công nghiệp 4.0, ông Jonathan Ng, Tổng Giám đốc Trung tâm Năng lực số (DCC), McKinsey & Co Singapore đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam đang có những chính sách rất mạnh mẽ trong triển khai cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Theo ông Jonathan Ng, đến năm 2030, sẽ có khoảng 50 tỷ máy móc có thể kết nối với nhau, gấp nhiều lần so với dân số thế giới. Xét về mặt sản lượng và lượng giá trị tạo ra, con số này lên đến hàng triệu tỷ USD. Xét về khía cạnh tự động hóa, sẽ có rất nhiều lĩnh vực, khâu sản xuất được tự động hóa, chiếm tới 44%, thậm chí lên tới 46%. Cũng theo ông Jonathan Ng, cuộc cách mạng 4.0 được định nghĩa theo các công việc chính: Dữ liệu; công nghệ điện toán; kết nối, chuyển đổi dữ liệu trên những nền tảng cơ bản; phân tích dữ liệu; trí thông minh nhân tạo và cuối cùng là sự tương tác giữa con người và máy móc. Trong bối cảnh các doanh nghiệp đều muốn áp dụng nhà máy thông minh, máy móc thông minh vào sản xuất, tất cả các doanh nghiệp đều phải áp dụng những định nghĩa của cách mạng 4.0 nói trên.
Ông Jonathan Ng cho biết, một cuộc khảo sát của Trung tâm Năng lực số (DCC), McKinsey & Co Singapore đối với Việt Nam cho thấy, sự quan tâm của các doanh nghiệp Việt với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là rất lớn. Gần 80% chuyên gia và các công ty sản xuất trong cuộc khảo sát đều có nhận thức sâu sắc và có hiểu biết cơ bản về cuộc cách mạng này. Đây là một xu thế quan trọng và đang tiếp tục diễn ra tại Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt đều nhìn nhận Cách mạng 4.0 là cơ hội nhiều hơn thách thức do lĩnh vực sản xuất đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam.
Việt Nam có lực lượng lao động trẻ hiểu biết về công nghệ số, có khả năng vận dụng công nghệ số vào sản xuất. Tuy nhiên khi khảo sát về vấn đề vận dụng Cách mạng 4.0 vào sản xuất thì chỉ có khoảng 50% số doanh nghiệp đã có lộ trình vận dụng; trong đó có khoảng 13% số doanh nghiệp đã thực sự triển khai cuộc Cách mạng. Đây thực sự là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt nhưng cũng là thách thức không nhỏ cho họ.
Ông Jonathan Ng cho rằng, các doanh nghiệp Việt cần xác định chiến lược kinh doanh rõ ràng. Bên cạnh đó, nhân tài là một vấn đề quan trọng đặc biệt trong bối cảnh cách mạng 4.0. Chính nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ đưa ra những sáng kiến về số hóa giúp phát triển doanh nghiệp. Để phát triển nguồn nhân lực này cần có sự hợp tác chung tay của các trung tâm nghiên cứu, trường đại học, các cơ quan chính phủ, học viện, các doanh nghiệp, start up...
*Cần có chính sách phát triển khoa học công nghệ phù hợp
Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Quang Liêm, Viện trưởng Viện Khoa học vật liệu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) nhận định, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là xu thế tất yếu, đang diễn ra mạnh mẽ, tác động trực tiếp đến sản xuất. Các dịch vụ và quá trình lưu thông hàng hóa, tài chính, có ảnh hưởng sâu rộng tới mọi mặt kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng của mỗi quốc gia.
Theo Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Quang Liêm, để nâng cao năng lực tiếp cận và cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Việt Nam cần phải có chính sách phát triển khoa học công nghệ phù hợp trong đó có chính sách đào tạo, thu hút nguồn nhân lực trình độ cao trực tiếp thực hiện, tham gia cuộc Cách mạng; có định hướng chính sách phát triển khoa học công nghệ ưu tiên…
Trong lĩnh vực công nghệ năng lượng và môi trường cần có chính sách dự báo nhu cầu điện tiên tiến, năng lượng tái tạo; ứng dụng các phần mềm tiên tiến giám sát lưới điện, kiểm soát diện rộng; nghiên cứu công nghệ trạm sạc điện thông minh, sạc điện không dây cung cấp năng lượng điện cho xe điện dân dụng và chuyên dụng…
Trong lĩnh vực công nghệ sinh học, cần ưu tiên lĩnh vực tế bào gốc, nghiên cứu công nghệ tái tạo mô bằng in 3D phục vụ cho công tác thay thế và cấy ghép nội tạng, điều trị các bệnh hiểm nghèo…
Đối với lĩnh vực vật lý, khoa học vật liệu, cần tập trung nghiên cứu các quá trình/cơ chế vật lý để chế tạo các loại cảm biến có độ nhạy cao; nghiên cứu cơ chế truyền tín hiệu, đặc biệt truyền tín hiệu không dây ở cả tầm gần và tầm xa, hiệu suất cao…
*Thúc đẩy minh bạch trong từng công việc
Hòa thượng Thích Chân Quang, Phó Ban Kinh tế-Tài chính Trung ương, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đánh giá, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã giúp xóa đi ranh giới giữa khoa học tự nhiên và khoa học nhân văn; làm cho các lĩnh vực khoa học, đời sống, xã hội kết nối với nhau và người tu hành cũng không nằm ngoài quy luật này.
Người tu hành đang đối diện với một thực tại, đó là không thể sống biệt lập với xã hội mà phải hòa với xu thế chung của Cách mạng công nghiệp 4.0. Cuộc Cách mạng giúp thúc đẩy đạo đức cá nhân đối với mỗi con người, thúc đẩy sự minh bạch trong từng công việc nhờ sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật và công nghệ. Người tu hành trước đây có thể độc lập, tách biệt, nhưng nhờ công nghệ thông tin, máy móc thông minh, họ khẳng định được đạo đức cá nhân thông qua sự minh bạch và trách nhiệm xã hội
Cũng nhờ vậy, người tu hành còn phải trau dồi kiến thức bởi trong thời đại ngày nay, hầu hết các phật tử, tín đồ đều có tri thức, thậm chí họ còn là những người điều hành cuộc cách mạng 4.0. Do đó, người tu hành cần phải có kiến thức uyên bác để giáo hóa được các tín đồ, phật tử. Người tu hành không thể đứng ngoài cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mà phải hợp tác, tận dụng những thế mạnh của cuộc Cách mạng này.
Hòa thượng Thích Chân Quang cũng cho rằng, trong thời đại công nghiệp 4.0, ngoài việc tận dụng, khai thác những điểm mạnh, cơ hội cũng cần đề phòng những mặt trái “đánh” vào đạo đức của loài người, làm xáo trộn đời sống, phá bỏ tính cách nhân văn của con người.
Công nghệ thông tin cũng giúp người tu hành đến gần hơn với những phật tử, đồng thời giúp các tăng ni có thêm hiểu biết về xã hội, từ đó có định hướng đúng đắn trong quá trình giáo hóa, tu dưỡng đạo đức cho các phật tử.
Bên cạnh đó, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 còn giúp sợi dây liên kết giữa đạo và đời ngày càng bền chặt khi thông qua máy móc thông minh, công nghệ cao, giúp tăng cường tương tác giữa chùa với gia đình, giữa chùa với nhà trường, giữa chùa với chính quyền theo hướng nhanh chóng, đồng cảm và hiệu quả hơn. Với sự hỗ trợ của công nghệ, nhà chùa, các tăng ni sẽ hoàn thành hiệu quả trách nhiệm giáo dục con người về đạo đức và lòng yêu nước./.
Nguồn: TTXVN