Thứ Tư, 25/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Hai, 22/10/2012 16:39'(GMT+7)

Hội thảo Việt Nam học lần thứ IV “Việt Nam trên đường hội nhập và phát triển bền vững”

GS. Phan Huy Lê chia sẻ về những lần Hội thảo Việt Nam học trước.

GS. Phan Huy Lê chia sẻ về những lần Hội thảo Việt Nam học trước.

Trong cuộc họp báo ngày 22/10 tại Hà Nội về Hội thảo (dự kiến tổ chức từ 26- 28/11/2012 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia -Mỹ Đình, Hà Nội), GS.TS Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Viện Khoa học và Xã hội Việt Nam, Trưởng ban tổ chức Hội thảo quốc tế về Việt Nam học lần thứ IV năm 2012 đã cho biết: Đến nay Ban tổ chức đã nhận được trên 1.500 đăng ký tham dự Hội thảo, trong đó có gần 300 đại biểu đến từ 35 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Hội thảo quốc tế về Việt Nam học lần thứ IV với chủ đề: “Việt Nam trên đường hội nhập và phát triển bền vững”, là cơ hội cho các nhà Việt Nam học trên toàn thế giới tham luận, trình bày những kết quả nghiên cứu của mình và giao lưu, trao đổi học thuật với các đồng nghiệp, qua đó góp phần nâng cao nhận thức khoa học từ việc tập hợp các ý tưởng hội nhập và phát triển bền vững Việt Nam trong giai đoạn mới. Đây cũng là dịp để các nhà Việt Nam học trong nước và quốc tế gặp gỡ, thảo luận, tăng cường phối hợp nghiên cứu giữa các học giả trong và ngoài Việt Nam. Hội thảo lần này tập trung thảo luận tất cả các lĩnh vực trong hội nhập và phát triển bền vững của Việt Nam: Kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, lịch sử, môi trường, quan hệ quốc tế và an ninh khu vực... được chia thành 15 tiểu ban.

Thông qua Hội thảo, các nhà khoa học trong và ngoài nước sẽ thảo luận và tham gia đề xuất các ý kiến về quan điểm, về  chính sách phát triển của Việt Nam trong hội nhập và phát triển trên tinh thần: “Việt Nam là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực và trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì một thế giới hòa bình và phát triển bền vững”.

Chủ đề hội nhập và phát triển bền vững của Hội thảo quốc tế về Việt Nam học lần thứ IV là sự tiếp nối của ba Hội thảo trước, bàn về những vấn đề đang đặt ra cho Việt Nam trong xu thế tất yếu của thời đại toàn cầu hóa, trên cơ sở kết tinh những giá trị văn hóa, tinh thần dân tộc hòa quyện với những giá trị văn hóa của nhân loại; giúp Việt Nam tiếp thu những tinh hoa tri thức tiên tiến của thế giới, nhằm rút ngắn quá trình phát triển, nhanh chóng đạt trình độ hiện đại, tiến tới sự phát triển bền vững cho hiện tại và tương lai.

Sau 3 lần tổ chức Hội thảo quốc tế về Việt Nam học, một mạng lưới quốc tế các nhà Việt Nam học trên thế giới đã hình thành và phát triển, góp phần nghiên cứu, giới thiệu về đất nước, con người, văn hóa, lịch sử và những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong tiến trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, trải qua các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và xây dựng CNXH.

Trong đó, đề tài về những bài học kinh nghiệm lịch sử, đặc biệt là những thành tựu và hạn chế trong sự nghiệp đổi mới của Việt Nam cùng những vấn đề đặt ra hiện nay trong quá trình hội nhập và phát triển… đã thu hút sự nghiên cứu của các nhà khoa học của Việt Nam và quốc tế.

Từ những tiền đề ban đầu, một số tổ chức, câu lạc bộ nghiên cứu về Việt Nam học đã được thành lập ở Việt Nam và các quốc gia khác như: Hội Nhật Bản nghiên cứu Việt Nam, Hội học thuật nghiên cứu Việt Nam, mạng lưới Euro - Việt...



Lê Thị Hòa

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất